GS. Nguyễn Minh Hiển, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Khác với Luật Giáo dục (GD) là luật khung, Luật GD Đại học (ĐH) là luật chuyên ngành quy định về quyền trách nhiệm, khung pháp lý của các cơ sở giáo dục ĐH và cơ quan quản lý nhà nước.
Do đặc thù về loại hình nên Luật GD ĐH phải gắn rất chặt với những thay đổi trong sự phát triển của GD ĐH Việt Nam, cũng vì thế mà các quy định của Luật GD ĐH dễ bị bất cập, lạc hậu vì thực tiễn GD ĐH Việt Nam và thế giới thay đổi hằng ngày. Vì lẽ đó, để có 1 Luật GD ĐH bao quát đầy đủ, toàn diện và triệt để không phải câu chuyện dễ dàng.
GS. Nguyễn Minh Hiển, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã trao đổi với Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về những sửa đổi bổ sung của Luật GD ĐH.
Có ý kiến cho rằng, Luật GD ĐH 2012 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong giai đoạn vừa rồi. Đã tới lúc cần bổ sung, chỉnh sửa quy định, pháp luật về GD ĐH để cập nhật các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển GD ĐH theo yêu cầu, nội dung Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT trong thời kỳ mới, những thách thức từ cuộc CM 4.0 và những đòi hỏi phát triển cao hơn của GD ĐH? Xin GS cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
Ông Nguyễn Minh Hiển: Tôi hoàn toàn tán thành với Luật sửa đổi, bổ sung luật GD ĐH 2012 nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển ngày càng cao của GD ĐH trong giai đoạn hiện nay và những năm sắp tới. Các sửa đổi bổ sung đã bám sát được các yêu cầu thực tiễn, chủ trương đặt ra.
Luật sửa đổi, bổ sung đã thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước ta đặt ra đối với GD ĐH trong giai đoạn nước ta đang đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Góp phần tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho các trường ĐH và những người tham gia các hoạt động giáo dục đang gặp phải do thiếu các quy định của pháp luật hoặc do các quy định đã cũ không còn phù hợp, thậm chí đang là rào cản với sự phát triển GD ĐH.
Thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của GD ĐH Việt Nam.
Tạo ra sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, mà cụ thể là giữa Luật GD ĐH và các Luật khác mới được ban hành trong những năm gần đây, đảm bảo cho việc thực thi pháp luật được nghiêm minh, rõ ràng, thuận lợi.
Qua lần sửa đổi này, khung pháp lý về GD ĐH sẽ được hoàn thiện thêm một bước để tiến tới chúng ta có một Luật về GD ĐH đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn hiện nay, đồng thời mang tính ổn định lâu dài hơn.
Mặc dù việc sửa đổi bổ sung là cần thiết, phạm vi điều chỉnh và mức độ sửa đổi bổ sung khá lớn, nhưng tôi không cho rằng Luật GD ĐH 2012 đã hoàn thành sứ mệnh của mình và chúng ta sẽ có một Luật GD ĐH hoàn toàn mới. Thực tế, đây là một công việc vừa mang tính kế thừa, vừa nhằm đổi mới phát huy các kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế bất cập của Luật GD ĐH 2012 đồng thời cùng thể hiện tinh thần mạnh dạn đổi mới mong muốn hội nhập, sẵn sàng đương đầu với những thách thức để tạo ra những đột phá trong phát triển GD ĐH Việt Nam.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật GD ĐH đề xuất sửa đổi bổ sung 31/73 điều, tập trung vào 4 nhóm chính sách trụ cột lớn với 6 nội dung sửa đổi mới, GS đánh giá như thế nào về các nội dung và mức độ sửa đổi của Luật GD ĐH lần này như thế nào?
Ông Nguyễn Minh Hiển: Có thể nói các nội dung sửa đổi, bổ sung đã bao quát hết được nhiều vấn đề quan trọng của GD ĐH mà dư luận, trước hết là các trường ĐH rất quan tâm. Một số điều đã được ban soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung, tuy ở các mức độ khác nhau nhưng đều là cần thiết cả.
Tôi xin nhấn mạnh lại những nội dung chủ yếu. Thứ nhất là mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ ĐH, gắn quyền tự chủ với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình của cơ sở GD ĐT.
Thứ hai là đổi mới quản trị ĐH, trong đó xin nhấn mạnh và có quy định rõ hơn về Hội đồng trường (đối với các trường ngoài công lập) và Hội đồng quản trị (với trường ngoài công lập).
Thứ ba là đưa ra một số quy định mới về mở ngành, tuyển sinh, quản lý đào tạo… phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay và thông lệ quốc tế.
Thứ tư là đổi mới quản lý nhà nước về GD ĐH trong điều kiện tự chủ ĐH và hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm một số điều là trong dự thảo lần này một số quy định về cơ sở GD ĐH ngoài công lập đã được sửa đổi bổ sung một cách cụ thể, rõ ràng và thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho hệ thống các trường ngoài công lập phát triển mạnh hơn trong giai đoạn tới.
Về cơ bản, tôi tán thành, ủng hộ các nội dung và mức độ sửa đổi, bổ sung đã nêu trong dự thảo. Mặc dù vậy, tôi cho rằng, một số quy định trong dự thảo vẫn còn khá dè dặt và chưa cụ thể lắm. Chẳng hạn nên mạnh dạn hơn trong việc giao quyền chủ động cho các nhà trường, cơ sở giáo dục về quyền tự chủ trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ giảng viên (kể cả quyền công nhận và bổ nhiệm, GS, PGS) và quyền tài chính tài sản.
Đồng thời, cũng nên quy định cụ thể ngay trong Luật về trách nhiệm giải trình của cơ sở GD ĐH: Giải trình cái gì, giải trình với ai và hình thức giải trình như thế nào? Trong dự án Luật mới chỉ nêu các nội dung cơ sở GD ĐH cần giải trình còn các vấn đề khác thì lại giao cho Chính phủ quy định. Theo tôi như thế là chưa hợp lý và có phần chưa cân đối giữa quyền và trách nhiệm.
Theo GS, nếu những đề xuất sửa đổi, bổ sung này được thông qua sẽ có tác động như thế nào tới sự phát triển của GD ĐH?
Ông Nguyễn Minh Hiển: Tôi tin rằng, nếu các đề xuất của Ban soạn thảo Dự án Luật được đại biểu Quốc hội cho ý kiến, ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa để trình Quốc hội thông qua thì chắc chắn chúng ta sẽ có một bộ Luật về GD ĐH hoàn chỉnh hơn, đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD ĐH phục vụ cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Hy vọng rằng, với khuôn khổ pháp lý mới thuận lợi như vậy, các trường ĐH sẽ phát huy nhiều hơn các tiềm năng, thế mạnh của mình để nâng cao rõ rệt chất lượng đào tạo, nghiên cứu và phục vụ xã hội, góp phần xây dựng hệ thống GD ĐH Việt Nam từng bước tiếp cận đến trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Nhật Nam (thực hiện)