Tiếp theo bài 2
Hiện hầu hết các địa phương ở khu vực miền Trung đều thực hiện việc điều động, luân chuyển giáo viên nhằm giải quyết tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên.
Nơi đi 1 học kỳ, nơi phải đi 3 năm
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, trong năm học 2019-2020, Sở này đã tiến hành điều động, luân chuyển đối với hơn 100 trường hợp giáo viên để giải quyết tình trạng thừa – thiếu cục bộ.
|
Nhiều giáo viên cắm bản có nhiều năm công tác ở các vùng sâu, vùng xa nhưng chưa được luân chuyển đến vùng thuận lợi hơn. Ảnh: AN |
Còn đối với các bậc từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thì Ủy ban nhân dân huyện chủ động luân chuyển, bố trí phù hợp.
Tại Trường Trung học phổ thông Đỗ Đăng Tuyển (Đại Lộc, Quảng Nam), ban giám hiệu nhà trường cho biết, trường này có bốn giáo viên nằm trong diện luân chuyển. Trong đó, có một giáo viên tổ Vật lý và ba giáo viên tổ Ngữ văn.
“Theo quy định của Sở thì thời gian luân chuyển của các giáo viên là từ 1 học kỳ đến một năm.
Nhiều người đã phát khóc khi trong quyết định điều động không nói rõ ngày trở về, cũng như thời gian luân chuyển.Trên thực tế, ngay khi nhận được quyết định luân chuyển thì giáo viên rất băn khoăn, lo lắng.
Rồi họ đến gặp ban giám hiệu đặt câu hỏi, hết thời gian điều động thì có được quay về trường cũ không?...”, đại diện ban giám hiệu nhà trường chia sẻ.
Sau đó, các trường đã có kiến nghị đối với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đề nghị ghi rõ thời gian thực hiện “nghĩa vụ” đối với giáo viên trong quyết định luân chuyển để họ an tâm công tác tại ngôi trường mới.
Nhà trường cũng như lãnh đạo ngành giáo dục cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên bị điều động, luân chuyển được trở về trường cũ công tác.
“Khi Sở có văn bản quy định rõ thời gian luân chuyển đối với từng giáo viên, từng bộ môn là 1 học kỳ đến 1 năm học.
Lúc đó, giáo viên mới an tâm để nhận quyết định điều động”, một hiệu trưởng trường trung học phổ thông ở Quảng Nam cho hay.
Bà Lê Thị Hương – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, theo quy định thì một số trường hợp được rút ngắn thời gian điều động.Trong khi đó, tại Quảng Trị, quy định về thời gian điều động của giáo viên đến các vùng khó khăn kéo dài từ 2 năm đối với nữ và 3 năm đối với nam.
Cụ thể, khi nơi mà giáo viên công tác trước khi thực hiện việc điều động thiếu vị trí việc làm phù hợp hoặc khi phát sinh hoàn cảnh gia đình khó khăn đột xuất.
Ngoài ra, quy chế này cũng quy định với những giáo viên đã từng có thời gian công tác tại vùng đặc biệt khó khăn thì sẽ không được điều động trở lại vùng khó.
Được ưu tiên trở về trường cũ công tác
Thầy Nguyễn Văn N. (giáo viên môn Hóa học tại một trường trung học phổ thông ở Quảng Trị), nằm trong diện luân chuyển đợt này chia sẻ:
“Khi nhận quyết định luân chuyển thì mình cũng vui vẻ chấp nhận, bởi đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của một người thầy.
Mình không thể để các đồng nghiệp cứ bám trụ mãi ở vùng khó khăn, còn mình thì công tác lâu dài tại các trường đồng bằng, như vậy là bất công.
Nhưng lo lắng nhất của người bị luân chuyển là hết thời hạn điều động có được trở về trường cũ công tác không? Rồi lúc mình trở về, nếu trường cũ vẫn đang thừa giáo viên, không nhận thì làm sao?”.
Trả lời những thắc mắc của thầy N., bà Hương cho biết, giáo viên trong diện luân chuyển sẽ được ưu tiên trở về trường cũ công tác theo nguyện vọng nếu đã thực hiện xong “nghĩa vụ”.
“Ví dụ, giờ trường A. đang thừa một giáo viên Toán và điều động đi đến vùng khó khăn.
Theo quy định thì ba năm sau mới điều về, nhưng mới 2 năm mà trường đó có giáo viên Toán về hưu thì thầy kia sẽ được ưu tiên điều về lại sớm hơn, dù chưa đủ nghĩa vụ ba năm.
Cái này, Sở làm rất linh hoạt với mong muốn các giáo viên được ổn định.
Nhưng trong tình hình thừa thiếu giáo viên cục bộ đang xảy ra mà không làm thì sẽ không có giáo viên giảng dạy ở vùng khó”, bà Hương nói.
Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cũng khẳng định sẽ tạo điều kiện cho giáo viên trong diện điều động được trở về trường cũ công tác.
AN NGUYÊN