Hình thức livestream là một trong những hình thức quảng cáo sản phẩm và bán hàng. Trong thời gian gần đây các hình thức livestream được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng khá phổ biến và rộng rãi để hỗ trợ cho việc kinh doanh.
Những tính năng nổi bật của hình thức này như tiếng động, hình ảnh, hoạt động giao tiếp trực tiếp giữa người bán và người mua qua mạng internet nhằm mục đích quảng cáo, tăng hiệu ứng từ người xem, người mua hàng.
Doanh thu qua các phiên livestream trên mạng được thông tin trên mạng xã hội, báo chí trong thời gian vừa qua có thể hiểu là thống kê sơ bộ số lượng phản hồi (comment) đặt hàng từ người dùng trên mạng với phiên livestream, tuy nhiên số liệu này chưa được xác định là doanh thu bán hàng thực theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, doanh thu thực của phiên livestream cũng bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như: các hoạt động livestream cũng có thể sử dụng các công cụ, ứng dụng để tạo ra các phản hồi nhằm mục đích quảng cáo, tăng hiệu ứng từ người xem, người mua hàng; doanh thu cũng bị ảnh hưởng do việc hủy đơn của khách hàng sau khi bán hàng.
Theo quy định pháp luật thuế hiện hành, việc kê khai, nộp thuế của các bên liên quan trong phiên livestream như sau:
Các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa thông qua phiên livestream: Thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo nguyên tắc tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm và xuất hóa đơn đầy đủ khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Các cá nhân khác (blogger, tiktoker, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội,…) được trả hoa hồng từ việc thực hiện livestream bán hàng. Các cá nhân này sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần với 07 bậc (từ 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%). Trường hợp khoản hoa hồng này được trả cho đối tượng là hộ kinh doanh thì được tính là doanh thu từ hoạt động kinh doanh nếu hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh với ngành nghề phù hợp, có đăng ký thuế hộ kinh doanh và đang được cơ quan thuế quản lý thuế theo hình thức hộ khoán ổn định hoặc là hộ kê khai, trường hợp này hộ kinh doanh khai nộp thuế theo mức thuế 7% (5% thuế GTGT và 2% thuế TNCN).
Đối với các trường hợp cá nhân hưởng hoa hồng thuộc diện điều chỉnh thuế TNCN từ tiền lương tiền công, các tổ chức, doanh nghiệp chi trả hoa hồng có trách nhiệm khai thuế, khấu trừ thuế TNCN từ tiền lương, tiền công theo quy định.
Thu thuế livestream bán hàng còn khó khăn
Việc đưa vào quản lý thuế đối với các KOL (Người có sức ảnh hưởng), KOC (Người tiêu dùng chủ chốt), Youtuber, Tiktoker và người nổi tiếng nhận thu nhập từ việc thực hiện review, quảng cáo và có các phiên livestream lớn để bán các sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội còn gặp khó khăn.
Hoạt động bán hàng từ lĩnh vực livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok… đang thành xu hướng kinh doanh mới, tuy nhiên với sự hỗ trợ của công nghệ thì nhiều phiên livestream diễn ra tự phát và kết thúc nhanh chóng, khi xong là người livestream xóa đường link. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý xác định thông tin của đơn vị livestream và giá trị hàng hóa giao dịch qua phiên livestream.
Đối với người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử có thuê các đơn vị cung cấp dịch vụ giao nhận thu hộ tiền bán hàng (COD), cơ quan thuế đề nghị các đơn vị giao nhận này cung cấp danh sách người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử (chi tiết theo: tên doanh nghiệp, cá nhân; mã số thuế; số tiền thu hộ, hợp đồng thuê các đơn vị giao nhận thu hộ tiền,…) nhưng các đơn vị giao nhận chưa cung cấp hoặc có cung cấp nhưng không đầy đủ thông tin. Do đó, việc xác định được chính xác tên tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nói chung hay người bán hàng qua hình thức livestream nói riêng để quản lý thuế thương mại điện tử theo quy định hiện hành là khó khăn cho cơ quan thuế.
Khi xác định được các đối tượng bán hàng qua hình thức livestream và các đối tượng này được cơ quan thuế thông báo để làm việc. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp các đối tượng không hợp tác hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin liên quan đến doanh thu, số lượng đơn hàng, loại mặt hàng,… Do đó, rất khó khăn cho cơ quan thuế địa phương trong việc xác định doanh thu và số thuế phải nộp, tốn nhiều nguồn nhân lực trong việc rà soát, kiểm tra và xác định.
