Logistics sẽ là thiên đường cho khởi nghiệp sáng tạo 

(Chinhphu.vn) - Chính phủ thúc đẩy logistics và các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc giảm chi phí, giá thành hàng hóa nói chung, trong đó có nông sản và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn. Ảnh VGP/Thành Chung

Bộ Công Thương, Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn logistics Việt Nam 2019 với chủ  đề Logistics nâng cao giá trị nông sản đang diễn ra tại Đà Nẵng.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại và logistics (Ủy ban 1899), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước.

Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết một trong những giải pháp để Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản của khu vực thì cần phát triển ngành logistics để đóng góp vào chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp, từ các khâu sản xuất, nguyên liệu, thu mua đầu vào, chế biến, lưu thông, xuất khẩu, tạo ra giá trị cho các doanh nghiệp liên quan, người dân và nhà nước.

Tuy nhiên, nút thắt của ngành nông nghiệp là khâu chế biến khi chỉ có 7.700 cơ sở chế biến công nghiệp, phần lớn là quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Chính vì vậy, không đủ sức để tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất nông sản ở khắp các vùng sản xuất nông nghiệp, đồng thời làm gia tăng chi phí cho nông sản.

 

Ảnh VGP/Thành Chung

Cụ thể, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 20,9% giá trị hàng hóa, cao gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển, trong đó chi phí vận tải chiếm tới 60%. Chi phí logistics cho rau quả chiếm 30% và tương đương đối với gạo. Ví dụ tổng giá trị xuất khẩu gạo năm 2018 là 3,1 tỷ USD thì chi phí logistics đã chiếm tới khoảng 1 tỷ USD, làm tăng giá nông sản, giảm khả năng cạnh tranh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khái quát rằng: Hàng hóa nông sản Việt Nam là “to”- cồng kềnh, “thô”- không qua chế biến và “rẻ”- giá trị thấp do thiếu sự tham gia logistics. Nhưng ông Cường cho rằng không nên coi logistics là ngành trung gian mà phải là một ngành kinh tế, mang lại giá trị gia tăng cho các thành phần liên quan.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thì cho rằng chi phí để 1kg tôm từ miền Nam tới tay người tiêu dùng miền Bắc còn cao hơn chi phí 1kg tôm từ Ecuado (châu Mỹ) về Việt Nam.

Để phát triển logistics phục vụ cho chuỗi giá trị nông sản, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho rằng cần đưa yếu tố “lạnh” vào chuỗi này, tức là xây dựng và phát triển các trung tâm logistics có các kho bảo quản lạnh để giữ cho nông sản tươi lâu hơn khi tới tay người tiêu dùng.

Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Ngân hàng Thế giới Phạm Minh Đức dẫn một báo cáo mới công bố gần đây của tổ chức này khẳng định chuỗi giá trị nói chung và chuỗi nông sản là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của toàn cầu.

WB khuyến nghị Việt Nam cần gắn các chính sách đầu tư hạ tầng giao thông với chính sách thương mại và chuỗi giá trị, xây dựng bộ dữ liệu cần thiết về logistics.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh công bố Báo cáo Logistics Việt Nam 2019. Ảnh VGP/Thành Chung

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020 đã xác định mục tiêu tốc độ tăng trưởng dịch vụ nói chung phải cao hơn tốc độ tăng GDP và trong phát triển dịch vụ thì  ưu tiên phát triển các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hiện đại và có tính hội nhập quốc tế, trong đó có dịch vụ logistics. Thủ tướng Chính phủ cũng ra Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh logistics tới năm 2025.

Tuy nhiên, thực trạng ngành kinh tế này ở Việt Nam đang “ngược” so với thế giới khi chi phí xã hội bỏ ra thì cao (chiếm khoảng 20% giá trị hàng hóa) nhưng đóng góp cho GDP thì lại không tương xứng (ước chỉ 2, 3% - PV).

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc Chính phủ thúc đẩy logistics và các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc giảm chi phí, giá thành hàng hóa nói chung, trong đó có nông sản và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

 

Phó Thủ tướng chứng kiến Lễ ký bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp. Ảnh VGP/Thành Chung

Phó Thủ tướng tin tưởng rằng công nghệ thông tin sẽ làm logistics “cất cánh” được ở Việt Nam trên các nền tảng robot tự làm, định vị dẫn đường, giám sát, ứng dụng quét mã vạch trong quản lý kho bãi, tối ưu hóa tồn kho dựa trên công nghệ điện toán đám mây, tích hợp dịch vụ quản lý đơn hàng, bán hàng trực tuyến,...

“Ngoài các ứng dụng công nghệ thì các doanh nghiệp cần thay đổi mô hình, phương thức kinh doanh là rất quan trọng để tiết giảm tối đa chi phí, tối ưu hóa lợi ích. Logistics sẽ là thiên đường cho khởi nghiệp sáng tạo”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ và Chính phủ sẽ đưa vào dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) cơ chế sandbox để cho phép thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới.

Về hạ tầng để phát triển logistics, Phó Thủ tướng cho rằng cần tập trung hoàn thiện kết nối Bắc- Nam, ưu tiên cho cao tốc đường bộ tới từng tỉnh trong giai đoạn 2021- 2025. Bên cạnh đó là quan tâm tới kết nối Đông - Tây để sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, đường bộ, cảng biển của các vùng và cả nước cũng như các quốc gia trên Hành lang kinh tế  Đông- Tây,...

Thành Chung

440 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 299
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 299
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87585704