LĐLĐ TP Hà Nội đang trực tiếp chỉ đạo 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong đó có 30 LĐLĐ quận, huyện, thị xã; 08 Công đoàn ngành, 07 Công đoàn Tổng Công ty, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 25 Công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc với tổng số 9.031 CĐCS (5.398 CĐCS khu vực ngoài nhà nước) và 609.274 đoàn viên công đoàn. Tổng số cán bộ công đoàn các cấp là 65.749 người, trong đó tổng số cán bộ CĐCS (ủy viên Ban Chấp hành) là 65.440 người (chiếm 96,25%), cán bộ công đoàn chuyên trách là 267 người.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ công đoàn cơ bản có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình với hoạt động công đoàn; một số cán bộ CĐCS khu vực ngoài nhà nước có kinh nghiệm trong xây dựng và thương lượng tập thể; có kinh nghiệm trong hòa giải và giải quyết tranh chấp lao động tại cơ sở.
Tuy nhiên, hầu hết cán bộ CĐCS kiêm nhiệm, công việc chuyên môn nhiều nên chưa giành được nhiều thời gian để nghiên cứu hoạt động công đoàn; cán bộ CĐCS còn phụ thuộc vào người sử dụng lao động về việc làm, tiền lương, tiền công nên ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động công đoàn, nhất là tại các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
|
Quang cảnh tọa đàm. |
Cùng với đó, một bộ phận cán bộ công đoàn còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa đáp ứng đòi hỏi của đoàn viên, người lao động và thực tiễn hoạt động Công đoàn hiện nay; chính sách đối với cán bộ CĐCS chưa thực sự thỏa đáng nên chưa thật sự tạo động lực để họ hoạt động; công tác đào tạo, bồi dưỡng đôi khi chưa gắn với thực tế, với yêu cầu, tiêu chuẩn và quy hoạch sử dụng cán bộ.
Đứng trước bối cảnh mới của đất nước trong điều kiện Việt Nam thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA), Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực, sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam… hoạt động Công đoàn có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi tổ chức Công đoàn Thủ đô phải đổi mới hoạt động, hướng mạnh hoạt động về cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động.
Thời gian tới, LĐLĐ TP Hà Nội chủ trương: Tăng cường số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách cơ sở đối với đơn vị có số lượng đoàn viên từ 500- 1000 người trở lên; xem xét quy trình hoạt động của 4 cấp công đoàn, tránh việc hoạt động chồng chéo, phát huy vai trò của mỗi cấp một cách tối đa; xây dựng quy chế phù hợp để cán bộ công đoàn phát huy được vai trò của mình trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, là người gần gũi nhất, quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động để ngày càng nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn...
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch LĐLĐ TP Nguyễn Phi Thường đặt vấn đề: còn nhiều ý kiến trong thực tiễn hiện nay là đa số cán bộ CĐCS do người sử dụng lao động trả lương, vậy bảo vệ cán bộ công đoàn như thế nào? Công đoàn đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động như thế nào? Khi quyền lợi của người lao động đã được pháp luật quy định mà người sử dụng lao động không thực hiện thì cán bộ Công đoàn đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động bằng cách nào, liệu có làm được không?
|
Cán bộ công đoàn đề xuất các giải pháp tại tọa đàm. |
Giải đáp cho những câu hỏi này, ông Lê Văn Báu, Chủ tịch công đoàn chuyên trách Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội cho rằng, cấp ủy đảng, chính quyền, bản thân tổ chức công đoàn cần có nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của cán bộ CĐCS với phong trào công nhân, lao động và hoạt động công đoàn; có chế độ, chính sách bảo vệ, đãi ngộ, khuyến khích cả vật chất và tinh thần đối với cán bộ công đoàn; lựa chọn cán bộ công đoàn đủ năng lực, trình độ, bản lĩnh và thực sự là thủ lĩnh của người lao động.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội nêu thực tế, là công ty liên doanh có trên 70% vốn đầu tư nước ngoài, quan điểm của người chủ sử dụng lao động là tập trung ưu tiên vào việc sản xuất, kinh doanh, hoạt động của tổ chức công đoàn triển khai 100% ngoài giờ. Thời gian làm việc người sử dụng lao động dành cho Ban chấp hành công đoàn hạn chế trong khi đội ngũ cán bộ công đoàn được người lao động tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành không ai có nghiệp vụ chuyên môn về công tác công đoàn, chỉ làm bằng lòng nhiệt huyết và kinh nghiệm, tự học hỏi lẫn nhau nên gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai công tác tại cơ sở. Việc tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới là hết sức cần thiết.
Bà Phạm Thị Bích Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH TOTO Việt Nam bày tỏ, cán bộ Công đoàn gần như không có thời gian làm những công việc liên quan đến công đoàn tại công ty mà thường phải làm ngoài giờ; vừa tập trung chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, kịp thời kiến nghị, đề xuất với người sử dụng lao động những nguyện vọng, yêu cầu chính đáng của người lao động vừa phải đảm bảo công việc chuyên môn vì nếu không hoàn thành công việc chuyên môn thì sẽ không có tiếng nói… Vì vậy rất cần có giải pháp để người sử dụng lao động hiểu rõ về vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn, những khó khăn của cán bộ Công đoàn tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho cán bộ Công đoàn hoạt động. Bên cạnh đó, Công đoàn cấp trên cần tập huấn cho cán bộ Công đoàn về pháp luật lao động, đặc biệt là Bộ luật Lao động 2019 nhằm giúp cán bộ Công đoàn hiểu rõ, bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động./.