Liên kết vùng để phát triển kinh tế ở Quảng Trị 

Tỉnh Quảng Trị những năm gần đây đang vươn mình phát triển kinh tế mạnh mẽ từ sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân. Tuy nhiên, nơi này còn nhiều tiềm năng, thế mạnh chưa được tận dụng, khai thác một cách có hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị - trăn trở, và yêu cầu mỗi cán bộ, người dân Quảng Trị cùng hiến kế. Diễn đàn “Vì Quảng Trị phát triển” đã thu hút sự tham gia, quan tâm của nhiều nhà lãnh đạo, chuyên gia, người dân nhằm tìm lời giải cho bài toán làm thế nào để Quảng Trị phát triển nhanh, bền vững. 

Lợi thế không thiếu

Quảng Trị sau mấy mươi năm chiến tranh, đến bây giờ được đánh giá vẫn phát triển chậm so với những tỉnh, thành khác trong khu vực. Trong lúc, tiềm năng - lợi thế, Quảng Trị được đánh giá “không thiếu”.

Theo TS Trần Du Lịch - Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung - Quảng Trị có các tiềm năng, cơ hội và lợi thế để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Đơn cử, nơi này có vị trí chiến lược và quan trọng, nằm trên các trục giao thông quan trọng của quốc gia về đường bộ, đường sắt Bắc Nam và đường biển; tiếp giáp vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đặc biệt Quảng Trị là điểm đầu, điểm kết nối Thái Bình Dương tới Lào, Thái Lan, Myanmar thông qua tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC).

Một lợi thế nổi bật khác, Quảng Trị là một trong số ít các địa phương có quỹ đất sạch, đặc biệt là đất ven biển với diện tích lớn với mức độ tập trung cao, không bị manh mún, chia cắt, hầu như không có tranh chấp, chi phí giải tỏa đền bù thấp nên có đủ điều kiện để đáp ứng các dự án đầu tư có quy mô lớn từ 300ha trở lên; phục vụ các dự án tổ hợp du lịch, sân golf cao cấp; các dự án đầu tư khu công nghiệp; cảng biển, logistics; điện gió, năng lượng; phát triển đô thị quy mô lớn hiện đại...

Nhưng liên kết vùng chưa tốt nên... còn nghèo

Làm thế nào để có thể bật dậy những tiềm năng, đưa tỉnh Quảng Trị phát triển nhanh, bền vững? Câu hỏi này xuất hiện đầu tiên trên diễn đàn “Vì Quảng Trị phát triển” vào tháng 1.2017, và đến nay vẫn đang được dần làm rõ bằng ý kiến của các chuyên gia và lãnh đạo các ngành.

Cũng theo TS Trần Du Lịch, để phát triển, Quảng Trị cần có tư duy quan điểm phát triển vùng, liên kết vùng. Như Quảng Trị - Thừa Thiên-Huế - Quảng Bình đều có thể liên kết được. TS Trần Du Lịch lấy ví dụ, Quảng Trị làm sao tập trung được các nhà máy chế biến gỗ từ rừng trồng thành trung tâm chế biến gỗ, để không còn tình trạng các cảng biển ở miền Trung đi xuất khẩu dăm gỗ như hiện nay. Đặc biệt, trong lĩnh vực thu hút đầu tư, cần xây dựng các con sếu đầu đàn, tích cực đi mời gọi.

Cũng chung ý kiến, PGS-TS Lâm Chí Dũng (Đại học Kinh tế Đà Nẵng) phân tích những lợi thế và tiềm năng để liên kết phát triển vùng với các tỉnh duyên hải miền Trung và đưa ra những gợi ý tham khảo cho tỉnh Quảng Trị. Đó là, Quảng Trị cần chủ động tham gia kèm theo những đề xuất, định hướng phát triển đối với Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung trên cơ sở sáng kiến và tinh thần tự nguyện của lãnh đạo chủ chốt 7 tỉnh, thành phố (từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa).

Cùng với đó, Quảng Trị cần sớm tham gia vào Quỹ Nghiên cứu phát triển miền Trung; hình thành bộ phận tham mưu chuyên nghiên cứu, tham mưu cho chính quyền những dự án có thể hợp tác liên kết.

Đối với đầu tư tư nhân, chính quyền cần hỗ trợ kết nối doanh nghiệp (DN), định hướng tham khảo cho DN, tạo một hành lang ổn định thông thoáng hỗ trợ DN. Về phương diện đầu tư công, cần phối hợp trong tầm nhìn toàn vùng và EWEC cũng như khu vực ASEAN…

Ngoài các vấn đề chiến lược chung, diễn đàn “Vì Quảng Trị phát triển” còn đi sâu vào từng lĩnh vực. Trong đó có du lịch và nông nghiệp, về phát triển du lịch, qua thực tế, Quảng Trị là địa phương hội tụ đủ tiềm năng phát triển du lịch bởi hội đủ các yếu tố du lịch biển đảo, lịch sử cách mạng, du lịch sinh thái và cả du lịch thương mại. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì việc thu hút được các nhà đầu tư là yếu tố tiên quyết. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, để đẩy mạnh phát triển nền sản xuất hàng hóa, ngoài việc phát huy yếu tố nội lực, thì việc thu hút được các nhà đầu tư vẫn là yếu tố tiên quyết…

Theo ông Nguyễn Quân Chính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - thông qua những phân tích, nhìn nhận, góp ý của các chuyên gia, mới thấy rõ thực chất sự phát triển kinh tế của Quảng Trị và cái mình cần, cái đang có. Từ đó, tranh thủ được ý kiến của chuyên gia, rút ra được bài học để có chiến lược phát triển kinh tế đúng đắn, hiệu quả.

Chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm nếu để dân đói, rét

Ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho biết, trước thềm Tết Nguyên đán Mậu Tuất, UBND tỉnh đã giao cho Sở LĐTBXH cùng các huyện trên địa bàn tiến hành rà soát lại việc chăm lo tết cho người dân. Theo ông Chính, các đơn vị sẽ rà soát kỹ để tránh trường hợp người thì có nhiều quà, người thì không. Đặc biệt, việc hỗ trợ gạo cho người nghèo phải đúng đối tượng, không cấp phát đều mà chỉ tập trung cho những hộ nghèo. “Không được để cho người dân nào bị đói, đứt bữa trong tết này. Nơi nào chủ tịch UBND huyện không đi sâu đi sát để dân đói, dân rét trong dịp tết này sẽ phải chịu trách nhiệm. Nếu chỗ nào thiếu gạo thì huyện bỏ ngân sách dự phòng ra mua để xử lý, chăm lo cho nhân dân ăn tết” - ông Chính nói. Được biết, đến thời điểm này, tỉnh Quảng Trị đã huy động được khoảng 25 tỉ đồng từ nguồn hỗ trợ của T.Ư, ngân sách địa phương và sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp để chăm lo tết cho người dân. Từ nguồn kinh phí trên, tỉnh đã tiến hành thăm hỏi và tặng hơn 73.000 suất quà, mỗi suất từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo.  HƯNG THƠ

LAM CHI - HƯNG THƠ

634 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 905
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 905
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76396964