Sinh viên trong một thư viện đại học ở Rabat, Morocco. (Ảnh: UN)
Trong tuyên bố được đưa ra, Liên minh Lãnh đạo về phát triển bền vững trong giảng dạy (UAEC); Second Nature, một tổ chức của Mỹ hành động vì khí hậu trong giáo dục đại học; và Liên minh Thanh niên và Giáo dục của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) chỉ ra rằng các cơ sở giáo dục này đã cùng thống nhất về việc thực hiện kế hoạch 3 giai đoạn để đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu trong hợp tác với sinh viên.
Kế hoạch trước tiên kêu gọi các trường đại học cam kết đạt được "tính trung lập carbon" muộn nhất vào năm 2030 hoặc 2050. Đồng thời, kế hoạch cũng kêu gọi thêm nguồn lực cho nghiên cứu tập trung vào các biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu và tạo điều kiện phát triển kỹ năng. Cuối cùng, kế hoạch nhằm tăng cường tiếp cận giáo dục môi trường và phát triển bền vững trong các chương trình giáo dục, trong khuôn viên trường học và trong các hoạt động tiếp cận cộng đồng.
Theo Liên hợp quốc, đây là lần đầu tiên các tổ chức giáo dục đại học hợp tác để cùng nhau giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Sáng kiến này cùng tập hợp Đại học Strathmore (Kenya), Đại học Tongji (Trung Quốc), Trường Kinh doanh KEDGE (Pháp), Đại học Glasgow (Vương quốc Anh), Đại học Bang California (Mỹ), Đại học Zayed (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) và Đại học Guadalajara (Mexico).
Bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành của UNEP cho biết: "Những gì chúng tôi đang giảng dạy định hình tương lai. Chúng tôi hoan nghênh cam kết của các trường đại học trở thành trung lập khí hậu vào năm 2030 và tăng cường nỗ lực trong khuôn viên khu học xá của họ". "Những người trẻ tuổi đang ngày càng đặt mình lên hàng đầu trong những lời kêu gọi hành động nhiều hơn để giải quyết các thách thức về khí hậu và môi trường" – bà Andersen nhấn mạnh, đồng thời lưu ý rằng "các sáng kiến liên quan trực tiếp đến những người trẻ tuổi trong công việc quan trọng này là một đóng góp có giá trị để đạt được sự bền vững về môi trường".
Một số trường đại học đã áp dụng thực tiễn để phát triển bền vững trong khuôn viên của họ. Tại Kenya, Đại học Strathmore sử dụng năng lượng sạch và có hệ thống quang điện 600 kilowatt kết nối với lưới điện. Đại học Tongji ở Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào việc thực hiện chương trình giáo dục bền vững và đang khuyến khích các tổ chức giáo dục khác làm điều tương tự. Tại Mỹ, Đại học California cam kết đạt được mục tiêu trung hòa carbon trên khắp các cơ sở của mình vào năm 2025, trong khi các tổ chức khác như American University tại Washington, và Đại học Colgate ở bang New York đã đạt được tính trung lập về khí hậu.
Charlotte Bonner, giám đốc Students Organizing for Sustainability – một tổ chức của sinh viên cam kết phát triển bền vững – hoan nghênh thông báo về tình trạng khẩn cấp về khí hậu của các trường đại học. "Giới trẻ trên khắp thế giới cảm thấy rằng các trường học, cao đẳng và đại học đã mất quá nhiều thời gian để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay" – Bonner cho biết và nhấn mạnh rằng "không cần thiết phải mất thời gian thêm nữa”.
Đại diện của tổ chức sinh viên "kêu gọi những người chưa ủng hộ sáng kiến này cùng tham gia”, đồng thời nêu rõ: “Mục tiêu của kế hoạch này là bảo đảm rằng hơn 10.000 tổ chức giáo dục đại học tham gia vào cuối năm 2019”.
Các chính phủ cũng được khuyến khích hỗ trợ kế hoạch này. Kế hoạch sẽ được chuyển tiếp tới hội nghị các bộ trưởng trong khuôn khổ Sáng kiến của các tổ chức giáo dục đại học vì sự phát triển bền vững./.
Khánh Linh (Theo UN, AFP)