Lũ lụt nhấn chìm, chia cắt nhiều địa phương ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Ngãi 

Do mưa lớn các ngày 4 và 5-11, nước trên các sông ở Quảng Trị lên rất nhanh, có nơi như sông Thạch Hãn xấp xỉ báo động 3. Đáng chú ý, trên sông này có đập phụ của đập chính Nam Thạch Hãn, được làm bằng cao su, chứa khoảng 10 triệu m3 nước, đã hư hỏng, xuống cấp, có thể vỡ bất cứ lúc nào.

* Quảng Trị:

Mưa lớn trong các ngày kể trên cũng đã gây ngập lụt cục bộ ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó ngập nặng nhất là các xã vùng thấp trũng của huyện Hải Lăng.

Lũ lụt cũng đã gây ngập, chia cắt ở một số tuyến đường có ngầm, tràn, vùng thấp ở khu vực miền núi thuộc huyện Đakrông và Hướng Hóa. 

 
Cụ thể, tuyến đường vào trung tâm xã Ba Nang (Đakrông) bị mưa lớn làm sạt lở nặng tại Km5+300, cầu tràn Đá Đỏ ở Km5+800 vào trung tâm xã này cũng bị ngập trên 2m; mọi đi lại vào trung tâm xã này vì thế bị chia cắt hoàn toàn…

 

Tháo cầu tạm bắc qua sông Thạch Hãn.

 

Ngày 5-11, các lực lượng chức năng ở tỉnh Quảng Trị cũng đã tháo dỡ một cây cầu dài 185m bắc qua sông Thạch Hãn nhằm đề phòng nước lũ cuốn trôi, gây hậu quả nghiêm trọng ở vùng hạ du. 

Cây cầu này được 5 hộ gia đình ở xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong góp vốn xây dựng với số tiền 700 triệu đồng từ năm 2002. Cầu có thiết kế dài 185m, rộng khoảng 2,5m và được làm bằng những chiếc thùng phuy nhựa, ván gỗ, sắt thép… Do qua nhiều năm sử dụng, cây cầu không còn được đảm bảo an toàn đi lại.

 

Lũ lụt gây chia cắt một số địa phương miền núi tỉnh Quảng Trị.

Do ảnh hưởng không khí lạnh kết hợp hoàn lưu bão số 12 nên tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế đã có mưa lớn trên diện rộng. Lượng mưa từ ngày 3 đến sáng 5-11 ở vùng núi đo được từ 500-600mm, riêng trạm Khe Tre là 626 mm, trạm Bạch Mã 1397 mm, vùng đồng bằng 150-200mm. 

Tuyến QL1A qua địa bàn huyện Phú Lộc ngập nặng trong chiều tối 4 và sáng 5-11. Đến chiều 5-11, mực nước qua địa điểm này đang dần rút.

Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế, mưa lớn khiến nước trên các sông dâng cao, vào lúc 11 giờ trưa 5-11, mực nước trên sông Hương tại Kim Long là 3,74m, trên báo động 3 là 0,24m; sông Bồ tại Phú Ốc 5,03m, trên báo động 3 là 0,53m; sông Tả Trạch tại Thượng Nhật 59,59 m, trên báo động 1 là 0,59m. 

Vùng hạ lưu sông Bồ ngập nặng do nước sông lên nhanh.

Mưa lớn, nước sông dâng cao cộng với việc các hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền xả lũ khiến nhiều vùng thấp trũng của các huyện Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc bị ngập nặng.

Điểm trường Tiểu học số 1 Lộc Trì, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc ngập nặng, học sinh được nghỉ học.

* Thừa Thiên - Huế:

Tại địa bàn huyện Phú Lộc mưa lớn kết hợp nước sông dâng cao đã khiến hơn 6.600 căn nhà bị ngập sâu từ 0,6 đến 0,8m; cụ thể xã Lộc Bổn có 3.028 nhà; Lộc An 800 nhà, Lộc Tiến 559 nhà, Lộc Trì 1.700 nhà và Lộc Thủy 550 nhà. 

Mưa lũ cũng đã gây ngập úng hàng trăm héc ta hoa màu tại các vùng thấp trũng ở Huế. 

Ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, do nước trên sông Bồ và Ô Lâu dâng cao đã khiến 1.328 ngôi nhà của người dân các xã Phong Sơn, Phong An, Phong Hiền, Phong Hòa bị ngập trong nước; huyện phải di dời hơn 404 hộ dân (1.578) nhân khẩu để đảm bảo an toàn. 

Ngoài ra, tuyến QL49B qua xã Phong Hòa ngập 0,7m, dài 700m; các tuyến tỉnh lộ 11B, 17 có nhiều đoạn ngập từ 1 đến 1,5m.

Nhiều vùng trũng ở Huế bị ngập vào sáng 5-11.

Trong khi đó, tại địa bàn TP Huế, mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố ngập sâu, đặc biệt là các điểm thi công Dự án cải thiện môi trường nước. Hiện Ban Quản lý dự án đã lắp đặt các biển cảnh bảo tại 50 điểm thi công; lực lượng CSGT TP Huế và Công an các phường được huy động để hướng dẫn giao thông tại những tuyến đường này.

Xe máy và người dân được các phương tiện tải trọng lớn chở lưu thông qua những đoạn đường QL1A bị ngập nặng.
Người dân Phong Điền phải dùng ghe đò đi lại trong nước lũ.

