Lực lượng Quản lý thị trường đã thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ 

(Chinhphu.vn) – Đây là trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đối với chất vấn của đại biểu Quốc hội Đôn Tuấn Phong (An Giang) về việc tổ chức lại lực lượng Quản lý thị trường hiện nay của Bộ Công Thương, chiều 6/11.

 

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc tổ chức lại lực lượng Quản lý thị trường trên địa bàn cả nước thực hiện theo Quyết định số 34/QĐ-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Tổng cục Quản lý thị trường và xây dựng tổ chức bộ máy lực lượng Quản lý thị trường theo hệ thống ngành dọc. Thời quan qua, Bộ Công Thương đã và đang tổ chức triển khai nghiêm túc và tích cực vấn đề này.

Tính đến nay, sau một năm có Quyết định thành lập Tổng cục Quản lý thị trường của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng xong tổ chức bộ máy của Tổng cục theo hướng xây dựng lực lượng Quản lý thị trường chính quy, tinh nhuệ. Đồng thời, tiếp tục thu gọn đầu mối và tinh giản bộ máy tổ chức để bảo đảm việc thực hiện chỉ đạo về cải cách thể chế, bộ máy.

Bộ Công Thương đã giảm được 164 đội Quản lý thị trường trong tổng hơn 600 đội trên cả nước. Đến 2020, Bộ tiếp tục giảm 140 đội Quản lý thị trường. Như vậy, thực tế đã giảm số lượng các đội Quản lý thị trường tới hơn 46%, ngay trong năm nay, sẽ thành lập 19 Cục Quản lý thị trường liên tỉnh, theo đó cả nước chỉ có 47/63 Cục Quản lý thị trường ở địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục tinh giản bộ máy của lực lượng Quản lý thị trường không đi ngược lại với yêu cầu chính quy hoá và tăng cường hơn nữa năng lực quản lý của lực lượng Quản lý thị trường trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay.

Năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, số lượng các vụ việc mà lực lượng Quản lý thị trường đã tổ chức thanh tra, kiểm tra lên tới 141.000 vụ, xử lý 82.300 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước hơn 430 tỷ đồng.

“Lực lượng Quản lý thị trường đã thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là yêu cầu mới về việc tổ chức ngành dọc ngày càng chính quy, tập trung tấn công và xử lý nhiều vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, có nhiều vụ việc lớn được lực lượng xử lý tại Quảng Ninh, Khánh Hoà… Ngày hôm nay, lực lượng đang triển khai kiểm tra, xử lý tại TPHCM”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) liên quan đến công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhìn nhận, thực tế những câu chuyện về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém phẩm chất, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ tương đối phổ biến tại các địa phương, đặc biệt khi chúng ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới thì tình trạng này ngày càng nhiều hơn, thậm chí được tổ chức một cách rất tinh vi, có sự liên kết trong và ngoài nước. 

Vì vậy, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, thể hiện rõ qua vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng khác trong Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Trong Pháp lệnh Quản lý thị trường cũng yêu cầu thống nhất tổ chức các lực lượng chuyên nghiệp cũng như tổ chức lực lượng Quản lý thị trường theo ngành dọc, nhằm đảm bảo yêu cầu phối hợp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái, hàng kém phẩm chất.

Sau khi được thành lập Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã hoàn thiện cơ bản bộ máy tổ chức của lực lượng Quản lý thị trường và trên thực tế không đơn thuần lấy số lượng các vụ việc được kiểm tra và xử lý vi phạm để chứng minh hiệu quả. Hiện nay, lực lượng Quản lý thị trường đang tiếp tục được tinh giản và cắt giảm nhiều đầu mối và đang  phát huy được vai trò của mình, nhất là thông qua hàng loạt cơ chế phối hợp với địa phương, quy chế phối hợp với các lực lượng chuyên ngành như Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an kinh tế…

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của lực lượng Quản lý thị trường nói riêng và các lực lượng khác trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay.

Trên thực tế, lực lượng Quản lý thị trường đang tổ chức các cuộc đấu tranh chống buôn lậu có trọng tâm trọng điểm tại một số khu vực, địa bàn như Đồng Tháp, An Giang đối với mặt hàng thuốc lá, đường cát lậu tại Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Khánh Hoà và nhiều trung tâm khác về hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ…

“Tại diễn đàn Quốc hội này, tôi cũng nhìn nhận trách nhiệm của mình chưa đảm bảo hết được những yêu cầu trong đấu tranh chống hàng giả, hàng kém phẩm chất, nhưng chúng tôi cam kết trong thời gian tới đây lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiếp tục làm tốt và sẽ làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình, chủ động phối hợp với các địa phương, các lực lượng chức năng khác trong đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại hiệu quả hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

Lê Sơn
266 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1225
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1225
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87181120