Liên tục bắt giữ các vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả 

(Chinhphu.vn) - Bộ đội biên phòng, hải quan, quản lý thị trường các tỉnh… liên tục bắt giữ các vụ vận chuyển, mua bán hàng cấm, hàng giả với số lượng lớn.

 

Lực lượng chức năng kiểm tra tàu chở dầu vi phạm

Cảnh sát biển bắt 3 tàu sang mạn dầu trái phép

Chiều ngày 17/11, tại khu vực biển giáp ranh đường phân định Việt Nam - Malaysia, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã phát hiện và bắt quả tang 3 tàu (gồm 1 tàu dầu nước ngoài và 2 tàu cá Việt Nam) đang có hành vi sang mạn dầu trái phép trên biển.

Tàu nước ngoài có kí hiệu EIKI MARU 21, là loại tàu dầu chuyên dụng, trên tàu có 7 thuyền viên (2 người Thái Lan, 5 người Campuchia) do ông Bhaiboon (quốc tịch Thái Lan) làm thuyền trưởng.

Làm việc với lực lượng chức năng, thuyền trưởng khai nhận, trên tàu chở khoảng 150.000 lít dầu D.O không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã lai dắt 3 tàu vi phạm về vùng biển An Thới (Phú Quốc, Kiên Giang) để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Lại bắt giữ 3 valy xì gà nhập lậu qua đường hàng không

Ngày 20/11, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TPHCM) phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) kiểm tra 3 valy hành lý thất lạc thì phát hiện cả 3 chiếc valy này chứa 122 hộp xì gà các loại (2.487 điếu), có xuất xứ từ Cuba.

3 valy trên là của nam hành khách N.D.H. (sinh năm 1996) được vận chuyển trên chuyến bay VN604 từ Bangkok (Thái Lan) về TPHCM, nhưng hành lý lại vận chuyển không đi cùng hành khách nên được đưa vào diện hành lý thất lạc.

Tại cơ quan chức năng, hành khách N.D.H. không xuất trình được giấy phép cũng như các chứng từ có liên quan.

Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã tạm giữ lô hàng nêu trên để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Trước đó, vào ngày 24/10, tổ công tác cũng phối hợp kiểm tra, bắt giữ 3 valy chứa đầy thuốc xì gà các loại nhập khẩu từ Cuba về TPHCM.

 

Số xì gà này có xuất xứ từ Cuba. Ảnh: Báo Hải quan

Bắt giữ lượng lớn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng

Ngày 20/11, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với Tổng cục Hải quan và Đội 1 Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội kiểm tra địa điểm kinh doanh tại số 6, Q23, ngõ 136 phố Nguyễn An Ninh (quận Hoàng Mai, Hà Nội), phát hiện hàng nghìn sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách có chữ Trung Quốc trộn lẫn cũng các hàng hóa mang thương hiệu nổi tiếng như Dior, Chanel, Luis vuiton, Gucci... cùng hàng trăm nghìn nhãn mác, bao bì của những thương hiệu nổi tiếng này.

Đoàn kiểm tra còn phát hiện các nhân viên ở đây đang thực hiện hành vi cắt mác hàng Trung Quốc, gắn mác thương hiệu nổi tiếng cho vào túi chuẩn bị đi giao.

Toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu giả các thương hiệu nổi tiếng, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Ngoài số hàng hóa trên, các lực lượng chức năng còn còn phát hiện một lượng hóa đơn mua hàng ở nước ngoài cũng có dấu hiệu làm giả.

Theo lời khai của nhân viên, cơ sở chủ yếu bán hàng trên mạng xã hội, không có cửa hàng bày bán.

 

 Tiêu hủy 63 tấn xì gà, rượu, thực phẩm…

Tổng cục QLTT cho biết, ngày 20/11, tại Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại môi trường xanh (xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà, Hải Dương), Cục QLTT Hà Nội đã tổ chức tiêu huỷ 63 tấn hàng hoá là tang vật vi phạm hành chính. Đây là đợt 3 trong năm 2019.

Hàng hoá vi phạm nằm trong diện tiêu huỷ lần này là các mặt hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng không được phép lưu thông trên thị trường.

Cụ thể, các loại hàng hoá bị tiêu hủy gồm: 10 thùng thuốc lá, xì gà, máy hút thuốc lá điện tử các loại; 205 bình khí N2O; 5.200 lít rượu, xăng và các dung dịch khác đựng trong các bình, can, chai; 50 thùng carton và 102 bao tải là sách in, điện thoại di dộng, dược liệu, hoá phẩm, thực phẩm, thiết bị định vị GPS; 480 thùng xốp nội tạng động vật.

Việc tiêu huỷ được thực hiện và giám sát bởi Hội đồng xử lý tiêu huỷ tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu năm 2019, bao gồm đại diện Cục QLTT Hà Nội, Sở Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an TP. Hà Nội.

Việc xử lý tiêu huỷ tang vật vi phạm hành chính không đảm bảo điều kiện lưu thông trên thị trường nhằm hạn chế các loại hàng hoá kém chất lượng, giả mạo nhãn hiệu và ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng.

BT (tổng hợp)

260 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 840
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 840
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 85259724