* Quảng Ngãi: Mưa bão gây nhiều thiệt hại

Trong những ngày qua, ảnh hưởng của bão, mưa lũ đã gây cho toàn tỉnh Quảng Ngãi thiệt hại nặng nề làm 6 người chết, 3 người bị thương, hàng trăm điểm sạt lở gây chia cắt cô lập nhiều huyện huyện miền núi. Hàng trăm hộ dân phải di dời khẩn cấp khỏi vùng lũ quét, sạt lở núi.

 

Tại huyện Trà Bồng nhiều tuyến đường về các xã bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Đặc biệt, mưa lớn đã làm sạt lở tại điểm nhà ông Hồ Văn Thế, thôn 3 xã Trà Giang, một hòn đá to ngay sau nhà lăn xuống đè sập gian bếp làm chết 2 người và 1 người bị thương. 

 

 

 

Mưa bão gây sạt lở, chia cắt nhiều tuyến đường của tỉnh Quảng Ngãi

 

Tại huyện Ba Tơ cũng xảy ra sạt lở núi vùi lấp nhiều nhà dân và làm một người bị thương nặng. Mưa to cộng với nước thượng nguồn đổ về, nước biển dâng cao, sóng đánh dữ dội, đã cuốn 22 chiếc tàu đang neo đậu tại Cảng Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi) trôi ra biển. Trên tuyến Quốc lộ 24 bị sạt lở nghiêm trọng gây chia cắt, lực lượng Công an huyện Ba Tơ và phòng CSGT đường bộ, đường sắt cử cán bộ chốt chặn 2 đầu đảm bảo an toàn cho người dân qua lại.             

 

Tại huyện Tây Trà xảy ra hàng chục điểm sạt lở núi, giao thông. Điển hình tại km 15, tuyến đường Di Lăng – Trà Trung, thuộc địa phận thôn Xanh, xã Trà Trung, huyệnTây Trà,  hàng ngàn mét khối đất đá sạt xuống mặt đường gây ách tắc giao thông. 

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp mưa lớn nhiều ngày tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở núi, Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện Tây Trà, đặc biệt là lực lượng Công an huyện đã cử tổ công tác đi khảo sát tất cả các tuyến đường liên huyện, đường về thôn. Đồng thời, phối hợp với lực lượng phòng, chống lụt bão của các xã phát dọn cây đỗ ngã trên đường, cắp biến báo nguy hiểm cấm mọi người dân đi qua lại.

 

 

 

CSGT chặt cây đảm bảo TTATGT

 

Ngoài ra, trên Quốc lộ 24C sạt lở đoạn Eo Tờ Mỏ thuộc xã Trà Thanh); Tỉnh lộ 622B sạt lở 02 điểm thuộc thôn Trà Dinh và thôn Trà Linh, xã Trà Lãnh; đường liên xã Trà Phong - Trà Xinh, sạt lở 1 điểm thuộc thôn Trà Kem, xã Trà Xinh; xã Trà Phong - Trà Thanh, sạt lở 1 điểm tại thôn Hà, xã Trà Khê. 

Mưa lớn gây sạt lở núi đã thiệt hại về tài sản làm 2 ngôi nhà bị tốc mái tại xã Trà Nham; 2 trường học bị sạt lở tường rào (Trường mẫu giáo thôn Gò Rô, xã Trà Phong và Trường THCS xã Trà Thọ) và 01 ngôi nhà của người dân Trà Lãnh bị sập hoàn toàn. 

Thượng úy Nguyễn Thành Thép – Đội tuần tra giao thông, Công an huyện Tây Trà cho biết: “Qua khảo sát tổ công tác đã phát hiện hàng chục điểm sạt lở núi tại các tuyến đường trên địa bàn huyện và chúng tôi đã phối hợp với lực lượng công an xã dọn đường và cắm biển báo nguy hiểm cấm người dân qua lại. Đồng thời, chúng tôi cũng thông báo cho người dân di dời đến nơi an toàn khi có tình huống xấu xảy ra như sạt lở núi….

Tại cầu sông Rin, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà đã bị nước lũ tràn qua, cắt đứt giao thông và cô lập huyện miền núi nằm phía trên là Sơn Tây với đồng bằng. Ngay sau khi nhận được tin báo về nguy cơ sạt lở núi lực lượng Công an huyện Tây Trà, Sơn Tây đã phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành di dời hàng chục hộ dân khỏi vùng có nguy cơ ảnh hưởng bị sạt lở...

Quảng Nam: Sạt lở núi đè nát một ngôi nhà

Chiều ngày 5-11, ông Nguyễn Đạo – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh (Quảng Nam) cho biết, vào lúc 12h30 phút cùng ngày, mưa lớn đã làm sạt lở núi, đè nát một ngôi nhà ở xã Tam lãnh (Phú Ninh). Rất may người cuối cùng trong gia đình cũng đã được chuyển đi sơ tán tránh lũ.

 

 

Vào thời điểm trêm, khu núi phía sau nhà ông Đặng Phương (57 tuổi, trú thôn An Mỹ, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) bất ngờ bị sạt lở đè nát ngôi nhà của ông Phương. Khi xảy ra vụ việc, rất may gia đình ông Phương gồm 4 người đã được chính quyền vận động sơ tán đi nơi khác để tránh lũ.

Địa phương đã bố trí nơi ở cũng như hỗ trợ kinh phí ăn ở, sinh hoạt cho gia đình ông Phương. Chính quyền huyện Phú Ninh cũng đã đến thăm hỏi và động viên.

 

Thanh Bình - Anh Khoa - Thành Sự - Hà Vy
610 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 874
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 874
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87214934