|
Quang cảnh Tọa đàm (Ảnh: B.T) |
Năm 2022, ngành nông nghiệp, nông thôn thực hiện kế hoạch trong điều kiện giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn cao; thị trường quốc tế diễn biến phức tạp bởi tác động của xung đột Nga - Ukraine, chính sách của một số nước bảo vệ sản xuất trong nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục lập những kỷ lục mới.
Cụ thể, trong 11 tháng năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 20,73 tỷ USD, tăng 6,6%; lâm sản chính khoảng 15,59 tỷ USD, tăng 8,2%; thủy sản đạt 10,14 tỷ USD, tăng 27%. Đến nay, đã có 8 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ).
Theo ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt, khó khăn lúc nào cũng có, nhưng chúng ta phải xác định trong bất kì trường hợp nào không được rơi vào tình thế bất ngờ. Bộ NN&PTNT xác định việc xuất khẩu nông sản đi các nước sẽ luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, ví dụ trong giai đoạn này sẽ là căng thẳng Nga – Ukraine, giá đầu vào tăng cao, nhưng sang giai đoạn khác có thể sẽ là các hàng rào thuế quan… Do vậy, ông Cường cho rằng, chúng ta cần có kế hoạch sản xuất bài bản và cả từ khâu phát triển thị trường, duy trì và mở rộng thị trường.
Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT) chia sẻ, riêng với ngành bảo vệ thực vật, trong năm 2022 đã đạt được nhiều thành tựu. Đối với thị trường Trung Quốc, ngay đầu năm là xuất khẩu ớt trở lại, rồi đến chanh leo, cuối năm là sầu riêng và khoai lang.
Với các thị trường khác cũng rất thuận lợi như xuất khẩu chanh xanh, bưởi sang New Zealand,... thời gian tới, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ tiếp tục công tác này và hy vọng có thêm nhiều loại nông sản của Việt Nam được xuất sang nhiều thị trường trên thế giới.
Ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho rằng, câu chuyện thị trường sẽ gắn với biến động, “lúc lên lúc xuống”. Khi chúng ta đa dạng hóa thị trường và phải sản xuất theo thị trường thì chúng ta buộc phải xây dựng các liên kết. Nếu sản xuất nhỏ lẻ thì khó đáp ứng được.
“Như mã số vùng trồng phải có đủ diện tích trên 10ha, nếu làm nhỏ lẻ không làm được, mà phải liên kết. Câu chuyện này đang rất thành công ở một số doanh nghiệp, đã xuất khẩu được nhiều sản phẩm vào các thị trường khó tính” – ông Ngô Xuân Nam nêu ý kiến.
Ông Ngô Xuân Nam cũng cho rằng, để tiếp tục mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản, cần có sự liên kết các cơ quan ở trung ương, liên kết các hiệp hội để giải quyết nhiều vấn đề như về quyền lợi, vấn đề chống bán phá giá,...
Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, cần chỉ đạo sản xuất để đáp ứng các đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Ông Cường cũng nhấn mạnh, rõ ràng chúng ta không thể buôn chuyến mãi được, mà phải có bạn hàng, phải liên kết để có những vùng sản xuất đảm bảo yêu cầu về mã số vùng trồng của nước xuất khẩu./.