Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 7/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh các nội dung: Tiến độ thực hiện dự án đưa điện về nông thôn; vấn đề phát triển điện mặt trời; chính sách mới để phát triển năng lượng sạch; hiệu quả của việc sắp xếp lại bộ máy quản lý thị trường; giải pháp phát triển công nghiệp phụ trợ trong thời gian tới; biện pháp bảo vệ doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước; quản lý các sản phẩm kinh doanh qua mạng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải pháp ngăn chặn tình trạng bán hàng đa cấp biến tướng;...
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: TL
"Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở hay kinh tế hở?"
Trong phiên chất vấn chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trả lời chất vấn của nhiều đại biểu liên quan đến việc hoàn thiện khung pháp lý về dán nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, các cơ chế phòng vệ thương mại...
Tuy nhiên, chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng, tranh luận lại vào sáng 7/11, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị Bộ trưởng cần giải trình rõ hơn về vấn đề hàng hóa nước ngoài đội lốt, hàng nhái, hàng giả, cơ chế phòng vệ thương mại của nước ta. Theo đại biểu Sinh: “Bộ trưởng trả lời rất đúng về nhận định, đánh giá của Chính phủ, của Bộ về nguy cơ hàng nước ngoài lợi dụng các hiệp định thương mại của Việt Nam để mượn đường đi nước thứ 3. Bộ trưởng cũng đã nêu được những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng xử lý vấn đề rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng: Vấn đề quan trọng nhất Bộ trưởng chưa trả lời được đó là lỗ hổng rất lớn về pháp luật. Hàng rào kỹ thuật chưa đủ mạnh để kiểm soát tình hình, đặc biệt là sự công khai, minh bạch về quy định hàng Việt Nam là thế nào.
Cho rằng, chính sự thiếu minh bạch này đã làm xuất hiện những doanh nghiệp như Asanzo, Khải Silk... không biết mình có vi phạm hay không? Như vậy là đẩy người dân và doanh nghiệp vào thế rủi ro rất cao. Liệu "đây có đơn thuần là gian lận thương mại hay không?" đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nêu vấn đề và đề nghị Bộ trưởng cần nói rõ hơn về vấn đề này. Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở hay kinh tế hở? Doanh nghiệp Việt Nam chết ngay trên sân nhà là điều đang diễn ra. Chúng ta sẽ có giải pháp gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hàng hóa của họ trong giai đoạn này?
Lỗ hổng pháp luật khiến xảy ra các vụ Asanzo, Khải Silk
Trả lời chất vấn của các đại biểu về quản lý xuất xứ, chứng nhận xuất xứ của Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay chúng ta đang thực thi hàng loạt các quy định của luật pháp rất quan trọng liên quan đến vấn đề tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như thực thi trong hoạt động xuất, nhập khẩu.
Cụ thể, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Hải quan và các Nghị định hướng dẫn phạm vi quản lý địa bàn hải quan cũng như các hàng hoá nhập khẩu liên quan đến Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế, Pháp lệnh Quản lý thị trường, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá và Nghị định 43 cũng trong khuôn khổ của luật này…
“Tại sao tôi nói nhiều văn bản quy phạm pháp luật này, bởi vì nó đều liên quan đến việc điều chỉnh các hoạt động thương mại trong nước cũng như liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế”, Bộ trưởng giải thích.
Trước hết, đối với Luật Quản lý ngoại thương, Luật Cạnh tranh, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đang thực thi chức năng quản lý nhà nước; đã thực hiện việc báo cáo với Chính phủ ban hành Nghị định 71 quy định chi tiết của Luật Quản lý ngoại thương.
Theo Bộ trưởng, đây là Nghị định rất quan trọng, hướng dẫn cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý về thương mại quốc tế và cấp giấy chứng nhận xuất xứ (CO) có cơ sở cấp xuất xứ của Việt Nam cho các sản phẩm của chúng ta xuất khẩu đi các thị trường mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thương mại về thuế quan trong Hiệp định đó. Bộ Công Thương cũng đã có những hướng dẫn và thông tư cụ thể để cụ thể hóa những việc tổ chức triển khai thực hiện cũng như tăng cường kiểm soát việc cấp CO chứng nhận xuất xứ này.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới cộng đồng doanh nghiệp để phòng tránh ngăn chặn về hành vi chuyển tải hàng hoá và gian lận thương mại. Đặc biệt, để chủ động hơn nữa trong bối cảnh mới khi chúng ta đang phải đối mặt nhiều nguy cơ gian lận hàng hóa của các nước ngoài đối với xuất xứ của Việt Nam trong thương mại quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định số 824 ngày 4/7/2019 là Đề án để tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.
