Nhiều chuyên gia nhìn nhận khả quan về mục tiêu xuất khẩu cà phê 5 tỷ USD trong năm nay - Ảnh minh họa
Trong những ngày đầu năm 2024, giá cà phê liên tục tăng cao là lợi thế với các nước xuất khẩu như Việt Nam. Theo ghi nhận từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá Robusta hợp đồng tháng một kết phiên 16/1 ở mức 3.435 USD/tấn, thiết lập mức đỉnh mới trong 28 năm. Cùng với đó, giá cà phê nhân xô tại Việt Nam cũng xác lập kỷ lục với mức giá hiện đã vượt mốc 72.000 đồng/kg.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Intimex Group, đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng một phần nhờ giá bán cao kỷ lục, chạm mốc 100.000 đồng/kg trong những ngày gần đây. Với diễn biến hiện tại, mục tiêu xuất khẩu cà phê 5 tỷ USD trong năm nay là không khó.
Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia phân tích thị trường cà phê cũng cho rằng kim ngạch đã đạt được trong quý 1, cộng với lượng cà phê sẽ xuất khẩu trong 3 quý còn lại ở mức giá trên 3.000 USD/tấn, ngành cà phê coi như đã đạt 5 tỷ USD trong năm nay.
Ông Gruber Alexander Lukas, đại diện thương hiệu Alambe' Finest Vietnamese Coffee, cho rằng Việt Nam nên "cá nhân hóa" mặt hàng cà phê. Cà phê Việt Nam nổi tiếng với số lượng lớn, giá thấp. Hương vị cà phê Việt đang được thế giới ưa chuộng.
Do đó, Việt Nam cần đầu tư xây dựng thương hiệu, tạo nên chất lượng độc đáo, phân loại cà phê thành các phân khúc khác nhau để xuất khẩu.
Việc hỗ trợ nông dân, tạo liên kết bền vững để phát triển ngành hàng cà phê đang được coi là một trong những chìa khóa để đưa các sản phẩm cà phê Việt nâng cao giá trị hơn nữa.
Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông Dân Việt Nam nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc nâng cao trình độ canh tác của nông dân. Ông Định cho biết đã có các chương trình đào tạo, tập huấn sản xuất tốt của các doanh nghiệp, của các nhà khoa học. Nhưng các chương trình này chưa nhiều, tập huấn xong nông dân phải tự học thêm.
Ông đề nghị cần tăng cường các nội dung đào tạo này, từ nhà khoa học, doanh nghiệp cho đến các nông dân giỏi. Việc đào tạo, tập huấn cũng nên triển khai ngay trên vườn ruộng của nông dân thay vì trong hội trường, trong phòng nghiên cứu. Khi đó, nông dân dễ tiếp cận và tính lan tỏa sẽ cao hơn.
Một vấn đề quan trọng nữa là khâu liên kết sản xuất phải đảm bảo bền vững. Trong nước đã có một số mô hình xong chưa nhiều. Ở nhiều nước; doanh nghiệp, tập đoàn hoạt động ngay trong tổ chức của HTX, hoặc của Hội Nông dân. Nghĩa là các khâu gắn kết trong cùng 1 hệ thống.
Trong nước, nhiều chuỗi liên kết vẫn đang tìm hướng: Doanh nghiệp ký kết với HTX, rồi HTX liên kết nông dân. "Từng khâu vẫn còn rời rạc chứ chưa thành 1 khối", ông Định chia sẻ.
Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, cả nước có chưa tới 1.000 HTX cà phê trong số hơn 900.000 HTX. Tuy nhiên, nhiều HTX cà phê đang loay hoay trong khâu tiêu thụ. Vì HTX phải đảm đương quá nhiều phần việc khác nhau và không biết đi cùng ai.
Các chuyên gia trong ngành cà phê cũng cho rằng, cần thúc đẩy các khâu từ sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu đến phát triển thị trường mới tăng được giá trị, bảo đảm phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, nhìn nhận, chất lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới, vì nhiều nguyên nhân.
Việt Nam cần thúc đẩy các khâu từ sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường mới có thể cải thiện được giá trị cũng như bảo đảm phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam, ông Dương nói.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cần chiến lược bài bản về phát triển cà phê chất lượng cao.
Việt Nam có đến 1 triệu hộ tham gia sản xuất trên 660.000 ha cà phê nhưng sự kết nối giữa các chủ thể trồng cà phê còn rời rạc. Nhiều năm qua, Việt Nam đã thay đổi công tác giống, sản xuất, giữ được chất lượng cà phê. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Cà phê Việt phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, trồng trên đất không phá rừng… theo yêu cầu trong nước và thế giới.
Theo ông Tùng, giải pháp sắp tới không chỉ là vấn đề kỹ thuật, tìm kiếm thị trường, hay tăng cường chế biến. "Giải pháp phải đưa ra cần giúp người sản xuất và xuất khẩu đạt được sự hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia; thúc đẩy chuỗi giá trị cho hạt cà phê", ông Tùng chia sẻ.
Đỗ Hương