Luật Lâm nghiệp: Bảo vệ phát triển rừng theo chuỗi 

(Chinhphu.vn) – Xung quanh việc Luật Lâm nghiệp vừa được Quốc hội thông qua sáng 15/11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn đã có những trao đổi với báo chí về tinh thần của bộ Luật này.

 

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Xin Thứ trưởng cho biết cơ sở hình thành Luật Lâm nghiệp vừa được thông qua?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Luật Bảo vệ, phát triển rừng (BVPTR) được ban hành từ năm 1991. Thời điểm đó, vấn đề BVPTR đặt ra rất bức bách khi độ che phủ rừng trên cả nước chỉ đạt 28%. Đến năm 2004, Quốc hội phê chuẩn  Luật BVPTR 2004 thay thế luật năm 1991.

Qua 2 lần sửa đổi, Luật này đã hoàn thành sứ mệnh nâng độ che phủ rừng và trồng mới được hàng triệu ha cây lâm nghiệp. Độ che phủ rừng đến nay đã đạt tới 40,84%. Không những vậy, tư tưởng xã hội hóa nghề rừng đã được hình thành. Thông qua thể chế, các văn bản dưới luật rất đầy đủ... đã tác động rất lớn đến ngành lâm nghiệp.

Đặc biệt, trước đây, sản xuất các sản phẩm lâm nghiệp trong nước phụ thuộc đến 80% nguyên liệu nhập khẩu thì đến nay dù đã đóng cửa rừng tự nhiên, nhưng hơn 70% nguyên liệu chúng ta đã chủ động được mà không phải nhập khẩu.

Trên cơ sở kế thừa 2 lần điều chỉnh luật BVPTR, Luật Lâm nghiệp mới sẽ thể chế hóa các tư tưởng lớn từ các nghị quyết  của Trung ương Đảng, Ban Bí thư Trung ương để xây dựng lâm nghiệp thành một ngành kinh tế xã hội.

Vậy, vai trò của việc bảo vệ rừng có giảm đi trong Luật mới?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Hoàn toàn không. Luật lần này mở rộng nhưng toàn bộ nội hàm của việc bảo vệ rừng có trong Luật BVPTR cũ đều được giữ lại. Luật lần này làm sâu sắc hơn việc bảo vệ và quản lý bền vững. Các điểm mở rộng của Luật là các quy định về: Chế biến và thương mại;  Khoa học công nghệ; Hợp tác quốc tế.

Luật năm 2004 chưa chú trọng đến quản lý rừng theo chuỗi và vai trò của rừng đối với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, hiện nay toàn ngành lâm nghiệp cũng đang tập trung thực hiện tái cơ cấu nên cần có luật song hành thì mới đạt được hiệu quả thiết thực.

Trên cơ sở tổng kết 12 năm thực hiện Luật BVPTR (2004-2016), luật mới đã kế thừa những thành quả được đánh giá là phù hợp với thực tiễn và xu hướng của quốc tế như xã hội hóa lâm nghiệp, làm cho rừng có chủ thực sự.

Luật Lâm nghiệp cũng được nghiên cứu phù hợp với các chủ trương của Đảng đã định hướng và có những chỉ tiêu cơ bản; đồng bộ với các bộ luật liên quan mới sửa đổi, đặc biệt là thay đổi về chế định sở hữu rừng trong Hiến pháp năm 2013. Nếu trước đó, Hiến pháp quy định rừng núi thuộc sở hữu Nhà nước thì Hiến pháp 2013 quy định rõ hơn rừng là tài nguyên thiên nhiên, là tài sản của quốc gia. Việc thể chế hóa nội dung này rất quan trọng để bảo đảm quyền của chủ rừng.

Luật Lâm nghiệp cũng hướng đến việc quản lý ngành lâm nghiệp theo chuỗi, tức là không chỉ dừng ở BVPTR mà quy định cả việc sở hữu rừng bền vững để hướng tới chế biến và tiêu thụ được các sản phẩm lâm nghiệp. Lâm nghiệp đã trở thành nền sản xuất hàng hóa thì phải có luật để hài hòa với pháp luật quốc tế được quy định rõ ràng ở các hiệp định, hiệp ước quốc tế...

Vậy Luật Lâm nghiệp được xây dựng theo hướng như thế nào để hướng tới ngành kinh tế rừng bền vững?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Luật lần này khác các Luật trước là không chỉ hình thành rừng (trước đây chú trọng quản lý và bảo vệ, phát triển rừng) nhưng lần này là mở rộng đến thương mại. Đặc biệt là việc thể chế hóa xây dựng chiến lược phát triển kinh tế rừng trong bối cảnh hội nhập sâu sắc hơn.

Việc sản xuất rừng quy mô lớn cũng được tính đến với nhiều cách thức, trong đó có tích tụ đất đai. Tuy nhiên, việc tích tụ đất đai cũng vẫn phải bảo đảm để người dân được giao rừng; việc giao rừng cho các doanh nghiệp và người dân cũng phải trên tinh thần tạo liên kết giữa người chế biến với người cung ứng và tiêu thụ, tạo phương thức quản trị có hiệu quả.

Việc tạo giá trị kinh tế cũng sẽ được tính toán trên thực tế đã đóng cửa rừng tự nhiên và phát triển bền vững rừng sản xuất. Những giá trị kinh tế được tính đến sẽ tăng lên hằng năm thông qua Dịch vụ chi trả môi trường rừng; Chính sách Red+ (đo đếm và giám sát lượng phát thải CO2 từ mất rừng và suy thoái rừng trong phạm vi biên giới mỗi nước. Sau một giai đoạn nhất định, các nước sẽ tính toán lượng giảm phát thải và nhận được số lượng tín chỉ carbon rừng có thể trao đổi trên thị trường dựa trên sự giảm thiểu này. Các tín chỉ sau đó có thể được đem bán trên thị trường carbon toàn cầu hoặc chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng)...

Đặc biệt trong Luật Lâm nghiệp, từng loại chủ rừng sẽ được quy định rất rõ ràng và theo hướng tăng quyền cho những người trực tiếp bỏ công sức ra trồng rừng và bảo vệ rừng.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Đỗ Hương (thực hiện

439 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 772
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 772
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87234415