Phát biểu tại chủ trì hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Nguyễn Đăng Bảo thông tin về những điểm mới, cần nghiên cứu và góp ý trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Dự thảo báo cáo chính trị nêu chủ đề Đại hội XIII là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học với nội dung toàn diện và có nhiều điểm mới. Trước hết là mới trong việc xác định chủ đề Đại hội XIII và xác định cơ đồ đất nước sau 35 đổi mới. So với Đại hội XII, chủ đề Đại hội XIII có một số điểm mới, đáng chú ý như: bổ sung xây dựng hệ thống chính trị vào nội dung xây dựng Đảng; nêu khát vọng phát triển đất nước; xác định mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN. Trong dự thảo các văn kiện, xác định rõ hơn khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây là một trong những điểm mới trong dự thảo các văn kiện và là kỳ vọng của Nhân dân ta.
Cùng với đó, dự thảo báo cáo chính trị có những dự báo mới về tình hình trong nước, có những điểm mới trong cách tiếp cận xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể. Nhiều điểm mới trong nêu định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030…
Qua nghiên cứu dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII, các đại biểu tham dự hội nghị có nhiều ý kiến ý xoay quanh các nội dung: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Trọng dụng nhân tài, tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong các cơ quan nhà nước. Tăng cường vai trò nồng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tập hợp, vận động Nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước.
Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế; làm tốt vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể người lao động.
Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho giai cấp công nhân. Phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Mọi hoạt động của hệ thống chính trị phải phục vụ lợi ích của Nhân dân; giải quyết hài hoà các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ...
Hoàng Tuân