|
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Xung quanh nội dung này, Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến để làm rõ hơn những kế hoạch ứng phó với COVID-19 của ngành nông nghiệp thời gian tới.
Thưa ông, nhìn lại diễn biến các đợt dịch COVID-19 vừa qua, ngành nông nghiệp đã rút ra được những kinh nghiệm ứng phó và thúc đẩy sản xuất thời gian tới như thế nào?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và cả Việt Nam, trong đó ngành nông nghiệp Việt Nam còn có những đặc thù riêng do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thiên tai rất lớn. Từ năm 2017, châu Âu đã rút “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam, nỗ lực để cải thiện việc này không chỉ ngày một ngày hai mà đòi hỏi sự vào cuộc rất quyết liệt từ Trung ương đến địa phương và thay đổi nhận thức của người sản xuất.
Không những vậy, khó khăn bủa vây toàn bộ chuỗi sản xuất từ nguyên liệu đầu vào tăng giá, khó khăn trong thu hoạch, sơ chế, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ… Tuy nhiên, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tạo ra những thành tựu nhất định và được Chính phủ đánh giá là một yếu tố tích cực để giữ ổn định đất nước lúc khó khăn.
Những ứng phó kịp thời đã cho kết quả cụ thể: Ngay 3 tháng đầu năm 2021, toàn ngành đã đạt chỉ tiêu tăng trưởng 3,16%, xuất khẩu vẫn đạt 10,61 tỷ USD và thặng dư thương mại 2,87 tỷ USD.
Với kinh nghiệm ứng phó vừa qua và đánh giá hiện nay khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, cần triển khai hệ thống các giải pháp. Trước hết, về tái cơ cấu, cần tập trung 3 trục sản phẩm: Sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng và sản phẩm địa phương. Tùy đối tượng và vùng sinh thái sẽ có những chỉ đạo cụ thể.
Thứ hai, cần tạo môi trường thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp. Vừa rồi, Bộ NN&PTNT đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi Nghị định 57/2018/NĐ-CP cho sát thực tiễn hơn nữa để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, cần dự báo thị trường chính xác hơn để đáp ứng thị trường 100 triệu dân và thị trường xuất khấu.
Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cũng được coi là giải pháp đặc biệt quan trọng thời điểm này và tương lai. Trong khi hạ tầng kho bãi và công nghệ chế biến của ta còn lạc hậu, muốn hội nhập và nâng cao giá trị cần dồn chính sách để tăng cường chế biến sâu.
Cùng với đó, sẽ đẩy mạnh quản lý dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc…
Theo ông, trong toàn chuỗi sản xuất hiện nay cần chú ý đến khâu nào nhất để tránh những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, thưa ông?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Đáng báo động nhất là các chuỗi chế biến vì các đơn vị chế biến đang là khâu trọng yếu để vừa thúc đẩy sản xuất trong nước vừa bảo đảm cho việc xuất khẩu. Chính vì vậy, trong thời gian qua ngoài chỉ đạo khu vực nuôi và khai thác thì Bộ NN&PTNT tập trung cao độ chỉ đạo giữ an toàn các nhà máy chế biến. Hầu như các cơ sở chế biến đều yêu cầu công nhân ăn nghỉ tại chỗ, thực hiện tốt 5K nên chưa có doanh nghiệp chế biến nào trong ngành nông nghiệp có ca bệnh.
Cùng với đó, việc phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và địa phương trong tái cơ cấu phải thực hiện nghiêm túc, việc tiêu thụ cũng phải phối hợp với Bộ Công Thương linh hoạt và chủ động. Ví dụ, cá tra ở miền Nam vừa rồi giá xuống thấp, hai Bộ kết nối giữa phía nam và phía bắc đã tương đối thành công, vải vụ trước cũng thu hoạch đúng thời điểm, kết nối tiêu thụ tại TPHCM rất tốt.
Rút kinh nghiệp đợt COVID-19 trước, một số địa phương không tiêu thụ được nông sản ở một số điểm cục bộ, lần này sẽ có những ứng phó linh hoạt hơn. Thực tế năng lực cung ứng của chúng ta không đáng lo, ví dụ như Hà Nội có thời điểm giãn cách xã hội khiến người dân lo lắng về lương thực nhưng cũng chỉ trong 2 ngày, nguồn lương thực huy động tập trung đã đạt đến năng lực dự trữ 300% so với nhu cầu.