Cơ quan thuế có thông tin về người nộp thuế có hoạt động bán hàng qua hình thức livestream, có thông tin số tài khoản ngân hàng của người nộp thuế, thực hiện văn bản đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin. Trong khi có nhiều tài khoản ngân hàng của người nộp thuế mà cơ quan thuế chưa có được, dẫn đến rủi ro có thể xử lý thuế khi chưa có đủ nguồn thu từ người nộp thuế, một số trường hợp ngân hàng thương mại đề nghị cơ quan thuế khi muốn cung cấp thông tin giao dịch của người nộp thuế phải đính kèm kế hoạch thanh tra, kiểm tra hay quyết định kiểm tra/thanh tra người nộp thuế kèm theo. Điều này gây khó khăn cho cơ quan thuế trong thu thập thông tin của người nộp thuế có hoạt động thương mại điện tử.
Một số cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc rà soát, tìm kiếm thông tin của người nộp thuế theo dữ liệu được cung cấp trên kho dữ liệu tập trung của cơ quan thuế hoặc người nộp thuế không tuân thủ việc kê khai đầy đủ dữ liệu các nguồn thu nhập từ nhiều nơi, tính tuân thủ về kê khai, nộp thuế của người nộp thuế còn thấp, dữ liệu cần rà soát lớn nhưng nhân lực không đáp ứng được, công tác tuyên truyền đối với người nộp thuế chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý thuế đối với hoạt động bán hàng qua hình thức livestream.
Làm giàu kho dữ liệu để tăng cường hiệu quả quản lý thuế
Cơ quan thuế thông qua các công cụ thống kê, phân tích dữ liệu thương mại điện tử trực tuyến (như: Metric.vn, Kalodata.com,….) để xác định, ước tính thu nhập, nắm bắt thông tin gian hàng của các cá nhân, tổ chức thông qua bán hàng hóa, tiếp thị liên kết từ hoạt động livestream.
Người nộp thuế thông thường sẽ sử dụng cùng tên gian hàng này để kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada do đó cơ quan thuế thực hiện tra cứu thông tin gian hàng trên kho dữ liệu tập trung của ngành thuế để truy xuất thông tin liên hệ để thực hiện quản lý thuế.
Thực hiện công tác phối hợp với các đơn vị quản lý khác như quản lý thị trường, hải quan, cơ quan điều tra để trao đổi thông tin, thực hiện phối hợp rà soát đối với các đối tượng có thu nhập từ phiên Livestream.
Trường hợp người nộp thuế không tuân thủ đề nghị của cơ quan thuế. Cơ quan thuế thực hiện kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế, chuyển cơ quan điều tra khi có dấu hiệu cố ý vi phạm pháp luật.
Cơ quan thuế thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, sử dụng các tiêu chí phân tích rủi ro để lựa chọn người nộp thuế thực hiện kiểm tra, xác minh như doanh thu lớn, thông tin, địa chỉ rõ ràng,….
Trên cơ sở đó, thực hiện phân tích, đánh giá và lựa chọn các đối tượng có yếu tố rủi ro cao, các đối tượng có phát sinh thu nhập chênh lệch lớn để chú trọng, tập trung làm mẫu, làm điểm đồng thời khi có yếu tố có ý vi phạm pháp luật cần tích cực chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Bên cạnh đó, đối với các trường hợp đã bị xử lý vi phạm về hành chính và xử lý hình sự, cơ quan thuế phối hợp với đơn vị báo chí, truyền thông để thông cáo rộng rãi cho người nộp thuế nắm bắt về các rủi ro trong việc không tuân thủ quy định pháp luật về thuế. Qua đó nâng cao tính tuân thủ, giảm áp lực về trách nhiệm rà soát của cơ quan thuế.
Tiếp tục nghiên cứu cách thức rà quét, ước tính doanh thu kinh doanh trên các công cụ thống kê, phân tích dữ liệu thương mại điện tử trực tuyến (như: Metric.vn, Kalodata.com,….) để xây dựng ứng dụng ngành phục vụ công tác thu thập dữ liệu.
Tiếp tục triển khai tổ chức, làm việc với nhà cung cấp nước ngoài cung cấp các nền tảng trực tuyến tại Việt Nam có hoạt động livestream bán hàng (ví dụ như Tiktok...) để khai thác thông tin dữ liệu thống kê về thu nhập của cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động livestream tại Việt Nam, trên cơ sở phân tích bổ sung cơ sở dữ liệu, tiếp tục làm giàu kho cơ sở dữ liệu tập trung của ngành thuế phục vụ công tác quản lý thuế.
Mai Chi