Liên kết hợp tác xã, giữ giá mủ cao su 

(Chinhphu.vn) – Nhiều người dân quen bán mủ cao su theo thỏa thuận “miệng” khiến giá mặt hàng này vẫn bấp bênh. Người sản xuất cần liên kết thành hợp tác xã hoặc tổ hợp tác thì mới thực sự làm chủ và đảm bảo quyền quyết định về giá sản phẩm, tránh sự bấp bênh nếu giá xuống hoặc thị trường đột ngột dừng thu mua.

 

 

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT). Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Việt Nam liên tiếp được giá mủ cao su trong gần một năm qua do thị trường Trung Quốc tích cực thu mua để phục hồi sản xuất lốp ô tô. Xung quanh vấn đề phát triển cao su vào thời điểm đang được giá hiện nay, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã có cuộc trao đổi với Báo điện tử Chính phủ.

Nhìn lại trước năm 2020 giá mủ cao su xuống thấp, ngành trồng trọt đã có định hướng như thế nào cho các địa phương trồng cao su, thưa ông?

Ông Nguyễn Như Cường: Từ năm 2014 đến hết 2020 trước tình hình xuất khẩu cao su gặp khó khăn do giá mủ cao su trên thế giới xuống thấp, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tạm dừng không trồng mới cao su; không tái canh vườn cây hết tuổi khai thác ở những vùng đất không phù hợp trồng cây cao su, những vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ, rét đậm, rét hại, sương muối. Trước mắt thực hiện luân canh, xen canh với một số cây trồng khác để nâng cao năng hiệu quả sản xuất cao su.

Cùng với đó, tăng cường tổ chức tuyên truyền, thông tin tình hình sản xuất, tiêu thụ, giá cả cao su về trung hạn và dài hạn, nâng cao nhận thức cho người trồng cao su nắm vững các giải pháp kỹ thuật, thực hiện tiết giảm chi phí; tránh tự phát chuyển đổi diện tích cao su sang cây trồng khác.

Đối với cao su kiến thiết cơ bản, có thể giảm đầu tư phân bón, nhưng cuối năm tiếp tục làm cỏ và chống cháy; đối với những vườn cao su kiến thiết cơ bản nằm ngoài vùng quy hoạch như trồng trên đất thấp trũng, đất dốc, không phù hợp, vườn cây sinh trưởng kém, không đồng đều, vùng ven biển chịu tác động của bão, lũ... có thể chuyển đổi sang cây trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đối với những vườn cao su ở thời kỳ đang kinh doanh, có thể giảm đầu tư phân bón, thay đổi chế độ cạo từ D2 sang D3, D4 để giảm chi phí nhân công. Đối với với những diện tích cao su đã đến giai đoạn khai thác, có thể chưa tiến hành mở miệng cạo.

Đối với diện tích cao su kinh doanh tuổi lớn, nếu giá gỗ phù hợp và giống cao su cho năng suất không cao có thể thanh lý; khuyến khích các mô hình trồng xen nông lâm kết hợp đối với cây cao su để tăng thu nhập…

Với những khuyến cáo đó, diện tích cây cao su đã thay đổi như thế nào? Việc thay đổi này có ảnh hưởng đến sản lượng cao su khi tăng giá như hiện nay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Như Cường: Với một loạt giải pháp đồng bộ như trên, diện tích cao su của Việt Nam giảm từ 981.000 ha năm 2015 xuống còn 925.000 ha năm 2020, diện tích giảm chủ yếu ở các vùng đất không phù hợp đối với cây cao su như tầng đất canh tác mỏng, vùng chịu nhiều gió bão… Mặc dù diện tích giảm nhưng sản lượng cao su không giảm, hằng năm vẫn duy trì 1,1 triệu đến 1,2 triệu tấn mủ cao su.

Từ cuối năm 2020, giá mủ cao su đang được cải thiện, nhiều tín hiệu tốt từ thị trường đã tạo động lực để người trồng cao su đầu tư thâm canh tăng năng suất.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyến cáo các địa phương cần kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào, nâng cao chất lượng cao su sơ chế, đáp ứng các thị trường yêu cầu chất lượng cao; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng nâng dần tỉ trọng chủng loại SVR 10, SVR 20 đáp ứng yêu cầu sản xuất sản phẩm cao su trong nước, tiêu thụ được cao su trong nước, giảm nhập khẩu cao su.

Quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh công nghiệp chế biến gỗ cao su, đa dạng hóa các sản phẩm để tận dụng tối đa các sản phẩm từ vườn cao su khi thanh lý để nâng cao giá trị gia tăng.

Hiện nay, việc thỏa thuận “miệng” về giá cả của người bán mủ cao su vẫn khiến dễ xảy ra tranh cãi và nhiều bất lợi cho người sản xuất. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Như Cường: Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 265.000 hộ trồng cao su tiểu điền, khoảng gần 76% diện tích cao su tiểu điền đang trong giai đoạn thu hoạch mủ, với lượng cung khoảng trên 732.200 tấn mủ quy khô.

Thực tế việc thỏa thuận “miệng” diễn ra từ xưa đến nay trong mua bán mủ cao su. Giá cả do tư thương thu mua đưa ra dựa trên thông tin do các doanh nghiệp chế biến trong vùng cung cấp. Ở một số nơi, giá thu mua được duy trì trong khoảng thời gian 10 ngày.

Đa số các nơi trồng cao su vẫn có hiện trạng là các hộ trồng cao su tiểu điền phụ thuộc nhiều vào các đại lý trung gian, đây cũng là hình thức phổ biến nhất trong tiêu thụ cao su tiểu điền hiện nay. Từ thực tế, chúng tôi luôn đưa ra khuyến cáo cần tổ chức liên kết người sản xuất trong các hợp tác xã cao su tiểu điền và các doanh nghiệp chế biến mủ cao su trên địa bàn để hỗ trợ nhau khi có khó khăn trong sản xuất và thị trường.

Chỉ có liên kết thành hợp tác xã hoặc tổ hợp tác thì người sản xuất mới tiến dần đến việc thực sự làm chủ tài sản của mình và đảm bảo quyền quyết định về giá sản phẩm, tránh sự bấp bênh nếu giá xuống hoặc thị trường đột ngột dừng thu mua.

Giá cả đang lên như hiện nay có tác động đến việc tái cấu trúc ngành hàng cao su không? Liệu có xảy ra việc tăng diện tích ngoài quy hoạch như một số ngành hàng đã từng xảy ra không, thưa ông?

Ông Nguyễn Như Cường: Quan điểm của Cục Trồng trọt hiện nay là không tăng diện tích trồng cao su (và thực tế hiện nay quỹ đất thích hợp cho phát triển cao su cũng đã hết), đặc biệt là các tỉnh duyên hải miền Trung chịu nhiều ảnh hưởng của bão, lũ. Với giá cao su đang tốt, Cục Trồng trọt chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất và khôi phục vườn cây sau thời gian dài phải giảm chi phí đầu tư khi giá xuống thấp.

Hiện nay, chưa có dấu hiệu các địa phương tăng diện tích cao su mà diện tích cao su tiếp tục điều chỉnh giảm ở các vùng không phù hợp; các vùng phù hợp cho phát triển cao su tiếp tục chỉ đạo tái canh các diện tích cao su già cỗi hết chu kỳ khai thác.

Về tái cấu trúc ngành hàng cao su, không phải chỉ khi giá cao su tăng mới là điều kiện để tái cấu trúc ngành hàng này. Ngay khi giá cao su xuống thấp cũng đòi hỏi phải tập trung tái cấu trúc để duy trì và phát triển ngành phù hợp với điều kiện mới, thách thức mới.

Tháng 11/2019. Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Ban Kinh Tế Trung ương tổ chức Hội nghị “Phát triển cao su Việt Nam hiệu quả, bền vững đến năm 2030”. Tại Hội nghị các đại biểu đã thảo luận các giải pháp tái cấu trúc lại ngành cao su để phát triển cao su Việt Nam bền vững và hiệu quả cho 10 năm tiếp theo và tầm nhìn đến 2045. Hiện nay, giá cao su đang thuận lợi là điều kiện tốt để chúng ta tiếp tục các giải pháp phát triển bền vững và tái cơ cấu ngành hàng cao su.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đỗ Hương (thực hiện)

344 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1225
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1225
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87113727