Giá ca cao rơi xuống mức thấp nhất trong vòng gần một năm
Thị trường nguyên liệu công nghiệp vừa trải qua một tuần giao dịch với diễn biến phân hóa. Tuy nhiên, lực bán mạnh trên thị trường ca cao và cà phê đã kéo chỉ số MXV-Index nguyên liệu công nghiệp giảm mạnh tới 3,65%. Chốt tuần, giá ca cao lao dốc hơn 11%, xuống còn 9.140 USD/tấn. Đáng chú ý, kết phiên giao dịch ngày 21/2, giá mặt hàng này bất ngờ giảm còn hơn 8.900 USD/tấn - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2024.
Nguyên nhân chính kéo giá ca cao giảm kỷ lục là lo ngại về nhu cầu tiêu thụ, sau khi các tập đoàn sản xuất chocolate hàng đầu thế giới như Hershey và Mondelez đưa ra cảnh báo về việc giá quá cao ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua. Thực tế, nhu cầu tiêu thụ ca cao đã suy yếu từ cuối năm ngoái.
Diễn biến đồng pha, trên thị trường cà phê, giá cà phê Arabica giảm gần 4,5%, chốt tuần ở mức 8.581 USD/tấn. Giá cà phê Robusta cũng giảm nhẹ 0,2%, về mức 5.717 USD/tấn. Giá hai mặt hàng cà phê chịu áp lực giảm do lượng tồn kho phục hồi mạnh, thúc đẩy làn sóng chốt lời từ giới đầu tư sau giai đoạn tăng nóng.
Giá dầu “đánh mất” hơn 2 USD/thùng trong phiên giao dịch cuối tuần
Theo MXV, thị trường dầu thế giới vừa trải qua một tuần khá biến động. Đáng chú ý, sau bốn phiên tăng liên tiếp, kết phiên giao dịch ngày 21/2, giá dầu đột ngột quay đầu giảm, xóa bỏ hoàn toàn kết quả của các phiên trước đó. Kết tuần, giá dầu Brent giảm 0,4%, đóng cửa ở mức 74,43 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 0,44%, chốt tuần ở mức 70,4 USD/thùng.
Trong tuần giao dịch qua, thị trường dầu đã trải qua 4 phiên tăng tích cực chủ yếu do căng thẳng địa chính trị và những lo ngại về nguồn cung. Cuộc gặp giữa Mỹ và Nga tại Riyadh mang lại một số tín hiệu tích cực, song vấn đề Nga – Ukraine không có bước tiến đáng kể. Ukraine tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào nếu không được tham gia đàm phán, làm dấy lên lo ngại nguồn cung dầu từ Nga không thể sớm được cải thiện.
Bên cạnh đó, ngay trước thềm cuộc họp này, Ukraine đã tấn công trạm bơm Kropotkinskaya của Nga, gây gián đoạn dòng chảy dầu qua Liên minh đường ống Caspian, làm giảm khoảng 380.000 thùng dầu/ngày trên thị trường toàn cầu.
Thời tiết cực lạnh tại Mỹ cũng ảnh hưởng đến nguồn cung, khi sản lượng dầu tại Bắc Dakota giảm tới 150.000 thùng/ngày, góp phần đẩy giá dầu tăng mạnh trong bốn phiên đầu tuần.
Tuy nhiên, đến phiên cuối tuần, giá dầu bất ngờ quay đầu khi tâm lý thị trường thay đổi. Khép lại phiên giao dịch ngày cuối tuần, giá dầu Brent mất 2,05 USD, tương đương 2,68%, xuống còn 74,43 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giảm 2,08 USD, tương đương 2,87%, xuống mức 70,4 USD/thùng.
Nguyên nhân chính được cho là mức phí bảo hiểm rủi ro Trung Đông đang giảm dần, nhờ lệnh ngừng bắn ở Gaza tiếp tục được duy trì, giúp hạn chế rủi ro địa chính trị đối với thị trường dầu mỏ.
Ngoài ra, thông tin Trung Quốc phát hiện một loại virus Corona mới ở loài dơi cũng gây tâm lý hoang mang trên thị trường, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ dịch bệnh mới có thể ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng của quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới.
Bên cạnh đó, yếu tố dài hạn cũng tác động đến xu hướng giảm giá. OPEC+ vẫn duy trì kế hoạch tăng sản lượng từ tháng 4, trong khi Nga cũng dự kiến bổ sung nguồn cung dầu, làm dấy lên lo ngại về dư cung trên thị trường toàn cầu, gây áp lực lên giá dầu trong thời gian tới.