Let’s Việt ở các đồn Biên phòng 

Biên phòng - Giải võ thuật Let’s Việt được đưa vào hệ thống thi đấu chính thức của quốc gia từ năm 2014. Quân khu 7 là đơn vị quy tụ rất nhiều võ sĩ giỏi, như võ sĩ Moay Thái khét tiếng, người từng càn lướt khắp các châu lục cũng có mặt trên sàn đấu Let’s Việt. Từ năm 2015 đến nay, một làn gió mới về võ thuật mang tinh thần Let’s Việt lan tỏa khắp các đơn vị cơ sở trong lực lượng BĐBP.

ztv1_22a

Thi đấu võ thuật ở BĐBP Quảng Trị. Ảnh: Lê Văn Chương

Tại Đồn Biên phòng Phú Lộc, BĐBP thành phố Đà Nẵng, những bài võ thể dục và phân thế đã được tập luyện thường xuyên vào giờ thể dục buổi sáng. Một số đồng chí tập trung huấn luyện một số phân thế, bao gồm động tác bẻ tay quật ngã tội phạm, tước súng, khóa tay, nắm chân quật ngã để khống chế đối tượng có vũ khí nóng. Anh em cho biết, động tác tước dao của đối tượng là một trong những tình huống thường được áp dụng nhiều nhất trong thực tiễn công tác hàng ngày, vì vậy, phải tập luyện thành thạo ở mức phản xạ tự nhiên.  

Còn tại các đồn Biên phòng của BĐBP Quảng Ngãi, việc trang bị thêm các dụng cụ rèn luyện thể lực cho các vận động viên võ thuật được chú trọng. Thượng tá Lê Mỹ Sơn, Phó Tham mưu trưởng BĐBP Quảng Ngãi cho biết, bên cạnh nội dung huấn luyện tại chức theo kế hoạch thì nhiều đồng chí đã tranh thủ tập luyện thêm để khi có yêu cầu thì hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Huấn luyện võ thuật là hoạt động được tổ chức thường xuyên tại các đơn vị BĐBP, tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, công tác huấn luyện võ thuật được hâm nóng và hình ảnh quân nhân tranh thủ ngoài giờ để luyện võ đã trở thành nét đẹp văn hóa của nhiều đơn vị trong lực lượng BĐBP.

Vì từ năm 2015, BĐBP các tỉnh, thành đã tổ chức cho các đơn vị cơ sở chỉ đạo tuyển chọn các đồng chí có năng khiếu võ thuật để rút lên tỉnh thi đấu, sau đó lựa chọn những cá nhân xuất sắc để rèn võ, chuẩn bị cho kế hoạch tổ chức Hội thao võ thuật của BĐBP. 

Vào thời điểm đó, tôi đến các đồn Biên phòng ở các tỉnh, thành Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đều chứng kiến không khí rèn võ hăng say của cán bộ, chiến sĩ. Vào buổi chiều, dọc bờ biển đảo Cồn Cỏ, dọc sông Sê Pôn (Quảng Trị), những tuyến đường núi ở Tây Giang, Nam Giang (Quảng Nam) đều thấp thoáng bóng cán bộ, chiến sĩ chạy thể lực từ 3 đến 5km. Chính trị viên của một số đơn vị cũng tham gia chạy cùng anh em để tạo thêm khí thế luyện tập tham gia thi đấu võ thuật của cán bộ, chiến sĩ.

Riêng Hội thao võ thuật chiến đấu tay không của BĐBP Quảng Trị tổ chức năm 2015 đã quy tụ 144 vận động viên tham gia thi đấu. Có thể gọi các vận động viên là võ sĩ cũng không sai. Bởi các võ sĩ lên đài là ra đòn hết mình. Trong ngày đầu tiên có 21 cặp thi đấu, kết quả, 5 võ sĩ bị hạ nốc ao. Cặp thi đấu hay nhất là vận động viên Trần Nam Hải so găng với vận động viên Nguyễn Văn Sáu. Chị Nguyễn Thị Thu Hoài đi 40km đến cổ vũ chồng là vận động viên Trần Nam Hải thi đấu, hồ hởi khoe: “Ông xã mới cưới 3 năm, phong độ còn dai dữ lắm, 34 tuổi bẻ gãy sừng trâu”. 

Trao đổi với nhiều cán bộ tại các đồn Biên phòng về việc duy trì phong trào rèn luyện võ thuật, cán bộ, chiến sĩ cho biết, khi học tập tại Học viện Biên phòng hoặc các trường trung cấp thì đều được giáo viên võ thuật dạy rất nhiều về kinh nghiệm, cách ứng phó trong nhiều trường hợp, phân thế các động tác võ thuật, tổ chức song đấu tại sàn tập. Tuy nhiên, võ thuật không được ôn luyện để thành thục thì kiến thức đã học sẽ bị bào mòn. Vì vậy, sau đợt Hội thao võ thuật chiến đấu tay không của BĐBP, các đơn vị đều nóng tinh thần thượng võ như ở đất võ Bình Định.

Thừa Thiên Huế cũng là một trong những tỉnh, thành khuấy động phong trào luyện võ trong các đơn vị cơ sở. Các đồn Biên phòng hiện vẫn duy trì thường xuyên khí thế luyện võ. Thượng tá Đặng Đình Liêu, Phó Tham mưu trưởng BĐBP Thừa Thiên Huế nhận xét: “Ban đầu, đơn vị định thuê giáo viên võ thuật, chuyên ngành thể dục thể thao, nhưng rồi lại thôi vì võ của họ khác với võ thuật của  Biên phòng, mà cán bộ, chiến sĩ học để áp dụng vào quá trình công tác chứ không phải thi đấu”.

Thượng tá Đặng Đình Liêu cho biết thêm, sau đợt Hội thao võ thuật chiến đấu tay không, đơn vị đã sắm  thêm 6 đôi găng tay, 14m2 nệm; mượn thêm ở Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao 20m2 nệm; mũ; áo giáp 6 bộ. Riêng các đồn Biên phòng đều tự sắm thêm các bộ áo giáp thi đấu, mỗi đơn vị 2 bộ, giá thành của mỗi bộ áo giáp từ 2,5 triệu đồng trở lên. Sau đợt hội thao, các đơn vị tổ chức huấn luyện cho anh em các kỹ thuật thi đấu ở mức cao hơn. 

Lê Văn Chương

937 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1311
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1311
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87125146