|
Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng Hội NN&PTNT Việt Nam – nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT |
Đây là nhìn nhận của ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT về những chuyển biến của ngành nông nghiệp trong thời gian vừa qua.
Hai thành tựu đáng ghi nhận trong đại dịch
Theo ông Hồ Xuân Hùng, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tích rất tốt. Tại Kỳ họp Quốc hội thứ nhất, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu cho rằng cần dành phần thưởng cho ngành nông nghiệp vì thời gian vừa rồi đã thực sự trở thành “bệ đỡ” cho nền kinh tế.
Quay trở lại năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh trên cả người và gia súc, hạn hán, lũ lụt… xảy ra hết sức phức tạp nhưng ngành nông nghiệp vẫn phấn đấu tăng trưởng đạt trên 2,65%. Đây là con số rất đáng ghi nhận.
Sang đến năm 2021, tình hình kinh tế toàn cầu còn ảm đạm hơn với sự bùng phát của đại dịch COVID-19, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy trên diện rộng và việc kiểm soát dịch chặt chẽ khiến nhiều nơi rơi vào cảnh kiệt quệ kinh tế. Trong hình hình đó, chúng ta chứng kiến ngành nông nghiệp đã bảo đảm an ninh lương thực nội địa. Không những vậy, các mục tiêu xuất khẩu đề ra đến thời điểm này đều đạt yêu cầu.
“Một điều cần phải nhìn nhận rõ hơn trong tăng trưởng xuất khẩu của nông nghiệp là lâu nay mọi người thường đặt nặng những con số về số lượng, giá trị ngoại tệ mang về mà ít đánh giá một giá trị cực kỳ quan trọng là lòng tin của người tiêu dùng quốc tế đang tăng lên với nông sản Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVD-19 diễn ra trên toàn cầu gây đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng thì Việt Nam vẫn mở cửa được nhiều thị trường xuất khẩu mới. Nhiều nông sản đã đáp ứng nhu cầu các thị trường khó tính như vải thiều vào thị trường Nhật Bản, chôm chôm vào thị trường Đài Loan, bí ngô và dâu tây sang New Zealand…”, ông Hồ Xuân Hùng nhấn mạnh.
Thành tựu lớn thứ hai theo ông Hùng đánh giá là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra, rất nhiều lao động mất việc ở các đô thị, đa phần người lao động trở về nông thôn – đây chính là hậu phương của đa số lao động trong các nhà máy, công xưởng ở thành thị. Ở hậu phương này, các doanh nghiệp và các cộng đồng nông nghiệp đã chia sẻ, đùm bọc người lao động. Điều này được minh chứng rõ nét khi các tỉnh đang đón con em mình về từ các đô thị lớn dịch bệnh hoành hành. “Khi chúng tôi xây dựng và tham mưu trình Chính phủ Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, dự kiến đến thời điểm này chỉ đạt 50%. Nhưng tính đến tháng 6/2021 đã có 63,64% số xã đạt chuẩn “Nông thôn mới”, đây cũng là một thành tựu thiết thực để nông thôn có thể trở thành hậu phương vững chắc như hiện nay”, ông Hùng cho biết.
“Mục tiêu kép” thực sự hiệu quả
Có thể nói trong bối cảnh cả thế giới khủng hoảng, không ít quốc gia có tăng trưởng âm hoặc không đáng kể thì con số GDP Việt Nam đạt được trên 5,6%, cao hơn 1,82% so với cùng kỳ năm ngoái là một thành công. Đó chính là kết quả của chiến lược “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa khôi phục phát triển kinh tế như Chính phủ đã đề ra.
Theo ông Hùng: “Chủ trương thực hiện 'mục tiêu kép' hiện nay không chỉ đưa ra trên diễn đàn, hội nghị mà đã đi vào cuộc sống. Bên cạnh những ngành bị suy yếu thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ thì công nghiệp và nông nghiệp đều có sự tăng trưởng nhất định. Sở dĩ chính sách có hiệu quà là do có các giải pháp đi kèm thiết thực. Ngay đầu tháng 3/2020, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Ngay sau đó là gói giải cứu 62.000 tỷ cho người lao động, người sử dụng lao động… Đây là những giải pháp vô cùng hiệu quả và ấn tượng”.
Theo phân tích của ông Hùng, đây là những chính sách không những hỗ trợ các doanh nghiệp mà còn hỗ trợ trực tiếp cả người lao động của doanh nghiệp – một động lực lớn giúp doanh nghiệp duy trì hoặc phục hồi nếu không may tạm thời đình trệ sản xuất do dịch bệnh.
Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT nhìn nhận, chiến lược "mục tiêu kép" có tác động rất lớn và tích cực đối với kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. “Đây là chính sách phát triển được chuỗi sản xuất và tăng trưởng xuất khẩu nông sản. Để làm được việc này cần có những doanh nghiệp đầu tàu. Nếu không có chính sách này, các địa phương, các tổ chức xã hội chỉ chăm lo chống dịch mà ít quan tâm đến tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất thì các doanh nghiệp sẽ không mặn mà với phát triển sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu thời điểm này”, ông Hùng phân tích.
Cũng nhờ chính sách tạo động lực tốt nên nhiều giải pháp các ngành đi theo ủng hộ như giảm lãi suất, gia hạn thời gian nộp thuế… đã giúp cho doanh nghiệp giữ ổn định tình hình và thúc đẩy phát triển, tạo niềm tin cho người lao động.
Cần tăng cường dự báo tình hình
Theo ông Hồ Xuân Hùng, “hiện nay, diễn biến của dịch COVID-19 còn rất phức tạp nên điều quan trọng là cần phải dự báo được tình hình. Cần có những dự báo ứng dụng không chỉ trong nước mà cả dành cho việc kết nối với quốc tế. Nếu không dự báo được tình hình thì chúng ta chỉ chạy theo và ứng phó mà thôi”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá những ứng phó với dịch bệnh và việc tăng trưởng kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng trong thời gian qua cũng chính là dự báo được tình hình, dù chỉ trong ngắn hạn. “Thị trường bây giờ thông nhau nên không quốc gia nào có thể dễ dàng thực hiện việc cấm vận, nếu dự báo được thị trường, chúng ta mới chủ động đối phó và phát triển các ngành hàng được”, ông Hùng phân tích.
Cùng với đó, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT cũng đề xuất Chính phủ kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô. Theo ông Hùng đây là cách sớm nhất để ổn định tình hình sau dịch bệnh. “Riêng đối với nông nghiệp, cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, phải xây dựng nền nông nghiệp sạch và ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả chứ không chung chung. Việc này cần gắn với tổ chức được thị trường trong nước và quốc tế. Cần có chính sách cụ thể hơn trong xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Thật mừng vì Chính phủ đã có nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia. Cần có chính sách để duy trì và thúc đẩy được các sản phẩm này vì nếu không có sản phẩm chủ lực, chúng ta sẽ không thể cạnh tranh khi không đưa ra được sản phẩm mà thị trường mong muốn”, ông Hùng nhấn mạnh.
Chuyên gia Hồ Xuân Hùng cũng đưa ra các đề xuất cần tập trung hơn cho ngành nông nghiệp về công tác cải cách hành chính để thu hút các doanh nghiệp FDI vào nông nghiệp vì tỉ trọng các doanh nghiệp FDI trong nông nghiệp quá thấp so với nhiều lĩnh vực khác. Cùng với đó, cần có chính sách để sử dụng hiệu quả từng ha đất trồng lúa. “Thế giới đã đi theo an ninh dinh dưỡng rồi, ngành hàng lúa gạo cũng có nhiều chính sách và đạt 3,03 tỷ USD năm 2020 trong khi ngành hàng hoa quả cứ âm thầm phát triển cũng thu về 3,27 tỷ USD hay chỉ riêng hạt điều xuất khẩu cũng thu về 3,19 tỷ USD… Vì vậy, chúng ta cũng phải có những điều chỉnh chính sách phù hợp theo xu hướng thị trường”, ông Hùng dẫn chứng.
Một bất cập nữa ông Hùng nêu lên là: “Tại sao đi đến tỉnh nào cũng có thể bắt gặp các trung tâm hỗ trợ quỹ đất cho khu công nghiệp nhưng rất khó khăn để tìm ra một trung tâm hỗ trợ quỹ đất cho nông nghiệp? Bởi chính sách đất đai dành cho nông nghiệp còn nhiều bất cập. Việc này cần phải sửa Luật Đất đai để nông nghiệp có điều kiện tập trung sản xuất hơn, nếu cứ manh mún như hiện nay thì không thể phát triển ngành hàng”.
Ông Hùng cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ có thể tổ chức lại cân đối giữa thị trường trong nước và xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần có ý thức nâng cao trách nhiệm với người tiêu dùng ngay từ trong nước, “đừng để cùng một quả xoài, bán trong nước thì xấu mà xuất khẩu thì được bao, bọc, đóng gói rất đẹp”.
Từ ý thức này, Chính phủ cũng có thể đồng hành với doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu. Ông Hùng nhấn mạnh: “Doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng thương hiệu của họ nhưng nếu mong muốn có được những sản phẩm làm rạng rỡ quốc gia thì cần có chính sách cụ thể để cùng nhau xây dựng thương hiệu quốc gia, quốc tế đặc biệt là trong bối cảnh thương mại điện tử nở rộ như hiện nay”.
Đỗ Hương