|
Diễn đàn “Logistics Việt Nam - Chuyển mình phát triển" |
Đó là phát biểu của ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn “Logistics Việt Nam - Chuyển mình phát triển" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và SEA Logistic Partners (SLP Việt Nam) phối hợp tổ chức ngày 19/10 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Phó Chủ tịch VCCI, nằm trong khu vực kinh tế phát triển năng động, nơi giao lưu của nhiều luồng hàng hoá trên thế giới, Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics. Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng ngành logistics, với nhiều giải pháp toàn diện, thể hiện rõ cam kết của Chính phủ nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm bớt chi phí logistics. Dưới sự quan tâm của Chính phủ cũng như những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể.
Trong điều kiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và rất nhiều các biến động về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng và an ninh trên thế giới, logistics đang thể hiện vai trò quan trọng trong việc liên kết chặt chẽ các bên liên quan, duy trì và chống đứt gãy chuỗi cung ứng, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững. Bất chấp sự ảnh hưởng từ COVID-19, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, cơ hội đến từ logistics cho thương mại điện tử, những hiệp định thương mại tự do (FTA) và những điều kiện chúng ta được thụ hưởng sẽ là cơ sở phát triển ngành logistics nói riêng và các ngành khác cho sự phát triển của doanh nghiệp nói chung.
“Trong giai đoạn hiện tại, ngành logistics cũng đã gặp một số khó nhăn nhất định, chuỗi cung ứng đứt gãy, sự liên kết và đa phần các doanh nghiệp trong ngành thuộc quy mô nhỏ và vừa năng lực tận dụng các cơ hội cũng có những hạn chế nhất định. Do đó, cần có sự liên kết chuỗi chặt chẽ hơn, có sự đồng tâm vạch ra định hướng cho sự phát triển của ngành.
Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng logistics chưa đồng bộ, còn phân tán, thiếu tính kết nối giữa các khâu từ vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu tới lưu trữ kho bãi và quản trị chuỗi cung ứng. Quy mô và phạm vi dịch vụ các trung tâm logistics còn hạn chế, chủ yếu phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp hoặc trong phạm vi mang tính địa phương, chưa phát triển đến quy mô phục vụ 1 ngành hoặc 1 vùng kinh tế.
Chính vì vậy, ngành logistics Việt Nam đang đứng trước yêu cầu đổi mới, cần có giải pháp và tầm nhìn tổng thể, định hình hướng đi mới để bắt kịp với xu hướng thế giới, tạo bước đột phá cho phục hồi kinh tế - xã hội trong những năm tới đây”, ông Hoàng Quang Phòng nói.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lê Huy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cũng cho rằng, dịch vụ logistics là một ngành trọng yếu, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và đời sống xã hội của nước ta. Tuy nhiên, trên thực tế việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số của ngành còn nhiều hạn chế từ tư duy, nhận thức đến năng lực tiếp nhận và nguồn tài chính.
“Chúng ta chưa có một nền tảng số thích hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics với hơn 90% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh doanh 17 loại hình dịch vụ logistics khác nhau theo quy định tại Nghị định 163/2017/NĐ - CP năm 2017 của Chính phủ” - ông Lê Huy Hiệp cho biết.
Cuộc CMCN 4.0 đã làm xuất hiện nhiều dịch vụ phát sinh đặc biệt. Thị trường cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam và thế giới cạnh tranh gay gắt khi thương mại điện tử phát triển vượt bậc với các hình thức dịch vụ logistics tiên tiến như E-logistics, Green logistics… khiến cho chi phí dịch vụ của doanh nghiệp logistics của Việt Nam còn tương đối cao. Chưa kể, việc thiếu tính chuyên nghiệp, tự động hoá còn thấp, năng suất thực hiện dịch vụ chưa tiếp cận được các nước tiên tiến, việc ứng dụng công nghệ thông tin và trình độ số hoá chưa cao dẫn đến giảm sức cạnh tranh so với thị trường quốc tế.
"Nhằm tối ưu chi phí và nguồn lực của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc chuyển đổi số cho ngành dịch vụ logistics, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chuyên ngành và các doanh nghiệp liên quan dưới sự chỉ đạo của VCCI tổ chức diễn đàn “Logistics Việt Nam - Chuyển mình phát triển” - ông Hiệp nói.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam hy vọng, đây là một cơ hội tốt tranh thủ ý kiến đóng góp của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức liên quan và ý kiến phản hồi, kiến nghị của các doanh nghiệp để xác định các điểm nghẽn và yêu cầu trong hoạt động chuyển đổi số của ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Trên cơ sở đó, kịp thời rút ra bài học kinh nghiệm và giải pháp tốt nhất để nâng cao hiệu quả ngành dịch vụ logistics.
Diễn đàn là dịp kết nối cộng đồng doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn vướng mắc về ứng dụng công nghệ, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ logistics như yêu cầu đã được đưa ra tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VIII là “ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến”, “nâng cao chất lượng dịch vụ logistics”.
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp hội viên trong việc chuyển đổi số và đạt được kết quả bước đầu. “Sau Diễn đàn này, VLA mong Chính phủ có các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics chuyển đổi số như các kiến nghị của Hiệp hội tại Diễn đàn” - ông Lê Huy Hiệp bày tỏ./.