Quốc hội thảo luận tổ về Báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. (Ảnh: TTXVN) 

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, chiều 8/6, Quốc hội thảo luận tổ về Báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Thảo luận tại tổ, đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; cho rằng, năm 2019 việc hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 7,02% (số đã báo cáo là khoảng 6,8%) là sự nỗ lực, cố gắng từ chỉ đạo, điều hành, thực hiện của Chính phủ, cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Bước vào năm 2020, với tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19, các ĐBQH đánh giá sự thành công trong phòng, chống dịch COVID-19 được các nước, tổ chức trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là sự cố gắng, đoàn kết và thống nhất của các cấp, các ngành và người dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đánh giá cao các giải pháp mà Chính phủ vừa qua đã triển khai như điều hành linh hoạt, kịp thời, có sự đồng lòng của xã hội, từng người dân, doanh nghiệp. Dựa trên bức tranh tổng quan của nền kinh tế, đại biểu cho rằng, ngành cần hỗ trợ phục hồi nhất hiện nay là du lịch. Bởi Việt Nam rất đẹp, nhu cầu du lịch của dân rất cao, giải pháp nào để kích cầu, phục hồi nhanh du lịch nội địa thì ngành du lịch cần phải chủ động đề xuất, cùng với đó là sự trợ lực của nhà nước.

Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất phát triển sản xuất hàng hóa nội địa; vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, cần chỉ rõ ngành nào đang cần đẩy mạnh, hàng hóa nào người Việt Nam đang có nhu cầu lớn, từ đó có chính sách hỗ trợ của Nhà nước; cần đánh giá được thị trường lao động sau đại dịch COVID-19.

Về vấn đề tiết kiệm chi tiêu ngân sách, đại biểu nêu rõ, cần siết chặt chi tiêu thường xuyên, giải ngân đầu tư công phải có trọng điểm, cái gì cần đẩy mạnh chi tiêu, cái gì phải hoãn lại, chứ không đơn thuần chỉ là việc thắt chặt chi tiêu, hoãn tăng lương.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng Chính phủ đã dự báo được tình hình kinh tế thời gian qua. Tuy nhiên cần tiếp tục đưa ra một số phương án tăng trưởng với những định lượng cụ thể về tác động của dịch đối với nền kinh tế; phải chỉ rõ ngành nào, lĩnh vực nào bị tác động đến đâu. Vì có những ngành sẽ phục hồi nhanh, ngành phục hồi chậm, từ đó đưa ra được những giải pháp cụ thể.

Trước những khó khăn từ tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, việc Chính phủ chưa điều chỉnh các chỉ tiêu thể hiện đà tăng trưởng của nước ta vẫn còn khả năng để thực hiện. Đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ cần cân nhắc và đánh giá kỹ tác động để có sự điều chỉnh hợp lý mục tiêu tăng trưởng kinh tế, trong đó, cần đặt phấn đấu đến mức cao nhất có thể.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng cần nhanh chóng chọn lựa một số ngành trọng điểm để phục hồi sau dịch cũng như chuẩn bị đất để thu hút đầu tư FDI, điều này các nước đã và đang làm mạnh.

Đỗi với việc phát triển kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh, đại biểu cho hay: “Nếu đầu tư trọng điểm cho vùng kinh tế phía Nam thì hiệu quả tác động trở lại những vùng miền khác sẽ rất lớn và nếu để TP.HCM tụt hậu thì vai trò đầu tàu không được phát huy. Cần có sự chuyển hướng đầu tư, đặt lợi ích quốc gia lên đầu, chỉ khi nơi đầu tàu là nơi đáng sống, có chất lượng nguồn nhân lực cao... thì lúc đó kinh tế quốc gia mới có sức bật”, đại biểu Nghĩa cho biết.

Trong phiên thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu cũng cho rằng, trong 5 năm vừa qua, Việt Nam đã giữ được ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, vì thế liên tục tăng trưởng… Để giữ vững thành quả trên đồng thời thúc đẩy kinh tế phát triển sau đại dịch COVID-19, trước hết phải bảo đảm được an sinh xã hội, cần đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cả về chính sách thuế, phí; giải ngân vốn đầu tư công cần được đẩy nhanh; thu hút được đầu tư xã hội, giúp tăng trưởng bền vững. Song song đó, cần đẩy mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam; hỗ trợ thương mại trực tuyến cho xúc tiến đầu tư và tiêu thụ hàng hóa, nhất là trong bối cảnh thế giới và trong nước vẫn còn dịch bệnh./.

 
Bích Liên