Mới đây, tại Lễ phát động phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu xóa bỏ “văn hóa không nhúc nhích”, “nước đến chân mới nhảy”, “sáng cắp ô đi chiều cắp về”, chậm trễ trong xử lý nhiệm vụ được giao mà nhân dân, cơ quan đang mong đợi.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Uỷ viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực cho biết ông rất tâm đắc về những yêu cầu đó của Thủ tướng. Lễ phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm thực hiện di chúc của Người, là hoạt động thiết thực, mang ý nghĩa sâu sắc để tưởng nhớ Bác Hồ về lời dạy và tấm gương suốt đời vì nước, vì dân, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
|
GS.TS Nguyễn Lân Dũng. |
GS. Nguyễn Lân Dũng cho biết, qua Luật Cán bộ, công chức chúng ta đang thảo luận, những người làm việc trong công sở chia ra làm ba đối tượng. Đối tượng thứ nhất là các cán bộ lãnh đạo (có người là chính khách), những người làm việc theo nhiệm kỳ. Thứ hai là công chức – những người thực hiện nhiệm vụ, hưởng lương cho đến khi về hưu, triển khai các chính sách pháp luật, như thuế vụ, kiểm sát, kiểm lâm, hải quan… Thứ ba là viên chức, như giáo viên, y bác sĩ, nhân viên dịch vụ xã hội, công nhân… Họ là những người làm hợp đồng có thời hạn, hết hạn sẽ ký lại hoặc không được ký lại nếu không hoàn thành nhiệm vụ.
Ba đối tượng này đều nằm trong nhận xét của Thủ tướng về vấn đề văn hoá công sở. Thủ tướng nêu lên ba trụ cột. Một là giá trị chuẩn mực trong văn hoá công sở, sự gương mẫu, nghiêm túc… Hai là phải kiến tạo một môi trường làm việc có văn hoá và hiệu quả, đoàn kết, hợp tác, tất cả vì sự cống hiến, mỗi cán bộ phải có bản lĩnh, tránh vô cảm, tránh bàng quan, máy móc… Kể cả những chuyện nhỏ hơn như không hút thuốc lá, không dùng những đồ nhựa khó phân huỷ trong môi trường…
Ba là, Thủ tướng nhấn mạnh cán bộ phải tận tâm, mẫu mực, sáng tạo và có tính chuyên nghiệp, tạo nên hình ảnh người cán bộ có những tác phong, cốt cách, ứng xử chuẩn mực, hoàn thành trách nhiệm được giao.
GS. Nguyễn Lân Dũng nhắc lại tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Người đã từng dặn dò, yêu cầu đội ngũ cán bộ qua năm điểm. Một là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Hai là, có tinh thần trách nhiệm cao. Ba là, kỷ luật nghiêm, sáng tạo trong thi hành công vụ. Bốn là, cầu tiến bộ, luôn luôn phấn đấu cho công việc của mình. Năm là, thân ái, hợp tác với đồng nghiệp và với nhân dân.
Năm 1946, Bác Hồ là người khởi thảo Hiến pháp và đã nêu lên một nền công vụ của dân, hoạt động vì dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của dân. Bác Hồ luôn nhấn mạnh sự dân chủ trong công vụ, lời nói đi đôi với việc làm, khắc phục những thói hư tật xấu từ những việc làm cụ thể hằng ngày, kể cả những việc nhỏ nhất; tất cả đều phải vì dân, chân thành, giản dị, gắn tình thương, trách nhiệm với dân. Bác Hồ nhấn mạnh cán bộ là gốc của mọi việc, vì công tác cán bộ là công việc của Đảng, phải biết cách lựa chọn, không ngừng bồi dưỡng cán bộ.
“Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ là những di sản vô giá, đặc biệt trong điều kiện cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới. Tôi đặc biệt tâm đắc với tư tưởng của Người khi yêu cầu cần phải hiểu và thường xuyên đánh giá cán bộ để lựa chọn và sử dụng đúng cán bộ. Đây là yêu cầu xuất phát nhằm tiến hành các mặt khác của công tác cán bộ. Người cho rằng, cứ mỗi lần xem xét cán bộ, một mặt sẽ tìm thấy những nhân tài mới, mặt khác thì những người yếu kém sẽ được phát hiện”, GS. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.
Hiểu và đánh giá đúng cán bộ và tình hình công tác cán bộ phải có yêu cầu riêng. Đồng thời, muốn hiểu và đánh giá đúng cán bộ phải có những chuẩn mực phù hợp với từng thời kỳ, từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, phải đánh giá một cách công minh và khách quan.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, một lần nữa Thủ tướng kêu gọi mỗi cán bộ, công chức, viên chức hãy phát huy tinh thần tự tôn dân tộc, đoàn kết, chung sức, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, thi đua thực hiện văn hóa công sở, đạo đức công vụ, dốc lòng phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Bàn sâu về nền công vụ, GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy nâng cao năng lực hiệu quả phục vụ mà chúng ta đang thực hiện cũng là nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ sao cho hạn chế sai sót.
Những thực tế như tham nhũng, suy thoái về lối sống đạo đức, vô cảm… bắt buộc chúng ta phải cải cách.
GS. Nguyễn Lân Dũng khẳng định người dân rất quan tâm đến tổ chức bộ máy gọn nhẹ, giúp tiết kiệm cho ngân sách quốc gia nhưng từng bước phải nâng cao năng lực thực thi của nền công vụ. Năng lực này thể hiện ở kiến thức chuyên môn của những người cán bộ công chức thể hiện họ có làm tốt hay không, hiệu quả phục vụ nhân dân ra sao, đồng thời thái độ phục vụ nhân dân như thế nào?
Việc tổ chức tinh gọn bộ máy hành chính, biên chế cần giảm nhưng phải tăng hiệu lực, hiệu quả đối với công việc của từng cán bộ công chức.
Bên cạnh việc tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của nền công vụ, theo GS. Nguyễn Lân Dũng cũng cần thiết phải đưa ra những chế tài xử phạt cụ thể đổi với những cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc tham mưu cho cấp trên những chính sách không khả thi.
Để thực hiện được điều này, chúng ta phải hoàn thiện về chế độ chính sách. Mọi vấn đề đều phải minh bạch, rõ ràng thì mới thực thi được.
Chúng ta cũng cần tập trung đánh giá thường xuyên việc xem cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ được giao như thế nào. Không thể một người làm việc không tốt, gây thất thoát cho nhà nước mà vẫn chỉ bị phê bình, rút kinh nghiệm. Phải có những chế tài nhất định, rõ ràng để làm trong sạch bộ máy cán bộ công chức, nâng cao đạo đức công vụ. Không những luật ngoài xã hội phải nghiêm, mà luật trong công sở cũng càng phải chặt, như vậy mới có thể tạo được nền tảng tốt cho chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của đất nước.
Nhật Nam