Tiếp theo Bài 1
Liên quan đến việc điều động, luân chuyển giáo viên, mỗi địa phương lại thực hiện một cách khác nhau. Trong đó mục tiêu luân chuyển được đặt ra là vừa phải đảm bảo việc dạy học, vừa lắng nghe và tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên.
Tạo điều kiện tối đa cho giáo viên
Năm học 2019-2020, ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị cũng đã thực hiện việc luân chuyển, điều động giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu.
|
Giáo viên vượt suối vào các điểm trường miền núi của Quảng Nam. Ảnh: TT |
Đặc biệt, tỉnh này đã quyết định luân chuyển 8 giáo viên có đủ thời gian công tác tại các trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn được chuyển về các huyện, thị xã, thành phố có điều kiện thuận lợi.
Trong đó có 5 giáo viên đang công tác tại các xã A Bung, A Vao, Hướng Hiệp, Tà Rụt, Ba Lòng, Hướng Lập (thuộc các huyện Đakrông, Hướng Hoá) có nguyện vọng được chuyển về Phòng giáo dục thành phố Đông Hà;
3 giáo viên còn lại có nguyện vọng và được chuyển về các Phòng giáo dục thị xã Quảng Trị, huyện Gio Linh, huyện Vĩnh Linh. Mỗi địa phương tiếp nhận 1 giáo viên.
Việc luân chuyển giáo viên đủ thời gian công tác tại vùng đặc biệt khó khăn về vùng thuận lợi tạo điều kiện để giáo viên hợp lí hóa gia đình, an tâm công tác lâu dài và nỗ lực nâng cao chất lượng giảng dạy.
Tuy nhiên theo bà Lê Thị Hương – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị thì hiện do tình trạng thiếu giáo viên ở vùng khó khăn nên quá trình giải quyết luân chuyển giáo viên ở khu vực này cũng rất vướng, phải giải quyết từ từ.
“Đối với trường hợp giáo viên ba năm liên tục công tác ở miền núi xin về thì Sở sẽ xem xét giải quyết dần. Còn đối với các trường hợp có 5 năm công tác trở lên thì sẽ ưu tiên trước”.
Bà Hương cũng cho biết thêm, không thể giải quyết hết nguyện vọng của giáo viên vì như vậy sẽ xảy ra trường hợp thiếu giáo viên trầm trọng.
Nhiều giáo viên vẫn phải “cắm bản”
Tương tự, tại huyện miền Nam Trà My (Quảng Nam), có hàng chục trường hợp giáo viên cắm bản ở vùng sâu, vùng xa đã nhiều năm liền nhưng vẫn chưa được xem xét luân chuyển.
“Trên địa bàn huyện thì cũng không có vùng nào là thuận lợi, chỉ có mỗi khu vực trung tâm huyện.
Một số thầy cô có nhu cầu chuyển về Trường tiểu học Kim Đồng (5 trường hợp) và mẫu giáo Hoa Mai (4 trường hợp) nằm ở trung tâm huyện thì phòng giáo dục cũng tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết theo nguyện vọng.
Còn lại một số trường hợp giáo viên bậc trung học cơ sở đang giảng dạy ở các trường xa xôi như Trà Linh, Trà Nam… có xin về nhưng chưa thể giải quyết.
Lý do là các thầy cô dạy theo bộ môn, nếu luân chuyển thì sẽ không có giáo viên thay thế. Việc luân chuyển sẽ được tính toán kỹ để đảm bảo việc dạy học”, ông Võ Đăng Thuận – Trưởng phòng giáo dục huyện Nam Trà My cho biết.
Để thay thế một số giáo viên vừa được điều động về các trường ở trung tâm huyện, phòng giáo dục huyện Nam Trà My đã mời một số giáo viên cử tuyển của huyện vừa tốt nghiệp ra trường về các điểm trường để thực hành giảng dạy.
Sau đó, những người này sẽ tham gia thi tuyển viên chức nếu đậu thì vào biên chế để trở thành giáo viên “cắm bản”.
Cũng theo ông Thuận, riêng đối với các đơn xin chuyển giáo viên từ huyện về các vùng đồng bằng, thành phố thì số lượng khá nhiều.
“Năm vừa rồi, do huyện thiếu giáo viên nên mình không cho chuyển trường hợp giáo viên nào về các huyện đồng bằng.
Vì khi chuyển đi thì mình sẽ không có giáo viên dạy. Còn số lượng giáo viên ở dưới đồng bằng lên đây dạy cũng rất khó và ít”, ông Thuận thông tin thêm.
Tại huyện Bắc Trà My (một huyện miền núi khó khăn khác của tỉnh Quảng Nam) vẫn còn số lượng lớn viên chức giáo viên có điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn đang công tác lâu năm tại các vùng cao của huyện có nguyện vọng nhưng chưa được chuyển về công tác gần nhà (75 người, trong đó có 45 nữ).
AN NGUYÊN