Mục tiêu là tăng cường quản lý nhà nước đối với tất cả các khâu trong liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu và đầu tư của nước ngoài để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại. Bộ Công Thương cũng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để quy định cụ thể về xuất xứ hàng hoá lưu thông trong nước.
Báo cáo rõ hơn với Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, ngoài các văn bản và Nghị định 31 hướng dẫn về Luật Quản lý ngoại thương thì còn có Nghị định 43 để quy định những nội dung điều chỉnh trong việc chứng nhận nhãn mác, ghi nhãn mác cũng như các hàng hóa sản phẩm lưu thông trong nước. Tuy nhiên, Nghị định 43 giao trách nhiệm cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất tự kê khai và ghi nhãn mác hàng hóa cũng như phần xuất xứ hàng hoá và để phục vụ cho lưu thông trong nước, thị trường trong nước.
Chính vì vậy, trong một thời gian dài đã diễn ra bước đầu những hành vi có dấu hiệu gian lận thương mại và gian lận xuất xứ lừa dối người tiêu dùng. Chúng ta đã từng chứng kiến vụ Khải Silk trong một thời gian trước kia cũng như sau này có những câu chuyện chưa rõ ràng trong hướng dẫn về ghi xuất xứ với hàm lượng như thế nào trong phần giá trị gia tăng của sản xuất nội địa, dẫn đến có vướng mắc cho một số doanh nghiệp mà trong đó đã chứng kiến câu chuyện như của Asanzo.
Chính vì vậy, ngay từ năm 2018, Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để đề xuất việc xây dựng một văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể hơn nữa việc ghi chứng nhận xuất xứ cho các sản phẩm hàng hoá sản xuất tại Việt Nam và lưu thông tại thị trường trong nước.
“Đây xác định là một việc khó nên Bộ Công Thương cũng đã báo cáo và xin ý kiến các bộ, ngành để tổ chức xây dựng Thông tư dưới hình thức mở và có sự tham gia đóng góp ý kiến của các bộ, ngành, cơ sở pháp lý cũng như cả về nội dung điều chỉnh trong các chủ thể của hoạt động này”, Bộ trưởng cho biết.
Sau gần 1 năm xây dựng đã hoàn thành dự thảo Thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm lưu thông tại thị trường trong nước và đang tổ chức lấy ý kiến đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông và tổ chức lấy ý kiến phản biện của xã hội, của doanh nghiệp, của người dân, của các tổ chức. Hiện nay, dự thảo này đã qua 2 vòng, có thể nói những ý kiến đóng góp đa dạng và đầy đủ.
Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Thông tư phải nghiên cứu kỹ hơn nữa để tránh tình trạng có thể ảnh hưởng đến các lợi ích của chúng ta trong các hoạt động thương mại quốc tế. Bởi vì cả Thông tư này và các Thông tư hướng dẫn Nghị định 31 sẽ đều có chung nền tảng là dựa trên bộ quy tắc xuất xứ và của Tổ chức thương mại thế giới và hải quan đã hướng dẫn. Nếu như các tổ chức nước ngoài và chúng ta có thể căn cứ vào việc này để siết chặt hoặc gây khó khăn trong việc được chứng nhận ưu đãi các sản phẩm xuất khẩu đi nước ngoài có xuất xứ Việt Nam thì đây là vấn đề phải nghiên cứu.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng giải trình thêm, tùy trong từng lĩnh vực trong từng ngành sản xuất các sản phẩm hàng hóa lại có những đặc thù, có tính chất khác nhau. Vì vậy, cơ sở như thế nào để tạo ra giá trị gia tăng thực sự hữu ích và cần thiết để đảm bảo quá trình hội nhập và phát triển trong giai đoạn tới đây sẽ bền vững và đạt được yêu cầu vẫn còn đang được đặt ra với dự thảo Thông tư này.
“Chúng tôi đang rất cầu thị để tiếp tục cùng với phối hợp với Ban soạn thảo và các bộ, ngành, các cơ quan chức năng để tiếp thu ý kiến đóng góp sơ bộ bước đầu, để tiếp tục hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đã đến lúc phải “rung chuông cảnh báo” hay chưa?
Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) nêu thực trạng tăng trưởng đột biến của một số ngành hàng hiện nay và cho rằng, cử tri có quyền đặt câu hỏi tới Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về việc mua bán, tàng trữ hàng hóa gian lận về xuất xứ, giả về chất lượng, giả về thương hiệu buôn lậu trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng trung chuyển hàng hóa qua Việt Nam hiện nay đang ở mức độ nào? Đã đến mức phải “rung chuông cảnh báo” cho người tiêu dùng và các cơ quan chức năng hay chưa?
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) tranh luận tại phiên chất vấn. Ảnh: TL
Dư luận cho rằng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư làm ăn liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, các nước đang bị Mỹ, EU trừng phạt thương mại sẽ lợi dụng thị trường Việt Nam, chính sách xuất khẩu của Việt Nam. Vi phạm điều này dẫn đến hệ luỵ là Việt Nam sẽ là nạn nhân bị các nước điều tra áp thuế chống phá giá và áp thuế tự vệ, làm thiệt hại trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính.
Bên cạnh đó, ở thị trường trong nước hiện nay đang thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì các doanh nghiệp lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng làm giả thương hiệu, làm giả về xuất xứ để lừa dối người tiêu dùng.
Con số 7,9% tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội bền vững và có thực sự là nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam hay không?
Nguy cơ gian lận thương mại còn rất lớn
Trả lời tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, để thực hiện cơ chế phòng vệ thương mại, hiện đã có danh mục 25 mặt hàng cảnh báo có nguy cơ có gian lận thương mại trong thương mại với Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
Tại sao chỉ có đưa ra 25 mặt hàng có nguy cơ này? Bởi chúng ta chưa có cơ sở, cần các cơ quan chức năng giám sát và kiểm tra thực tế trong các hoạt động thương mại quốc tế thì mới có thể phát hiện những hoạt động gian lận này.
Việc ngăn chặn các hoạt động gian lận này ngay từ trong các hoạt động đầu tư là rất khó thực hiện để vừa đảm bảo môi trường đầu tư, vừa đảm bảo được hiệu quả trong chính sách về xử lý gian lận thương mại.
Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần sự phối hợp và vào cuộc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng để hướng dẫn cho các địa phương trong giám sát đầu tư thực hiện chuyển tải bất hợp pháp.
Việc lợi dụng gian lận thương mại trong thương mại quốc tế đã có một số trường hợp, nguy cơ còn rất lớn, nguy cơ này đã hiện hữu. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Đề án 804 đưa ra hàng loạt các biện pháp khác, cũng như biện pháp phối hợp với các nước đối tác để kiểm soát. “Chúng ta không bị động và đang triển khai quyết liệt”, Bộ trưởng khẳng định.
Chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm, không vô cảm, thờ ơ
Thừa nhận đã có hiện tượng mua sản phẩm hàng hóa nước ngoài dán mác Việt Nam, lắp ráp tại Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, đây là hành vi xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng, cũng như vi phạm Luật Tiêu chuẩn chất lượng đo lường, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đây thực sự là hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, làm hàng giả, hàng nhái. Chúng ta đang tổ chức đấu tranh rất kiên quyết chống lại những hiện tượng này. Các lực lượng của 389 quốc gia, trong đó có cả quản lý thị trường cũng phải quyết liệt.
Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng cũng thống nhất với quan điểm của các đại biểu Quốc hội về việc cần có cơ sở pháp lý để điều chỉnh các hành vi liên quan đến lợi dụng gian lận xuất xứ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Dự thảo Thông tư Bộ Công Thương xây dựng cũng hướng đến mục tiêu này.
“Chúng tôi cũng nói luôn là không phải chúng tôi không quyết tâm hoặc không mong muốn làm cái này với sự quyết liệt của mình thực sự. Đây là vấn đề phức tạp, mới được hai tháng nay, ý kiến cũng rất đa dạng, nhiều chiều về nhiều khía cạnh kỹ thuật, đòi hỏi phải có sự cân nhắc. Chúng tôi cam kết với các đại biểu Quốc hội và cử tri là sẽ làm hết trách nhiệm, chứ không phải thiếu kiên quyết hoặc có thái độ vô cảm, kiên quyết, không thờ ơ.
Trong cuối năm nay, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan, trong đó Bộ Tư pháp để rà soát lại tính chất pháp lý cũng như cơ sở của nó và phạm vi điều chỉnh và hiệu quả của nó để đảm bảo văn bản pháp quy này được ban hành và sẽ có hiệu lực hiệu quả và đi vào cuộc sống”, Bộ trưởng nói./.
Đỗ Thoa