Trước đó, ngày 26/01/1946, với tư cách là Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố Quốc lệnh quy định 10 điều thưởng, 10 điều phạt; Ngày 6/6/1947, Bác ký Sắc lệnh số 58/SL quy định thưởng 3 loại Huân chương bậc cao, đó là: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập. Ngày 17/9/1947, Bác ký Sắc lệnh số 83/SL thành lập Viện Huân chương trực thuộc Phủ Chủ tịch;
Lời kêu gọi Thi đua ái quốc là sự tổng kết thực tiễn sâu sắc, đồng thời đặt ra những yêu cầu quan trọng, cấp thiết, thiết thực đối với phong trào cách mạng nước ta, trong đó, nêu rõ, mục đích thi đua: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm; nhằm mục đích: Toàn dân đủ ăn, đủ mặc; toàn dân biết đọc, biết viết; bộ đội thì đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt ngoại xâm và cao nhất là toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn.
Để đạt mục đích đó, Bác chỉ ra ai phải thi đua và thi đua làm gì: Các cụ phụ lão đốc thúc con cháu hăng hái tham gia công việc; các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn; lực lượng phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp; đồng bào công nông thi đua sản xuất; anh em trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh; nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân; bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng. Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Sau này, nhiều lần Người nhắc lại như một khẳng định “Yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”
Theo lời dạy của Người, trong các cuộc kháng chiến nhiều phong trào thi đua do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng đã mang lại những kết quả thiết thực và đi vào tiềm thức của mỗi người dân, như: “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo cứu đói”, “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm”, “Diệt giặc dốt, giặc đói”, phong trào giúp đỡ bộ đội, thương binh, gia đình liệt sĩ, trong nhân dân; phong trào “Người tốt, việc tốt”, phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người ”v.v.v…Chính các phong trào thi đua yêu nước đó đã thúc đẩy cách mạng Việt Nam, một ngày bằng 20 năm làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử, thu non sông về một mối; mở ra cơ hội phát triển cho đất nước, dân tộc. Trong thời kỳ xây dựng đất nước “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như hoài bão lớn lao của Người nhiều phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”…Phong trào “Dạy tốt, học tốt”, “Thực hiện 12 điều y đức”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”…“Thi đua quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc” gắn với phong trào “Học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân”…Với phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; với thanh niên” thì "Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc" ; "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp" …Nhiều lắm những phong trào mà trong khuôn khổ bài viết không thể kể hết.
Mỗi phong trào thi đua ra đời trong điều kiện cụ thể, nhưng tựu trung: là khơi dậy sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người Việt Nam yêu nước, để làm nên câu chuyện lịch sử “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
75 năm đã qua, nhưng hào khí lời kêu gọi thi đua yêu nước của Người thì còn vang mãi.
Phong trào thi đua đã tạo ra không khí mới, luồng gió mới và những khởi sắc mới rất đáng trân trọng. Thi đua luôn gắn với công việc hằng ngày của mỗi người và đã đem lại niềm vui cho mỗi người, cho cơ quan, đơn vị. Để rồi cũng công việc ấy, điều kiện ấy nhưng với tinh thần thi đua đã làm cho tiến độ công việc được đẩy nhanh, chất lượng công việc tốt hơn và đó cũng là cách tốt nhất, để làm cho mọi người tiến bộ, trưởng thành. Nguyễn Trí Ánh