Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị làm tốt công tác bảo vệ, quản lý biên giới Việt Nam - Lào 

Công tác quản lý, bảo vệ biên giới Việt Nam - Lào nói chung và trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói riêng không chỉ đảm bảo an ninh quốc gia mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn hoà bình, ổn định khu vực biên giới, củng cố tình hữu nghị đặc biệt, vĩ đại giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào. Những nỗ lực hợp tác, phối hợp giữa lực lượng Bộ đội Biên phòng với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng 2 Bên là nền tảng để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong bối cảnh mới.

Việt Nam - Lào có chung đường biên giới dài khoảng 2.340km, đi qua 10 tỉnh biên giới Việt Nam là Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum; tiếp giáp với 10 tỉnh biên giới Lào là Phông Sa Lỳ, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bo Ly Khăm Xay, Khăm Muồn, Savannakhet, Salavan, Xê Kông và Ắt Tạ Pư.

Tỉnh Quảng Trị có tuyến biên giới Việt - Lào dài gần 188km, tiếp giáp 2 tỉnh Savannakhet, Salavan của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Địa bàn khu biên giới trên đất liền có 16 xã, thị trấn, 166 thôn, bản thuộc hai huyện Hướng Hóa và Đakrông với 16.306 hộ/69.125 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc: Kinh, Pacô, Vân Kiều. Tuyến biên giới của tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng trong phòng thủ bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cũng là cửa ngõ thông thương, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa trong nước và bên ngoài.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của khu vực biên giới, hải đảo, Đảng, Nhà nước ta, cấp ủy, chính quyền của tỉnh Quảng Trị đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị các xã, thị trấn vùng biên giới còn nhiều khó khăn, nhờ vậy, trong những năm qua, tình hình phát triển kinh tế - xã hội biên giới đã có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng kinh tế của các địa phương biên giới đạt tốc độ khá cao; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư xây dựng; hoạt động thương mại biên giới tăng trưởng khá; các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao; mối quan hệ Đảng, chính quyền với Nhân dân và lực lượng vũ trang được tăng cường; chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quan hệ đối ngoại được mở rộng. Đó chính là cơ sở quan trọng để đồng bào đặt niềm tin vào Đảng, Nhà nước, vào công cuộc đổi mới, tạo nền tảng xây dựng “thế trận lòng dân” trong thế trận biên phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh quốc gia.

Thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, của Bộ Tư lệnh Biên phòng, trong những năm qua, cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc nơi biên giới, công tác bảo vệ, quản lý biên giới được lực lượng Biên phòng tỉnh triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả rõ nét, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đó là:

- Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị xã hội trong tham gia quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia ngày càng đươc nâng cao. Sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới đã góp phần cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đặc biệt, phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới phía Bạn Lào duy trì nghiêm túc, hiệu quả họat động tuần tra song phương. Trong năm 2024, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Savannakhet tổ chức tuần tra song phương cấp tỉnh (đây là lần đầu tiên trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào triển khai thực hiện) được Bộ Tư lệnh BĐBP đánh giá cao và là tiền đề để BĐBP các tỉnh phối hợp triển khai thực hiện; các đồn BP đã phối hợp tổ chức 18 đợt tuần tra song phương với 432 lượt cán bộ, chiến sĩ của ta và bạn Lào tham gia; chủ trì phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và nhân dân trên địa bàn đóng quân tổ chức tuần tra đơn phương, tuần tra địa bàn, tuần tra bảo vệ rừng với hơn 800 đợt/4.850 lượt cán bộ, chiến sĩ và quần chúng tham gia. Qua tuần tra đã thời phát hiện và phối hợp xử lý, giải quyết các vụ việc, sự kiện trên biên giới, hệ thống đường biên, mốc quốc giới và cọc dấu được giữ vững.

- Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, những năm qua, lực BĐBP tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng triển khai có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm ở khu vực biên giới cũng như phối hợp với lực lực lượng chức năng Lào trong triển khai các chuyên án, vụ án đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia (trong 5 năm, từ 2020 - 2024, lực lượng BĐBP đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng bắt giữ, xử lý 2.168 vụ/3.284 đối tượng vi phạm pháp luật, trong đó có 248 vụ/381 đối tượng liên quan đến ma túy, 488 vụ/321 đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép, 275 vụ/351 đối tượng vi phạm quy chế biên giới, vi phạm thể lệ xuất nhập cảnh...).

- Chất lượng đội ngũ cán bộ các xã biên giới được tuyển chọn, bồi dưỡng đào tạo cơ bản, chất lượng ngày càng được nâng cao; cùng với đó là hệ thống cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo, y tế được đầu tư nâng cấp, các khu vực cửa khẩu của tỉnh đang dần trở thành các trung tâm kinh tế - thương mại vùng biên, góp phần ổn định, cải thiện điều kiện kinh tế, đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần cho nhân dân ở khu vực biên giới.

- Hai Bên đã phối hợp ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quy chế biên giới, phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, đặc biệt là tội phạm ma túy, kích động, lôi kéo và đưa người vượt biên trái phép; bảo vệ tài nguyên môi trường khu vực biên giới; đẩy mạnh hợp tác phát triển cửa khẩu biên giới nhằm phục vụ tốt việc quản lý, kiểm soát qua lại biên giới và phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, góp phần củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.

- Hệ thống đồn, trạm, cơ sở hạ tầng của Bộ đội Biên phòng trên tuyến biên giới đất liền được đầu tư xây dựng, củng cố, trang thiết bị ngày càng hiện đại; chất lượng đội ngũ sỹ quân, quân nhân chuyên nghiệp của BĐBP tỉnh ngày càng được nâng cao, đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới trong tình hình mới.

- Công tác thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước đảm bảo thường xuyên, kịp thời, góp phần định hướng thông tin, nâng cao nhận thức của đồng bào trên tuyến biên giới; góp phần đẩy lùi, ngăn chặn các hoạt động kích động, chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, mối quan hệ truyền thống, vĩ đại Việt Nam - Lào của các thế lực thù địch.

Trong công tác đối ngoại biên phòng, đã quán triệt sâu sắc mối quan hệ hữu nghị và tiếp nối truyền thống tốt đẹp giữa hai Nhà nước, Quân đội và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, trong những năm qua, BĐBP tỉnh Quảng Trị và lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới Lào đã duy trì thực hiện có hiệu quả Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa nước hai nước; quản lý, bảo vệ vững chắc hệ thống đường biên, cột mốc; phát hiện xử lý các vụ việc vi phạm quy chế quản lý biên giới theo hiệp định đã ký kết. Thường xuyên tổ chức tuần tra song phương nhằm chủ động phối hợp phát hiện, xử lý kịp thời các sự kiện biên giới phát sinh theo đúng Nghị định thư và Hiệp định. Theo đó, hai bên đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân ở khu vực biên giới chấp hành nghiêm các quy định về chủ quyền lãnh thổ; ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, tiếp nhận và trao trả công dân vi phạm pháp luật tại cửa khẩu và khu vực biên giới. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ biên giới hai nước còn tích cực tổ chức các chương trình giao lưu, hội đàm định kỳ, phối hợp trao đổi thông tin tình hình qua các buổi tuần tra song phương, thống nhất các biện pháp quản lý các hoạt động gần khu vực biên giới để đảm bảo thực thi pháp luật và giải quyết các vấn đề phát sinh theo đúng hiệp định đã ký kết. Đồng thời, hai bên còn đẩy mạnh tăng cường công tác giao lưu, các hoạt động giao lưu hữu nghị, “Kết nghĩa đồn - trạm Biên phòng” và tích cực tham mưu cho địa phương tổ chức thực hiện mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới".

