Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị .

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị “Phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng - nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng” do Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng tổ chức tại Hải Phòng, sáng ngày 12/7.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong các chỉ đạo của Chính phủ và một loạt đề án lớn đều nhấn mạnh đến vai trò đóng góp có ý nghĩa quan trọng của Hải Phòng không chỉ như một đầu tàu, hạt nhân trong liên kết vùng, mà còn là trong công cuộc phát triển bền vững, đặc biệt trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng với thế giới. Đặc biệt, Hải Phòng dựa trên lợi thế về địa chính trị của mình để thực hiện hoạt động liên kết và phát triển về logistics.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện nay, chúng ta đang hội nhập sâu rộng và chủ động với thế giới. Trong hội nghị lần trước khi  về làm việc tại Hải Phòng thì chúng ta còn đang bàn đến những cơ hội và dự báo những triển vọng, những điều kiện thuận lợi của hội nhập, nhất là những nỗ lực để thúc đẩy ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Nay chúng ta đã có những điều đó và nó là hành trang để chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới.

Vì vậy, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Hải Phòng là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, từ rất sớm đã thể hiện vai trò của mình trong hoạt động công nghiệp hóa, cũng như phát triển thương mại, dịch vụ và logistics. Hải Phòng đã thật sự có nền tảng bài bản trong cả chính sách cũng như quan điểm phát triển. Chính vì vậy, biết tới Hải Phòng hiện nay như là trung tâm kinh tế công nghiệp, trung tâm thương mại dịch vụ, đồng thời trở thành một trung tâm dịch vụ logistics quan trọng của quốc gia.

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng phát biểu tại hội nghị.  

Đại diện cho địa phương, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng chia sẻ thêm, trong các năm gần đây, thành phố Hải Phòng là một điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế xã hội, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và đột phá, với tổng sản phẩm trên địa bàn hằng năm từ 14 - 16%, gấp hơn 2,5 lần bình quân chung của cả nước, có nhiều chỉ tiêu tăng trưởng từ 20 đến trên 25%, như chỉ số phát triển công nghiệp, xuất nhập khẩu và tổng đầu tư toàn xã hội.

Đặc biệt, Hải Phòng hội tụ đầy đủ những yếu tố để phát triển ngành dịch vụ logistics. Tại Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định Hải Phòng là thành phố đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là đầu mối phát triển của vùng Bắc Bộ, của cả nước, là trọng điểm dịch vụ logistics.  “Việc tổ chức hội nghị ngày hôm nay, sẽ giúp chúng ta phân tích, đánh giá và đưa ra các giải pháp phát huy lợi thế để phát triển dịch vụ logistics, để thành phố Hải Phòng sớm trở thành một trung tâm logistics của cả nước và quốc tế” - đồng chí Nguyễn Văn Tùng bày tỏ.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực logistics, đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng nhìn nhận, logistics là ngành đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và là một ngành dịch vụ có nhiều tiềm năng đem lại giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, đánh giá về ngành logistic tại Việt Nam nói chung, đồng chí Trần Thanh Hải thẳng thắn chia sẻ những hạn chế như tinh chuyên nghiệp và hiệu quả còn thấp; tính kết nối của hạ tầng logistics còn kém, đặc biệt không khai thác được đường sắt vào các cảng và khu công nghiệp; quy hoạch hạ tầng logistics chưa đồng bộ với quy hoạch sản xuất, thương mại, nhiều chỗ manh mún; ứng dụng công nghệ thông tin chưa nhiều...

Hội nghị thu hút sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp và đại diện ban, ngành liên quan.
Đồng chí  Trần Thanh Hải cho biết, 3 trọng tâm logistics của Hải Phòng là dịch vụ cảng; kho bãi, xử lý; trung chuyển - dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, đội ngũ vận hành chuyên nghiệp. Trong đó, vấn đề trung chuyển của Hải Phòng có vai trò rất lớn, thể hiện tính kết nối, làm động lực cho liên kết vùng...Để phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ Hải Phòng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối thị trường logistics; phát triển mô hình logistics cho thương mại điện tử; cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp logistics...

Đại diện Hiệp hội doanh nghệp dịch vụ logistics Việt Nam, ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Thư ký Hiệp hội cũng khuyến nghị cần phát triển Hải Phòng thành trung tâm logistics vùng phía Bắc và cả nước. Từ đây sẽ phục vụ vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và kết nối với vùng phía nam của Trung Quốc bằng cách xây dựng một cơ chế, chính sách đặc thù theo hướng khuyến khích hỗ trợ hoạt động như giải phóng mặt bằng, miễn, giảm giá thuê đất đối với các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng; giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động tại trung tâm logistics mà trong nước chưa sản xuất được...

Tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã chứng kiến Lễ ký kết các thỏa thuận về logistics giữa các doanh nghiệp./.

 

 

Tin, ảnh: Kim Dung