Những ngày này, nông dân tỉnh Quảng Trị đang thu hoạch đại trà lúa vụ Đông Xuân. Năng suất lúa bình quân vụ này đạt trên 60 tạ/hecta. Riêng lúa hữu cơ sản xuất theo quy trình canh tác tự nhiên ước đạt 55 tạ/hecta, cao gấp đôi so với các vụ trước. Điều làm cho người nông dân phấn khởi là toàn bộ sản lượng lúa hữu cơ sau khi thu hoạch sẽ được thu mua với giá 10.000 đồng/kg.
“Lúa thông thường sau khi thu hoạch được bán với giá 6.200 đến 6.500 đồng/kg, một sào thu hoạch 2,8 tạ/vụ. So với sản xuất thông thường thì lúa hữu cơ lãi hơn 1 triệu đồng/sào”, ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cho biết.
|
Lúa hữu cơ được mùa được giá (Ảnh minh họa: KT) |
Vụ Đông Xuân năm nay, tại tỉnh Quảng Trị trồng hơn 160 hecta lúa hữu cơ canh tác theo quy trình sản xuất tự nhiên. Triệu Phong là huyện có diện tích trồng lúa hữu cơ cao nhất ở tỉnh Quảng Trị, với 55 hecta. Trong quá trình sản xuất lúa hữu cơ, huyện Triệu Phong có các chính sách hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng lúa. Trong đó, ngoài việc bao tiêu sản phẩm, 1 hecta sản xuất tập trung lúa hữu cơ được địa phương hỗ trợ từ 50 đến 80 triệu đồng để làm đường giao thông nội đồng hoặc xây dựng kênh mương thủy lợi, đồng thời nông dân được hỗ trợ 2 triệu đồng để canh tác thủ công. Nhờ các chính sách đó mà diện tích, năng suất và sản lượng lúa hữu cơ trên địa bàn huyện Triệu Phong tăng theo từng năm.
Lúa hữu cơ sản xuất theo quy trình canh tác tự nhiên được huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đưa vào sản xuất từ năm 2017. Qua 8 vụ sản xuất lúa hữu cơ đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình. Hiện nay, toàn bộ sản lượng lúa của 145 hộ thành viên tham gia sản xuất lúa hữu cơ theo quy trình canh tác tự nhiên được cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Ông Phan Văn Giải, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cho biết, năm 2019, gạo sạch Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu gạo sạch, được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 4 sao của tỉnh Quảng Trị.
“Đầu ra của nông sản sạch, đặc biệt là gạo sạch của huyện Triệu Phong bà con không phải lo nữa. Khi có sản phẩm, hợp tác xã có các hợp đồng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu. Sản lượng lúa gạo sạch của bà con làm ra sẽ được thu mua với giá gấp 1,5 lần. Chính vì vậy, bà con mong muốn mở rộng diện tích này”, ông Phan Văn Giải cho biết thêm./.