|
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN): Ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là đợt bùng phát lần thứ 4 vừa qua, khó khăn về kinh tế có thể làm tình hình “tín dụng đen” trở nên căng thẳng hơn. |
Đây là ý kiến đáng chú ý được nêu ra tại hội thảo: "Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức" do Báo Lao động tổ chức chiều 12/11 tại Hà Nội.
Mạnh tay với các đối tượng cho vay nặng lãi
Trong thời gian qua, các hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” đã ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh, trật tự tại nhiều địa phương. Nhiều người lỡ rơi vào bẫy “tín dụng đen” đã phải tán gia bại sản vì khoản lãi khổng lồ được cộng dồn mỗi ngày. Có trường hợp một số đối tượng cho vay với lãi suất 100%/năm, thậm chí có nơi còn lên tới 300%/năm.
Trước vấn nạn này, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.
Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Trọng án (Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an) cho biết sau 2 năm triển khai Chỉ thị 12, đã đạt được một số kết quả nhất định. Các đối tượng cho vay và đòi nợ không còn hoạt động công khai, lộng hành như trước; nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân từng bước được nâng cao.
Theo thống kê, hiện toàn quốc có 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an các địa phương đã cấp mới 2.436, thu hồi 175 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh dịch vụ cầm đồ, phát hiện 2.736 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính số tiền 7,728 tỷ đồng.
Qua công tác nghiệp vụ, Công an các địa phương đã rà soát, phát hiện 6.664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3.667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao.
Lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện 1047 các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng đen với 1.718 đối tượng, đã khởi tố 554 vụ/990 bị can; Xử phạt hành chính 375 vụ/593 đối tượng. Gồm các tội danh: Giết người; Cố ý gây thương tích; Làm nhục người khác; Bắt, giữ, giam người trái pháp luật; Xâm phạm chỗ ở người khác; Cướp tài sản…
Phân tích thêm một số nguyên nhân khiến người dân tìm đến “tín dụng đen”, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, một số trường hợp các nhu cầu vay vốn tiêu dùng cấp bách thường khó chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ.
Đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát như thời gian qua thì việc thẩm định cho vay lại càng khó khăn hơn do khách hàng khó chứng minh khả năng trả nợ....
Tăng cường nhận diện, đấu tranh với thủ đoạn mới
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hiện nay, các đối tượng cho vay nặng lãi đã chuyển sang sử dụng công nghệ cao, vay tiền qua website, vay tiền qua ứng dụng đã làm cản trở công tác đấu tranh với “tín dụng đen”.
Các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng liên quan đến hoạt động tín dụng đen ngày càng gia tăng phức tạp. Trong khi đó, các giải pháp quản lý nhà nước trên không gian mạng còn hạn chế, nhất là trong việc định danh số tài khoản mạng xã hội, ngăn chặn các số thuê bao không chính chủ, kiểm soát các ứng dụng điện thoại (app), website có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi.
Theo ông Đào Minh Tú, mặc dù các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Tuy nhiên một số bộ phận người dân còn tìm đến vay tiền từ “tín dụng đen” do để phục vụ nhu cầu vay vốn không hợp pháp, như cờ bạc, kinh doanh phi pháp,... hoặc do thói quen tiêu dùng, tâm lý e ngại tiếp xúc với ngân hàng.
“Ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là đợt bùng phát lần thứ 4 vừa qua, khó khăn về kinh tế có thể làm tình hình “tín dụng đen” trở nên căng thẳng hơn. Có hiện tượng người có tiền nhàn rỗi sử dụng vào việc cho vay nặng lãi do việc đầu tư kinh doanh gặp khó khăn”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú lưu ý.
Lãnh đạo NHNN nêu một số giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trọng tâm theo Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, Bộ Công an cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng tham gia đường dây, có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” hoặc các đối tượng tham gia giới thiệu, tuyên truyền cho “tín dụng đen; có giải pháp phù hợp cho phép sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân trong việc xác thực khách hàng để giúp các TCTD giảm chi phí, hạ lãi suất, tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là người dân thuộc nhóm dễ bị ảnh hưởng của “tín dụng đen”.
UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, phục vụ đời sống; hỗ trợ các ngân hàng trong quá trình thẩm định, xác minh đối tượng, nhu cầu vay vốn của người dân; kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong xử lý tài sản bảo đảm nhằm tăng khả năng cung ứng vốn tín dụng chính thức hiệu quả hơn.
Về phía các TCTD, cần mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, DNNVV; đồng thời phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng thuận lợi, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thiên tai, dịch bệnh hoặc khi người dân gặp khó khăn; giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất hợp lý; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay…
Đáng chú ý, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông quan tâm phối hợp với ngành công an, ngành ngân hàng đa dạng hoá các phương thức tuyên truyền, phổ biến, để bà con hiểu rõ các chính sách, chương trình, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng chính thức; cảnh báo sớm các phương thức thủ đoạn mới của hoạt động “tín dụng đen”.
Ông Lê Ngọc Lâm – Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN về việc đầy lùi tín dụng đen, BIDV đã liên tục triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng, đặc biệt là các mục đích vay vốn phục vụ tiêu dùng, nhu cầu đời sống chính đáng của khách hàng, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Cụ thể: BIDV đã triển khai chiến lược theo hướng đẩy mạnh hoạt động ngân hàng bán lẻ. Trong giai đoạn 10 năm gần đây, dư nợ bán lẻ đã tăng từ 38.000 tỉ đồng năm 2011 (chiếm 13,3% tổng dư nợ tín dụng BIDV) lên xấp xỉ 496.000 tỉ đồng tại thời điểm 31/10/2021 (chiếm tỷ trọng xấp xỉ 38% tổng dư nợ tín dụng BIDV).
Còn ông Phan Cử Nhân - Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền Thông Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) cho hay: NHCSXH đã có hàng loạt giải pháp nhằm mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen như: nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/ hộ vay không phải đảm bảo tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi…
|
Anh Minh