|
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cho biết: Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực.
Sau khi tổng kết, nghiên cứu, Bộ Giao thông vận tải thấy rằng, bên cạnh việc phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, chúng ta cần tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy tắc giao thông của các công trình đường bộ có tính chất đặc thù như: Đường cao tốc, cầu dài vượt biển...; các cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng; khung pháp lý cho các loại phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành đặc biệt là hệ thống giao thông thông minh; điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải cho phù hợp với thực tế.
Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung này tương đối toàn diện, dự kiến thực hiện ở hầu hết các điều, các chương sẽ tạo nên các bước đột phá trong việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng và chính sách của nhà nước trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) của Uỷ ban Quốc phòng an ninh cho biết: Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển giao thông đường bộ và bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do đi lại của công dân. Đồng thời, khắc phục được những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và bổ sung điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn về quản lý giao thông đường bộ; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm sự thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông đường bộ; góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Các quy định của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta tham gia ký kết hoặc công nhận.
Tuy nhiên, nội dung dự thảo Luật còn liên quan đến nhiều luật khác như: Luật Đường sắt, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công…; liên quan đến các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên như Công ước Vienna 1968 về giao thông đường bộ, Công ước Vienna 1968 về biển báo và tín hiệu giao thông đường bộ, Hiệp định công nhận giấy phép lái xe giữa các nước trong khối ASEAN… Một số quy định trong dự thảo Luật trùng lặp với quy định của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ… Do đó, chúng ta cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự án luật sửa đổi lần này. Các quy định về phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của từng chủ thể, rà soát để tránh sự trùng lắp, chồng chéo giữa Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp và Bộ Công an cho biết hai dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Bảo đảm trật, tự an toàn giao thông đường bộ, được phân tách từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nhằm mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ tính mạng và tài sản của công dân, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng bởi hạ tầng hiện nay chưa phát triển kịp sự phát triển của phương tiện giao thông, gây ùn tắc và mất trật tự an toàn giao thông.
Chính phủ yêu cầu quá trình soạn thảo 2 dự án luật phải bảo đảm sự xuyên suốt, thống nhất, không trùng dẫm, chồng chéo giữa 2 dự luật.
|
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh giao thông đường bộ có vai trò quan trọng, mạch máu của nền kinh tế đất nước. Trước những tồn tại, hạn chế và sự phát triển về số lượng, phương thức giao thông đường bộ hiện nay thì việc ban hành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là rất cần thiết.
Về cơ bản, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã bảo đảm sự phân tách so với Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra và ý kiến của các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm nay, cần tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo, trùng lắp giữa 2 luật. Những vấn đề liên quan, bổ trợ cho nhau giữa hai lĩnh vực cần bảo đảm tính liên thông, đồng bộ trong chính sách. Do đó, một mặt cần làm rõ tính cụ thể, mặt khác làm rõ tính tương trợ lẫn nhau.
Từ đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc rất kỹ việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật như trên, để bảo đảm tính thống nhất, tổng thể trong các quy định của pháp luật, bởi hiện nay có nhiều ý kiến đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét có nên tách thành 2 luật hay không.
Cơ quan soạn thảo cần làm rõ thêm vấn đề này, nhất là việc tách Luật Giao thông đường bộ thì có nên tách các luật khách như Luật Đường sắt, Luật Hàng không dân dụng, Bộ luật Hàng hải ra hay không?
Đồng thời, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần làm rõ vai trò của Bộ Giao thông vận tải trong việc xây dựng và phát triển giao thông đường bộ, quy định rõ sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương để bảo đảm sự thống nhất trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Trên cơ sở thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ kết luận, về mặt thủ tục, dự thảo luật đã đáp ứng được yêu cầu theo quy định, có đủ điều kiện để trình ra Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 10.
Tuy nhiên còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 2 dự án luật nêu trên. Vì thế, để bảo đảm tính thống nhất, sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào sáng 16/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định có tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 này thành 2 dự án luật hay không.
Lê Sơn