Kết quả tích cực của việc triển khai nhiệm vụ bảo vệ, quản lý biên giới tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện các mô hình, chương trình tiêu biểu như: “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Nâng bước em tới trường”, “Tự quản đường biên cột mốc - Giữ gìn an ninh trật tự”, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”... đem lại kết quả cụ thể, thiết thực, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh; phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn biên giới, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ, quản lý biên giới còn gặp một số  khó khăn cần có những giải pháp khắc phục, đó là:

- Sự chống phá của các thế lực thù địch: Các thế lực thù địch, phản động tăng cường các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới. Chúng triệt để lợi dụng các vấn đề đề dân tộc, tôn giáo, “dân chủ”, “nhân quyền”, biên giới để phá hoại và gây chia rẽ mối đoàn kết dân tộc cũng như tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.

- Địa hình hiểm trở, nhiều đồi núi, sông suối, giao thông đi lại khó khăn; tình hình dịch bệnh, khí hậu thời tiết bất thường, các loại hình thiên tai như ngập lụt, sạt lở đất thường xuyên xảy ra đã tác động trực tiếp đến cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến tính nguyên trạng của hệ thống đường biên, mốc quốc giới cũng như tính mạng, tài sản của nhân dân ở khu vực biên giới.

- Trình độ nhận thức của quần chúng nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số 2 bên biên giới còn hạn chế, nhận thức về chủ quyền, lãnh thổ còn đơn giản, dân cư 2 bên có mối quan hệ thân tộc, dòng tộc lâu đời vì vậy việc qua lại biên giới không đúng đường quy định, kết hôn trái pháp luật, di dịch cư tự do còn xảy ra.

- Điều kiện kinh tế xã hội ở khu vực biên giới còn gặp rất nhiều khó khăn, đời sống nhân dân còn thấp so với mặt bằng chung, tỷ lệ người dân không có công ăn việc làm ổn định còn cao, hệ luỵ kèm theo là việc gia tăng các hoạt động vi phạm pháp luật như buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hoá, xuất nhập cảnh trái trái phép, do vậy đã ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới. Hoạt động của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia ngày càng diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng, mà trực tiếp là lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh.

Thực tiễn công tác bảo vệ, quản lý biên giới trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng đặt ra yêu cầu cơ bản và cấp bách là:

Tiếp tục bám sát sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng ủy BĐBP và Tỉnh ủy Quảng Trị về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; tập trung lãnh đạo xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng trong các lực lượng tham gia bảo vệ biên giới quốc gia, các địa phương ở khu vực biên giới trong sạch vững mạnh. Tăng cường công tác phối hợp giữa cấp uỷ, chính quyền địa phương, các lực lượng đứng chân trên địa bàn khu vực biên giới, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, nền biên phòng toàn dân vững chắc

Tiếp tục duy trì và mở rộng hợp tác với lực lượng quản lý bảo vệ biên giới nước bạn Lào để phối hợp, chủ động đối phó có hiệu quả với các mối đe doạ chung, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia.

Bên quan đó, cần đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại và công nghệ cho lực lượng Bộ đội Biên phòng, tập trung vào các lĩnh vực như kiểm soát xuất nhập cảnh, phòng chống tội phạm…để nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, giám sát và phòng chống các loại tội phạm. Tham mưu xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, đồng bộ; trọng tâm là xây dựng Bộ đội Biên phòng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, giỏi chuyên môn nghiệp vụ. Tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Tập trung phát triển kinh tế xã hội ở khu vực biên giới: Việc phát triển kinh tế xã hội ở khu vực biên giới không chỉ giúp cải thiện đời sống của người dân mà còn là cơ sở để giảm thiểu các hoạt động vi phạm pháp luật, giúp cải thiện, nâng cao nhận thức, thúc đẩy nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ biên giới trong giai đoạn hiện nay./.  Mai Diệu Linh

 

112 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 512
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 512
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88163544