Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Yêu cầu trên được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia), được tổ chức tại Hà Nội vào chiều 21/1.
*Còn tình trạng cán bộ, công chức quan liêu, hách dịch
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP, trong năm 2018 đã xảy ra hơn 53 nghìn vụ xâm phạm trật tự xã hội. Trong đó, tội phạm hình sự tuy được kiềm chế nhưng tính chất vẫn nghiêm trọng, nổi lên là hoạt động của các băng nhóm tội phạm hình sự có dấu hiệu phức tạp trở lại, hoạt động tín dụng đen kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật. Cùng với đó, tội phạm do nguyên nhân xã hội gia tăng, nhiều vụ đối tượng tâm thần, ngáo đá gây án gây lo lắng trong nhân dân. Tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản chiếm trên 50% số vụ phạm pháp hình sự…
Cũng theo Thượng tướng Lê Quý Vương, tội phạm tham nhũng có chiều hướng giảm, nhưng “tham nhũng vặt” vẫn diễn ra trong nhiều lĩnh vực. Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư dự án. Hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới vẫn chưa giảm.
Bên cạnh đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, gây thiệt hại trên diện rộng. Tình trạng trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng internet, mạng xã hội diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn đa dạng. Hoạt động đánh bạc, cá độ bóng đá trên mạng diễn ra nghiêm trọng, số tiền đánh bạc lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Lực lượng Công an đã phối hợp với các lực lượng liên quan làm tốt công tác phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm; kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội; hầu hết các vụ án đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ. Trong đó, Công an và các lực lượng liên quan đã điều tra, khám phá gần 44.000 vụ phạm pháp hình sự; bắt, xử lý trên 87.000 đối tượng (cao hơn 1,9% so với năm 2017); triệt phá trên 2.700 băng nhóm các loại; giải quyết, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 90,22%. Nhờ đó số vụ phạm pháp hình sự đã đã giảm 0,61%.
Lực lượng Công an đã chủ trì phối hợp với các lực lượng liên quan phát hiện 23.000 vụ phạm tội về ma túy, gần 16.000 vụ phạm tội về kinh tế, 378 vụ phạm tội về tham nhũng, trên 2.300 vụ buôn lậu, gần 25.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho thấy, năm 2018, Ban Chỉ đạo các cấp đã chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; tiến hành đồng bộ các biện pháp, đấu tranh hiệu quả, xử lý nghiêm các hiện tượng, vụ việc vi phạm nổi cộm, theo đúng tiến độ và nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo giao; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới và rà soát, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật liên quan, nhằm hạn chế những lỗ hổng dễ bị lợi dụng để buôn lậu. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 203 nghìn vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu nộp ngân sách trên 20.000 tỷ đồng, khởi tố gần 2.000 vụ với hơn 2.300 đối tượng.
Nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng việc tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại là rất quan trọng, đặc biệt là vai trò người đứng đầu. Một số ý kiến đánh giá, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, suy thoái về đạo đức, khiến cho việc phòng chống tội phạm và buôn lậu, hàng giả chưa hiệu quả. Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), thừa nhận, trong những năm qua, lực lượng quản lý thị trường còn bộc lộ nhiều thiếu sót. Công tác nắm thông tin, dự báo thị trường còn bị động. Đặc biệt trong lĩnh vực hàng giả, nắm thông tin, dự báo chuyên sâu còn yếu. Đạo đức công vụ quản lý thị trường đang là vấn đề nổi cộm đáng lo ngại. Thời gian qua báo chí, dư luận cũng phản ánh nhiều vụ việc tiêu cực như công chức quản lý thị trường còn quan liêu, hách dịch gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, cá nhân khi hoạt động công vụ.
*Đề cao trách nhiệm người đứng đầu
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận, công tác phòng chống tội phạm đã được triển khai đồng bộ, tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm tăng cao hơn so với năm 2017. Nhiều mặt công tác đấu tranh phòng chống tội phạm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao, củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được tăng cường. Những kết quả trên đã góp phần làm giảm tội phạm, tạo môi trường xã hội lành mạnh, cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chỉ ra một số hạn chế, Phó Thủ tướng nêu rõ, công tác phòng chống tội phạm là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Nhấn mạnh tới các nhiệm vụ trong năm 2019, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ trong phòng chống tội phạm, gìn giữ an ninh, trật tự; đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Nếu địa bàn nào xảy ra các vụ việc phức tạp, nghiêm trọng kéo dài về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì địa phương đó phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển công tác, bố trí công tác khác. Nếu vi phạm nghiêm trọng đủ mức xử lý hình sự thì xử lý hình sự.
Cùng với đó, nhiệm vụ quan trọng nữa là bảo vệ an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện quan trọng của đất nước. Khi xảy ra tình huống phức tạp về an ninh, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết theo phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ).
Thẳng thắn chỉ rõ, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, có nguyên nhân từ sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí tiêu cực, tham nhũng, bao che tiếp tay từ một số bộ phận cán bộ công chức tha hóa, biến chất, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt” ở các cơ quan hành chính, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức. Cần thiết phải tổ chức phòng chống tội phạm, buôn lậu ngay trong chính lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thuế... Đối với những cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, hoặc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng thì phải điều chuyển và phải xử lý nghiêm theo quy định, bảo đảm nội bộ trong sạch, vững mạnh.
Yêu cầu ngăn chặn, xử lý hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đối với các loại tội phạm có tổ chức, mua bán người, xâm hại trẻ em, ma túy, “tín dụng đen”, sử dụng công nghệ cao, buôn lậu (nhất là các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, rác thải độc hại…) cần xác lập chuyên án để mở rộng xác minh, điều tra triệt phá tận gốc, đánh trúng đối tượng cầm đầu. Các cơ quan điều tra phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án trong điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; kịp thời truy tố, xét xử những vụ án lớn, được dư luận xã hội quan tâm./.
Chu Thanh Vân/TTXVN