Long đong nghề "nặng mùi nhất" trong các nghề ở nơi cửa biển miền Trung 

Bên ven biển Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) có một nghề hết sức đặc biệt. Không nguy hiểm, không độc hại, không nặng nhọc, nhưng lại… nặng mùi.
long dong nghe nang mui nhat trong cac nghe o noi cua bien mien trung
Nghề hấp cá, phơi sấy cá ở ven biển Quảng Trị từng một thời hoàng kim

Bên ven biển Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) có một nghề hết sức đặc biệt. Không nguy hiểm, không độc hại, không nặng nhọc, nhưng lại… nặng mùi. Nhiều cơ sở hấp cá ở vùng ven biển xã Gio Việt và TT. Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) từng một thời ăn nên làm ra, đến nỗi ngư dân ở đây có câu cửa miệng “nhiều tiền như các lò hấp cá”. Nhưng rồi mọi chuyện đã biến chuyển theo thời gian.

Để cho ra những mẻ cá, mẻ mực hấp ngon lành đổ đi khắp các chợ trong vùng rồi lên cả Tây nguyên mà không mấy ai biết được, người làm ra món cá, mực hấp phải chịu đựng những cực khổ nhiều như thế nào mới cho ra những sản phẩm ấy. 

Trong không gian chỉ chừng 30m2 chứa chật ních nào là cá cơm, cá nục, cá ngừ sọc dưa, mực… rồi những nồi hấp to đùng được đặt trên những bếp lửa đang cháy ngùn ngụt. Ngoài thì nắng, trong thì nóng, lại nồng nặc mùi tanh nhưng những người thợ cả nam lẫn nữ vẫn vui vẻ lao động. Những tiếng cười đùa không ngớt trong khi đôi bàn tay vẫn thoăn thoắt làm việc.

Trong hàng trăm vạn nghề trên thế gian, có lẽ nghề hấp cá là một nghề khó khăn nhất đối với mọi người và đặc biệt là người phụ nữ. Nó không hề nặng nhọc cũng không hề nguy hiểm. Nhưng cái khó khăn lại nằm ở chỗ không ai ngờ tới, đó là mùi. Trong không gian mấy chục mét vuông mà xung quanh chỉ toàn cá là cá. Gần ngay bên là lò lửa cháy hừng hực, bốc khói nghi ngút, cuốn theo mùi cá lan toả khắp không gian, người phụ nữ ở đó trở nên bé nhỏ đến lạ lùng. Họ bị thứ mùi đặc trưng của cá biển “ướp” vào người không phải ngày một ngày hai mà suốt mấy chục năm. Có người ví nghề hấp cá cũng như hấp người vậy.

long dong nghe nang mui nhat trong cac nghe o noi cua bien mien trung
Hấp cá là một nghề lắm cực nhọc

Bà Phạm Thị Thu Vân (53 tuổi, ở xã Gio Việt) đã làm nghề hấp cá đã hơn 20 năm nay. Vừa tiếp chuyện, bà vừa thoăn thoắt rạch những đường dao sắc lẹm dọc thân con cá nục mà không hề trật một đường. Bà tâm sự: “Mình dân biển, mà không làm thì lấy gì sống. Làm cái nghề này thì không nhọc nhằn gì, nhưng phải giỏi chịu đựng. Trước, cũng có mấy người xin vào làm, nhưng được bữa hai bữa là bỏ nhẩy, vì không chịu được mùi hôi tanh. Cái nghề này nó lựa người chứ người không lựa được nó. Phải có duyên, duyên phải “nợ” mới ở được với nhau. Nhiều lúc thèm được ngửi mùi người đúng nghĩa, nhưng luôn bị cái mùi cá này át đi, đến nỗi khi ăn, khi uống cũng chỉ còn ngửi được cái mùi này mà thôi!”.

Một người chuyên hấp cá khác là anh Sơn chia sẻ về mức thu nhập của nghề hấp cá. Anh cho biết, bình quân một thùng cá, sau khi hấp xong lời 15.000 đồng, trừ củi, muối, công thì còn 5.000 đồng. Mọi thứ còn tuỳ vào nguồn cung của các tàu cá. Cá nhiều thì hấp nhiều, cá ít thì hấp ít. Ngày nào cá nhiều, lò của anh hấp được khoảng 50 thùng. Vị chi anh được 250.000 đồng/ngày. Nhưng cũng có ngày ít hơn. Anh Sơn cho biết hấp cá phơi khô xuất khẩu cho thu nhập cao mà đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu không lớn, dưới 100 triệu đồng có thể xây dựng được một lò. 

Điều làm nên "thương hiệu cá hấp xuất khẩu" ở vùng này có lẽ là do gió Tây Nam thổi đúng vào mùa đi biển của bà con, nên những con cá, con mực săn chắc và chất bổ cũng nhiều hơn nên sản phẩm cá hấp phơi khô được thu mua giá cao hơn các nơi khác từ 20 đến 30%. Đã từng có thời gian mà ba xã ven biển gồm Gio Việt, thị trấn Cửa Việt và Gio Hải phát triển gần 300 lò hấp sấy cá khô, mỗi ngày hấp phơi được vài trăm tấn. Nghề hấp cá khô đòi hỏi lao động phục vụ rất đơn giản như hấp cá, mang ra phơi, đóng hộp... nên ai cũng có thể làm được.

long dong nghe nang mui nhat trong cac nghe o noi cua bien mien trung
Người làm nghề hấp cá ở ven biển Cửa Việt đang đối mặt với nhiều khó khăn

Con số này tưởng chừng sẽ phát triển mạnh hơn nữa, nhưng rồi có những sự cố khiến cho nghề hấp cá, phơi cá ở vùng này dần rơi vào khó khăn. Lý do chính sách nhập khẩu của một số nước là thị trường chính của loại hàng này được siết chặt, đòi giấy chứng nhận nguồn gốc và an toàn thực phẩm của cá khô, nhưng người dân không có, đành để hàng tồn trong kho. Có thời điểm như cách đây 2-3 tháng, số lượng cá hấp xuất khẩu của vùng này tồn tới cả ngàn tấn. Sự việc đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của ngư dân cũng như các cơ sở hấp sấy cá và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trước sự khó khăn trong việc xuất khẩu như hiện tại, nhiều cơ sở hấp cá ở vùng này đã chuyển hướng thị trường tiêu thụ vào các tỉnh phía Nam như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… Một số cơ sở hấp cá khác thì đi tìm thị trường thay thế để tự “cứu” mình. Nhiều người đang kỳ vọng làng nghề sẽ sớm vượt qua khó khăn để tìm lại thời kỳ hoàng kim như cách đây vài năm về trước.

677 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 707
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 707
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87176135