Đợt bùng phát thứ tư này đang có những diễn biến rất nhanh, Bộ NN&PNT đã xây dựng kế hoạch về lương thực thực phẩm như thế nào thưa ông?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Chúng tôi đã có kế hoạch cụ thể và chi tiết. Cụ thể như về lương thực năm nay sẽ phấn đấu đạt 43 triệu tấn, thực tế vừa rồi khu vực ĐBSCL đã thu hoạch đạt năng suất chất lượng tốt. Theo kế hoạch lượng lúa này được phân bổ: 14,5 triệu tấn lúa cho tiệu thụ trong nước, 7,5 triệu tấn cho chế biến, 3,5 triệu tấn dự trữ, 1 triệu tấn làm giống và 13,5 đến 13,8 triệu tấn dùng xuất khẩu
Về rau, khả năng đạt trên 18 triệu tấn, trong đó hơn 4 triệu tấn cho xuất khẩu. Các loại quả cũng đạt trên 5 triệu tấn.
Thủy sản ước đạt 8,6 triệu tấn, chăn nuôi đạt 5,6 triệu tấn thịt, 15 tỷ quả trứng và 1,2 triệu tấn sữa.
Sản xuất đã tính toán linh hoạt về mùa vụ hơn. Ví dụ đợt vừa rồi xuống giống sớm 15-20 ngày nên né được đợt hạn mặn. Hoặc như trong chăn nuôi gia cầm và thủy sản hiện nay giá thức ăn lên thì tính toán lại chu trình vào đàn hợp lý, doanh thu cũng sẽ không quá bị thiệt hại. Hiện giờ, trồng trọt chúng ta đang giảm diện tích, tăng năng suất nên vẫn đạt được sản lượng theo yêu cầu.
Việc khó nhất hiện nay là hạ tầng chế biến, kho bãi dự trữ, cụ thể là kho lạnh hiện còn đang hạn chế. Trong khi đó, muốn nâng cấp hạ tầng cần huy động nhiều ngồn vốn và công nghệ. Những năm gần đây, tuy có nhiều bước tiến trong thương mại nông sản nhưng đầu tư hạ tầng nông nghiệp mới chiếm 5,7% ngân sách, việc này rất hạn chế đặc biệt trong điều kiện thiên tai ngày càng diễn biến khó lường và phức tạp hơn.
Như vậy, có thể nói nguồn cung trong nước đã có kế hoạch bảo đảm, tuy nhiên để giữ được mục tiêu xuất khẩu thời điểm này liệu có khó khăn cho ngành Nông nghiệp không, thưa ông?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Tất nhiên như tôi đã nói khó khăn của ngành nông nghiệp không chỉ bị ảnh hưởng với dịch COVID-19 mà cả những rủi ro đặc thù của ngành. Tuy nhiên cũng phải khẳng định Việt Nam có hệ thống sinh thái nông nghiệp đặc thù khác với các nước. Với 13.500 doanh nghiệp, 17.000 hợp tác xã hơn 34.000 trang trại và 8,6 triệu hộ nông dân kết thành hệ sinh thái tương đối vững chắc để cung cấp lương thực.
Hiện nay, chúng ta huy động tổng lực các kênh tiêu thụ từ hệ thống phân phối siêu thị, các kênh phân phối online và bán lẻ… Cùng với việc nâng cao việc truy xuất nguồn gốc và đảm bảo nguồn cung thì có thể bảo đảm mọi hoàn cảnh tới đây.
Hiện Bộ cũng đang đề nghị các địa phương và đặc biệt các doanh nghiệp cần lưu ý hơn trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Việc này nhiều năm qua đã làm nhưng giờ cần quan tâm hơn đến việc thương hiệu phải truy xuất nguồn gốc được.
Chúng tôi kỳ vọng với việc cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn cho các doanh nghiệp, sẽ có đông đảo doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành. Nếu có các doanh nghiệp lớn kết nối với các trang trại, hợp tác xã và bà con nông dân thì chúng ta sẽ có hệ sinh thái bền vững, cung ổn định, xuất khẩu cũng tốt hơn.
Cùng với đó, nếu dự trữ được bảo đảm hơn, tức là chúng ta có thể cung cấp thực phẩm trái vụ an toàn bằng ứng dụng khoa học công nghệ thì ngành nông nghiệp sẽ giảm được nhiều áp lực. Hiện nay, ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp giảm 35% thất thoát sau thu hoạch, nâng cao năng suất và chất lượng. Tuy nhiên, dư địa của việc phát triển các ứng dụng khoa học công nghệ vẫn còn rất lớn.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Đỗ Hương (thực hiện)