Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét vào năm 2022 

(Chinhphu.vn) – Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 được Quốc hội thông qua vào chiều 27/7.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021
Nghị quyết quyết nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 cụ thể như sau: Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 2 theo quy trình tại một kỳ họp). Điều chỉnh thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, theo quyết nghị của Nghị quyết, Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), trình Quốc hội thông qua 5 dự án luật là: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và 1 dự thảo nghị quyết là Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 (và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, nếu có). Đồng thời trình Quốc hội cho ý kiến 5 dự án luật là: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Tai Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), trình Quốc hội thông qua 4 dự án luật là: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Đồng thời trình Quốc hội cho ý kiến về 2 dự án luật là: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi).

Nghị quyết yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề cao trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua; không đề nghị bổ sung dự án ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội; không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội những dự án không có trong Chương trình, dự án chưa bảo đảm chất lượng, không bảo đảm về hồ sơ theo quy định.

Đồng thời, cơ quan, tổ chức được giao chủ trì soạn thảo thực hiện nghiêm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát kỹ các văn bản đã ban hành để phát hiện, xử lý những vấn đề khác nhau giữa quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đang có hiệu lực và văn bản dự kiến ban hành, bảo đảm không để xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo; thực hiện nghiêm, thực chất việc tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động chính sách, tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động ngay từ giai đoạn lập hồ sơ đề nghị.

Chính phủ dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, cho ý kiến đối với dự án, dự thảo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có biện pháp chỉ đạo các Bộ, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo bảo đảm chất lượng, tiến độ và coi đây là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đề cao trách nhiệm và tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả phối hợp trong xây dựng pháp luật; chủ động cùng các cơ quan của Chính phủ rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc phạm vi phụ trách có nội dung bất cập hoặc có mâu thuẫn, chồng chéo để kiến nghị sửa đổi, bổ sung; nâng cao chất lượng, tính phản biện trong các báo cáo thẩm tra; tăng cường giám sát thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tăng cường năng lực nghiên cứu đáp ứng yêu cầu xây dựng pháp luật của Quốc hội; dành thời gian thỏa đáng để tham khảo ý kiến của các cơ quan, tổ chức ở địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và cử tri, nhất là ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp; nâng cao chất lượng tham gia ý kiến để hoàn thiện dự án luật, dự thảo nghị quyết.

Nghị quyết nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp chặt chẽ, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này.

Hải Liên

208 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 842
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 842
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87151408