Đây là ý kiến đưa ra tại Hội thảo Đóng góp ý kiến dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) khu vực phía bắc, do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN)-Bộ Tài chính tổ chức ngày 7/11.
|
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải tại Hội thảo.Ảnh:VGP/Huy Thắng. |
Có nhiều điểm sửa đổi quan trọng
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, Luật Chứng khoán được ban hành năm 2006 và được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2010 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo lập khung khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, điều chỉnh toàn diện hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK).
TTCK ngày càng phát triển và trở thành kênh thu hút vốn đầu tư dài hạn cho nền kinh tế, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội. Nếu như năm 2006, chỉ có khoảng 200 công ty niêm yết với giá trị vốn hóa khoảng 221.156 tỷ đồng (chiếm khoảng 22,7% GDP), thì đến 31/10/2018, đã có 1.537 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch với giá trị vốn hóa thị trường đạt khoảng 3.859 nghìn tỷ đồng (tương đương 77,1% GDP). Dư nợ trái phiếu chính phủ niêm yết đạt 1.078 nghìn tỷ đồng (tương đương 21,5% GDP). Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tính đến 30/10/2018 đạt 32,7 tỷ USD.
Cùng với đó, TTCK đã hỗ trợ cho quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện thuận lợi hơn và ngày càng công khai, minh bạch, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu lại DNNN.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải, sau hơn 11 năm thực thi, Luật Chứng khoán đã bộc lộ nhiều bất cập cần phải được sửa đổi như một số quy định chưa hợp lý hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; không còn thống nhất, đồng bộ với quy định liên quan tại các văn bản quy phạm pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung...
Trình bày những nội dung cơ bản về dự thảo luật, Phó Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cho biết, dự thảo bao gồm 10 chương, 137 điều, với 8 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua.
Việc sửa đổi luật lần này nhằm hướng tới việc hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển của TTCK, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Cùng với đó, dự thảo hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với TTCK, bảo đảm TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, sự an toàn của hệ thống tài chính, thị trường vốn mà trọng tâm là TTCK. Dự thảo hướng tới việc bảo đảm hiệu quả đầu tư và niềm tin của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK.
Đáng chú ý, dự thảo đã góp phần giảm bớt giấy phép con, tách bạch giữa thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và cấp giấy phép hoạt động kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; khắc phục sự phân tán và thiếu thống nhất trong giải thể thủ tục thành lập doanh nghiệp; bảo đảm tổ chức kinh doanh chứng khoán có điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, tuân thủ pháp luật.
Đồng thời, dự thảo mới quy định thanh tra chứng khoán chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Chủ tịch UBCKNN và hướng dẫn về nghiệp vụ của thanh tra Bộ Tài chính (Luật cũ là chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ của thanh tra Bộ Tài chính). Chủ tịch UBCKNN, Chánh Thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.
Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 3 tỷ đối với tổ chức và 1,5 tỷ đối với cá nhân, mức phạt tiền tối đa cho trường hợp tái phạm gấp 2 lần lần đầu.
Ngoài ra, dự thảo cũng có quy định chi tiết về công bố thông tin, quỹ bảo vệ nhà đầu tư, sửa đổi mô hình tổ chức Sở giao dịch chứng khoán, đổi tên trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Dự án Luật Chứng khoán sửa đổi đã được Quốc hội chấp thuận bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Theo đó, dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).
Dự thảo luật đã được gửi lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan đến hết tháng 11/2018, để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các thành viên thị trường và nhân dân.
“Nhằm tạo diễn đàn đối thoại, trao đổi, thảo luận trực tiếp, cụ thể giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và cơ quan, tổ chức có liên quan, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến đối với toàn văn dự thảo luật tại 2 khu vực miền Bắc và miền Nam. Dự kiến hội thảo tại phía nam sẽ được tổ chức vào ngày 14/11/2018”, bà Vũ Thị Chân Phương cho biết.
Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đánh giá cao dự thảo Luật, tiếp cận gần hơn với chuẩn mực quốc tế, có nhiều điểm cải cách hơn trước kia, có nhiều nghiệp vụ mới được quy định bổ sung .
Cần sát thực tiễn, hỗ trợ thị trường phát triển hơn
Đóng góp ý kiến xây dựng để dự thảo được tốt hơn, ông Vũ Bằng cho rằng, vẫn có những điểm cần phải điều chỉnh tạo thuận lợi hơn, tránh một số quy định rườm rà, có thể gây rào cản, ảnh hưởng đến việc phát triển thị trường.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Ông Vũ Bằng cho rằng quy định điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng quá chặt chẽ khiến doanh nghiệp có thể gặp khó khăn khi tiếp cận vốn. Các điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần như: mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán; hoạt động kinh doanh của 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán... chưa sát thực tiễn.
Các quy định như “Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua: Tối thiểu 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ một phần trăm (1%) trở lên vốn điều lệ của tổ chức phát hành” cũng không dễ thực hiện.
Ngoài ra, các quy định trong dự thảo về mức vốn điều lệ quá cao. Ví dụ như trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 100 tỷ đồng trở lên, tỉ lệ tối thiểu là 15% vốn điều lệ của tổ chức phát hành; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1000 tỷ đồng trở lên, tỉ lệ tối thiểu là 10% vốn điều lệ của tổ chức phát hành.
“Thực tế, Việt Nam đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), số doanh nghiệp có số vốn hơn 1000 tỷ đồng trở lên rất thấp, một số nước như Singapore mức quy định cũng thấp hơn nhiều”, ông Vũ Bằng nói.
Còn TS. Cấn Văn Lực cho rằng, về điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng, Dự thảo Luật Chứng khoán nâng điều kiện về vốn điều lệ đã góp của doanh nghiệp phát hành là từ 300 tỷ đồng trở lên (Luật hiện hành là 10 tỷ đồng) là cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ; nâng cao tính an toàn tài chính của tổ chức phát hành trong điều kiện hiện nay của thị trường trái phiếu Việt Nam còn nhỏ và chưa có tổ chức xếp hạng định mức tín nhiệm; tương đương với tiêu chuẩn công ty đại chúng quy mô lớn.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý, việc đưa ra mức cần có căn cứ chặt hơn, phải cân nhắc lại mức này vì quy mô vốn doanh nghiệp Việt Nam có vốn 500 tỷ đồng hiện chiếm khoảng 1,1%, quy mô DN có vốn 200-300 tỷ đồng chiếm khoảng 1,2%, còn dưới 200 tỷ đồng chiếm khoảng 97,7% và đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu quy định doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán chứng khoán từ 300 tỷ đồng trở lên như dự thảo Luật thì chưa hợp lý.
Luật Chứng khoán cũng cần tính đến quá trình biến động trong thời gian tới, theo đó, thị trường chứng khoán sẽ tái cơ cấu, cùng với quá trình thực thi hiệp định CPTPP.
“Tại Chương 9 về đầu tư của hiệp định này, dự thảo cơ bản đáp ứng yêu cầu CPTPP, nhưng vẫn cần tính đến đòi hỏi yêu cầu minh bạch rất cao khi hội nhập, tham gia hiệp định này”, TS. Cấn Văn Lực lưu ý.
Đại diện các doanh nghiệp, công ty chứng khoán cũng có một số đóng góp ý kiến về các vấn đề kỹ thuật, định nghĩa, khái niệm, cần quy định cụ thể rõ ràng hơn.
Đại diện UBCKNN cũng khẳng định sẽ tiếp nhận các ý kiến đóng góp tiếp tục có những điều chỉnh một số nội dung xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển của TTCK, đáp ứng yêu cầu hội nhập; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với TTCK, bảo đảm TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.
Huy Thắng