Đakrông là một trong những huyện có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch cồng đồng. Đakrông có hệ thống cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, núi, rừng, sông, suối, đỉnh đèo, vách đá mà tạo hóa ban tặng hấp dẫn thu hút được sự chú ý của nhiều người. Hệ thống sinh thái rừng đặc trưng có giá trị cao, Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông là kho tàng động, thực vật phong phú, đa dạng và quý hiếm tạo điều kiện cho các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch khám phá. Kết hợp với hệ thống sông, suối, hang động tạo nên dấu ấn đặc sắc riêng, một vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, trong lành như suối Hinh, thác Ồ Ồ, thác Luồi, thác Hiên, thác Ta Tưng, động Ngài, động A Pô Ly Hông, sông Đakrông, sông Ba Lòng... luôn gợi đến sự tò mò thu hút của du khách trải nghiệm du lịch mạo hiểm, thể thao giải trí. Đặc biệt với suối nước nóng Klu, có giá trị nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.
Vùng đất này còn là nơi sinh sống của người Vân Kiều, Pa Kô với bản sắc văn hoá độc đáo, dồi dào về kho tàng văn hóa phi vật thể, lễ hội văn hóa cồng chiêng, các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc được khôi phục, bảo tồn. Mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số có những nét riêng về lối sống, kiến trúc nhà ở, phong tục, tập quán, lễ hội và các hoạt động sản xuất làng nghề truyền thống của mình. Điều này cũng cuốn hút du khách đến tìm hiểu, tham quan về trải nghiệm thực tế về cuộc sống, phong tục tập quán hàng ngày của dân cư địa phương. Bước đầu Đakrông cũng đã có sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng như hàng dệt thổ cẩm, rượu cần, sản phẩm mây tre đan... và nhiều sản phẩm khác đang được khôi phục ở làng văn hóa du lịch dân tộc Làng Cát, bản Klu.
Từ thực tiễn đó, Đakrông có lợi thế về phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống. Trong khu vực các làng nghề này, mô hình du lịch cộng đồng sẽ là người dân tạo ra các sản phẩm dịch vụ du lịch phục vụ du khách: lưu trú trong làng, tham quan và trải nghiệm (kéo sợi, dệt vải, may các sản phẩm...), mua sắm các sản phẩm thổ cẩm về dùng hay làm quà tặng. Đồng thời, qua đó xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với hoạt động thường ngày của các cộng đồng dân tộc thiểu số. Đây là mô hình tổ chức cho du khách đến tham quan và tìm hiểu về kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán, đời sống hàng ngày của dân cư bản địa có kết hợp với dịch vụ lưu trú trong các nhà dân. Người dân tham gia qua hình thức hướng dẫn cho du khác tham quan và giới thiệu về lịch sử, phong tục tập quán, sử dụng các vật dụng truyền thống, các công cụ lao động và sản xuất, nấu các món ăn truyền thống, biểu diễn các làn điệu dân ca và nghệ thuật dân gian.
Mặc dù có nhiều tiềm năng mang lợi thế về du lịch cộng đồng, song việc phát triển loại hình du lịch này mang tính đặc trưng riêng và có sức hút mạnh đối với du khách ở Đakrông còn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Do vậy, cần có hệ thống các giải pháp đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch này.
Trước hết, cần có cơ chế chính sách và sự phân chia trách nhiệm đồng bộ giữa người dân với chính quyền, các đơn vị kinh doanh du lịch, tổ chức đoàn thể, địa phương. Xây dựng quy chế phối kết hợp giữa các bên tham gia phát triển du lịch cộng đồng, ban hành và thực hiện một số chính sách nhằm phát huy những lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật (nhà khách, bãi đậu xe, các biển chỉ dẫn, trang thiết bị phục vụ khách du lịch, những dụ cụ cho các hoạt động cộng đồng, ca múa...). Tiến hành quy hoạch tuyến, điểm du lịch cộng đồng cụ thể, hỗ trợ cộng đồng trong việc điều phối khách, phân khu lưu trú, ăn uống, bán hàng, vui chơi giải trí...
Tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình phát triển của Nhà nước cho nông thôn và miền núi, các nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ trong việc hỗ trợ cộng đồng và huy động nguồn lực từ dân. Trong đó, đặc biệt là các nguồn vốn hỗ trợ về phát triển các khu vực sản xuất nông nghiệp, sản xuất làng nghề, vận chuyển và chế biến các sản phẩm nông sản, xây dựng nông thôn mới. Nâng cao ý thức người dân trong việc phát huy lợi thế văn hóa, cảnh quan tự nhiên để phát triển du lịch, hình thành nên các nhóm nòng cốt trong phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, quan trọng là mở các lớp ngắn hạn về đào tạo kỹ năng, như: giao tiếp, hướng dẫn và thuyết minh du lịch, ngoại ngữ, phục vụ du lịch khác (trong lĩnh vực lưu trú và ăn uống)... nhất là kỹ năng sản xuất các sản phẩm truyền thống (đối với thế hệ trẻ). Tổ chức các chuyến khảo sát thực địa về tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch cộng đồng ở các địa phương, khảo sát ý kiến của du khách và các nhà kinh doanh du lịch để nắm bắt nhu cầu thị hiếu của họ, từ đó phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ mới. Đồng thời, thiết kế nội dung tuyên truyền và quảng bá bằng tờ rơi, cẩm nang và trên các website về thông tin các điểm du lịch, tuyến du lịch và các sản phẩm du lịch cộng đồng. Để hoạt động du lịch cộng đồng ở Đakrông có hiệu quả, cần phải nghiên cứu và tiến hành các giải pháp liên kết hợp lý, bao gồm liên kết không gian, đặc biệt liên kết với tuyến du lịch Hành lang kinh tế Đông - Tây và liên kết ngành. Có như vậy, du lịch cộng đồng ở Đakrông mới được đánh thức và phát triển hiệu quả. Quốc Thanh