|
Cấp bách tăng lương, phụ cấp cho giáo viên theo tinh thần "có thực mới vực được đạo’" (Ảnh minh họa)
|
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, để ngăn chặn và giảm số lượng giáo viên xin nghỉ việc, vấn đề cấp bách là tăng lương, tăng phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo, nhất là với giáo viên mầm non, tiểu học. Đây là nguồn động viên lớn đối với giáo viên đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Thảo luận tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận làm nóng Hội trường về nhiều nội dung của ngành Giáo dục, trong đó có nội dung giáo viên xin nghỉ việc. Năm 2022, tổng số giáo viên xin nghỉ việc trên cả nước hơn 16.000 người/tổng số 1,6 triệu giáo viên. Tính bình quân 100 giáo viên có 1 người xin nghỉ việc, chiếm tỉ lệ 1%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo viên xin nghỉ việc.
Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, hiện nay, mức thu nhập của giáo viên mầm non và tiểu học ra trường sau 5 năm công tác bình quân đạt 4,5 đến 4,7 triệu đồng (đã tính cả lương và phụ cấp ưu đãi 35%). Khi dạy được 5 năm, giáo viên sẽ có thêm phụ cấp thâm niên 5%. Người mới tuyển vào hệ thống, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng, trong 2-3 năm đầu.
Đối với giáo viên mầm non ở các vùng đặc biệt khó khăn thì được trợ cấp ưu đãi 70%, cộng thêm phụ cấp thu hút của địa phương hoặc làm việc tại các trường chuyên biệt (trường cho trẻ em cần chăm sóc đặc biệt), sau 5 năm công tác tiền lương có thể đạt 6 triệu đồng/tháng, nhưng số lượng không nhiều. Những giáo viên này phải làm việc trong môi trường đặc biệt khó khăn, công việc quá nhiều, giáo viên phải vừa dạy, vừa dỗ, vừa chăm sóc học sinh, mức lương đó chưa tương xứng công sức.
Một số tỉnh có chỉ tiêu nhưng không tuyển dụng được vì không có nguồn; hoặc có nguồn nhưng nhiều người lại chọn làm việc khác có thu nhập cao hơn. Thực trạng này đòi hỏi phải cấp bách tăng lương và phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là khối mầm non, tiểu học. “Tôi cũng mong các địa phương hỗ trợ nhiều hơn đến nhóm giáo viên hiện nay chưa được quan tâm. Đó là những cô giáo dạy mầm non tư thục theo mô hình nhóm trẻ”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu.
Tư lệnh ngành Giáo dục cho biết thêm, hiện cả nước có khoảng 16.000 nhóm trẻ tư thục, tập trung nhiều ở các đô thị, khu công nghiệp và vùng đông dân cư. Nhóm tư thục có bình quân 2-3 cô giáo. Mỗi cơ sở thường chăm sóc, nuôi dạy 40-60 trẻ. Như vậy, có khoảng 48.000 cô giáo mầm non đang làm việc cho các nhóm tư thục.
Các nhóm này thường gặp nhiều khó khăn trong vận hành vì phần lớn thuê địa điểm, điều kiện hạn chế. Trong hai năm dịch bệnh COVID-19, gần 1.000 nhóm tuyên bố giải thể và 1.150 nhóm tạm dừng hoạt động. Giáo viên ở các cơ sở này điều kiện làm việc khó khăn, thu nhập nhìn chung thấp. Qua khảo sát thì hầu hết không được đóng bảo hiểm xã hội, khó có cơ hội tiếp cận các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.
Mặc dù vậy, nhóm trẻ tư thục đang giải quyết chỗ học cho mấy chục nghìn trẻ em trên cả nước. Việc quản lý nhóm trẻ tư thục do chính quyền địa phương phường, xã, quận phụ trách.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương lưu ý tới đội ngũ giáo viên này, quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống của họ, cũng như hoạt động dạy và học tại các cơ sở, đảm bảo an toàn cho trẻ.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, với vai trò quản lý Nhà nước về giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 49/2021/TT-BGDĐT ngày 31/12/2021 quy định về quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục, làm cơ sở để các nhóm trẻ tư thục thực hiện.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc tăng lương, phụ cấp ngay lập tức cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học “là vấn đề cấp bách để nâng cao chất lượng đời sống cho giáo viên, theo tinh thần có thực mới vực được đạo”. Lương thấp, giáo viên không thể bình yên trong cái nghèo. Bộ trưởng cho biết, một số giáo viên chia sẻ đi làm cả chục năm, cuối tháng nhận lương 5-6 triệu đồng, rút ra đóng tiền học cho hai con hết 3 triệu. Số tiền ít ỏi còn lại chỉ đủ đi chợ chừng nửa tháng.
