Linh hoạt sản xuất vụ Đông Xuân để tránh thiên tai 

(Chinhphu.vn) - Ngày 25/10, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến “Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2021; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022 tại các tỉnh, thành Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”.

 

Bám sát các giải pháp kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” giúp sử dụng phân bón hiệu quả hơn - Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), sản xuất lúa cả năm 2021 khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ước đạt 772.780 ha, tăng 41.660 ha; năng suất ước đạt 61,19 tạ/ha, tăng 1,37 tạ/ha; sản lượng ước đạt 4,729 triệu tấn, tăng 355.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân đạt 322.600 ha, tăng 22.000 ha; năng suất lúa bình quân 66,87 tạ/ha, tăng 1,22 tạ/ha; sản lượng ước đạt 2,157 triệu tấn, tăng 184.000 tấn so với vụ Đông Xuân 2019 - 2020.

Tổng diện tích gieo trồng vụ Hè Thu 2021 ước đạt 181.200 ha, tăng 20.500 ha; năng suất ước đạt 61,73 tạ/ha, tăng 0,19 tạ/ha; sản lượng ước đạt 1,119 triệu tấn, tăng 124.000 tấn so với vụ Hè Thu 2020.

Theo kế hoạch, diện tích lúa vụ Đông Xuân 2021 - 2022 toàn vùng là 321.500 ha, giảm 1.080 ha; năng suất bình quân 67,41 tạ/ha, tăng 0,54 tạ/ha; sản lượng 2,167 triệu tấn, tăng 10.000 tấn so với vụ Đông Xuân 2020 - 2021.

Linh hoạt thời vụ sản xuất trước diễn biến thời tiết khó lường

Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ dự báo, mật độ bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông trong những tháng cuối năm sẽ nhiều hơn trung bình nhiều năm với khoảng 3-4 cơn ảnh hưởng tới đất liền khu vực Trung Bộ.

Tổng lượng mưa ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên trong những tháng cuối năm ở mức cao hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm; đỉnh lũ năm 2021 trên các sông có khả năng như sau: Các sông từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2 - 3, có sông trên báo động 3 xấp xỉ trung bình nhiều năm; trên một số sông, suối nhỏ và thượng lưu các sông vẫn có khả năng xuất hiện lũ lớn.

Trên cơ sở dự báo của chuyên gia khí tượng thủy văn, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đề xuất, đối với vùng an toàn nguồn nước, bảo đảm đủ cho sản xuất cần tập trung canh tác đúng lịch thời vụ, tăng cường thâm canh. Vùng có nguy cơ hạn hán, không đủ lượng nước cho sản xuất cần tập trung bố trí chuyển từ cơ cấu sản xuất 3 vụ sang 2 vụ hoặc bố trí lại thời vụ sản xuất phù hợp để né tránh hạn, mặn và áp dụng kỹ thuật canh tác để hạn chế tác động của hạn, mặn đến sản xuất lúa. Đẩy mạnh chuyển đổi sang cây trồng cạn ngắn ngày ở những vùng thiếu nước tưới để tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm nước tưới.

Đối với những diện tích chủ động nguồn nước thì bố trí thời vụ xuống giống đại trà tập trung từ ngày 10/12 - 31/12/2021 (cố gắng không gieo muộn hơn sau ngày 10/1/2022), thu hoạch trước 30/4/2022.

Với những diện tích không chủ động nguồn nước, cần gieo sớm hơn lúa đại trà chính vụ (trước 10/12/2021), diện tích này chiếm 10-15 % diện tích gieo trồng. Vùng trũng thoát nước kém, tranh thủ nước rút đến đâu xuống giống đến đó; phấn đấu gieo sạ trước 10/1/2022. Đối với những diện tích nước rút quá chậm sau 10/1/2022, có thể gieo mạ cấy để tranh thủ thời gian và rút ngắn sinh trưởng.

Các tỉnh Tây Nguyên, vùng chủ động nguồn nước tưới, tập trung xuống giống trong khung thời vụ từ 10/12 – 31/12/2021. Với những vùng cân đối nguồn nước có nguy cơ thiếu vào cuối vụ (mùa khô), các địa phương phải tính toán cân đối diện tích xuống giống phù hợp lượng nước trong hồ đập và khuyến cáo sử dụng giống ngắn ngày, gieo sạ sớm hơn lúa đại trà (trước 10/12/2021).

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, để ứng phó với tình hình giá phân bón tăng cao, bên cạnh yếu tố thời vụ và cơ cấu giống cần tập trung chỉ đạo gói kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” đồng bộ (tức là phải sử dụng giống xác nhận để sản xuất lúa hàng hóa; giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí bơm tát, thu hoạch và thất thoát sau thu hoạch cần giảm để tăng lợi nhuận). Cùng với đó, tăng cường bón lót phân hữu cơ; sử dụng các dạng phân ure chậm tan để chống thất thoát đạm…

Bên cạnh đó, tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng; bố trí diện tích sản xuất không vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi, chuyển đổi mùa vụ và cây trồng tại những nơi có khả năng thiếu nước.

Đỗ Hương

185 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 866
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 866
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87200450