Nhiều người ngoài giờ lên lớp, áp lực cuộc sống cơm áo, gạo tiền lại chạy đôn chạy đáo làm thêm các nghề khác để kiếm tiền lo cho gia đình. Việc mua nhà, nuôi con trở thành nỗi ám ảnh với nhiều nhà giáo, đặc biệt là ở thành phố lớn.
Các giáo viên mầm non, tiểu học phải đến trường từ rất sớm để đón học sinh, lo cho các cháu từ bữa ăn, giấc ngủ, học hành. Một ngày làm việc của những thầy, cô thường rất dài, người ở xa trường có khi từ 6h sáng đến 6h tối. Trong khi đó, đồng lương họ nhận được vẫn không lo nổi cuộc sống.
Số lượng giáo viên nghỉ việc vừa qua tập trung tại các thành phố, khu công nghiệp như: TP Hồ Chí Minh. Bình Dương, Đồng Nai - nơi có mức sống bình quân của người dân cao. Giáo viên với đồng lương thấp, chênh lệch mức sống nhiều, không thể yên bình trong cái nghèo. Ở những khu vực này, giáo viên nếu bỏ việc cũng dễ dàng kiếm được việc khác vì lợi thế được đào tạo, có trình độ văn hóa.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mong muốn, Đảng, Nhà nước ưu tiên xem xét việc tăng lương, phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, để những người thầy không còn phải tính toán chi ly, co kéo đồng lương eo hẹp cho hàng chục khoản chi mỗi tháng; toàn tâm toàn ý, yên tâm giảng dạy kiến thức cho học sinh.
Lương và phụ cấp giáo viên tăng thêm cũng là động lực thu hút học sinh giỏi thi vào sư phạm, nâng cao chất lượng đội ngũ. Đồng thời, khi khối công lập tăng lương, sẽ là đòn bẩy, kích thích khối tư thục quan tâm hơn đến đời sống của thầy cô giáo và đầu tư cho con người.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong khi chờ cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc nâng lương, phụ cấp cho nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục cải thiện môi trường làm việc, tăng cường quản trị trường học, điều lệ nhà trường và nâng cao văn hóa học đường, để giáo viên có môi trường làm việc thuận lợi, phát huy được trách nhiệm người thầy.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ rà soát các chế độ, chính sách khác như quản trị làm việc, hoạt động chuyên môn, phát triển bản thân, giảm những công việc hành chính ngoài chuyên môn cho giáo viên.
Theo Bộ trưởng, đổi mới giáo dục là việc tất yếu phải làm theo Nghị quyết của Trung ương, do đó, ngành giáo dục và đào tạo sẽ tính toán hỗ trợ tối đa để giáo viên có thể điều chỉnh bản thân, thích ứng được yêu cầu, phương pháp dạy học, tiếp cận chương trình, sách giáo khoa, cách kiểm tra, đánh giá, tương tác với học sinh.
“Đây là thay đổi lớn nên cần quá trình. Ngành Giáo dục và nhà trường phải hỗ trợ, chia sẻ thì giáo viên mới có thể hoàn thiện, phục vụ tốt cho công việc. Chúng tôi cũng rất cần được chia sẻ, đồng hành, tôn trọng từ phía xã hội và phụ huynh”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết: Song hành với đó, để giảm áp lực học hành cho học sinh và phụ huynh, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tiếp tục nghiêm cấm giáo viên bớt giờ, nội dung để ép buộc phụ huynh phải cho con học thêm; vi phạm điều lệ trường học và đạo đức nhà giáo.
Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội được tổ chức tháng 10/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chỉ ra thực tế, ngành Giáo dục nắm tất cả mọi thứ, trừ 2 thứ: Một là giáo viên, hai là tài chính.
Chia sẻ khó khăn, áp lực đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Giáo dục và thầy cô, trong những ngày này, mọi cấp, mọi ngành, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, các thế hệ học sinh tổ chức các hoạt động hướng đến các nhà giáo với tấm lòng tôn kính và những tình cảm chân thành nhất. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 thể hiện đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo”. Truyền thống tốt đẹp đó đã trở thành một đạo lý cao cả, thiêng liêng, thấm sâu vào trong nhận thức, tình cảm của mỗi người. Đã từ lâu, Ngày Nhà giáo Việt Nam không chỉ là ngày hội của riêng ngành Giáo dục mà còn là ngày hội lớn của toàn xã hội, nhằm tôn vinh, động viên, khích lệ về cả vật chất lẫn tinh thần các thầy cô giáo - những người làm công tác giáo dục. Mong thầy cô giáo vượt qua mọi khó khăn, áp lực của cuộc sống, thi đua dạy tốt, rèn luyện phẩm chất trong sáng để “mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”./.