Lễ hội vắng vẻ hiếm thấy trong mùa dịch 

(Chinhphu.vn) – Các đoàn công tác của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đang tiếp tục kiểm tra việc dừng và giảm quy mô tổ chức lễ hội trên địa bàn các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… để phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV hay còn gọi là COVID-19).

 

Phát khẩu trang miễn phí tại lễ hội cổ truyền phường Phú Lương (quận Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị

Thực hiện nghiêm quy định chống dịch

Lần đầu tiên sau nhiều năm, tại đền Trần (Nam Định), đêm khai ấn và sáng ngày Rằm tháng Giêng rất vắng người. Không tổ chức khai ấn, phát ấn, không gian di tích trở nên trầm mặc và vắng vẻ. Cảnh tượng đông đúc, chen lấn, ùn tắc như mọi năm đã không diễn ra. Lý do, trong bối cảnh cả nước cùng thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch nCoV, các cấp chính quyền nơi đây đã thực hiện nghiêm quy định.

Mặc dù lượng khách vắng vẻ nhưng Ban quản lý (BQL) di tích, Ban tổ chức (BTC) lễ hội vẫn luôn sẵn sàng các phương án đảm bảo an ninh, trật tự, đề phòng có thời điểm du khách về đền đông để chiêm bái và thực hành tín ngưỡng. Với số lượng ấn đã được chuẩn bị từ trước, có thể nhà đền sẽ tính toán cách phát cho những người có nhu cầu, tuy nhiên thời điểm phát phải sau khi dịch bệnh do virus corona được khống chế.

Tại các di tích, lễ hội trọng điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh gồm khu di tích, danh thắng Yên Tử, cụm Di tích đền Cửa Ông - Cặp Tiên, đoàn kiểm tra đánh giá, các điểm di tích, danh thắng này đều tuân thủ việc dừng tổ chức lễ hội và tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện phương pháp phòng, chống dịch bệnh với các bảng chỉ dẫn, pano, áp phích, phát thông tin liên tục trên các phương tiện truyền thanh; thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan di tích, danh thắng.

BQL đã phun khử trùng toàn bộ di tích, đền chùa, khu vực công cộng, hệ thống cabin hằng ngày; phát khẩu trang miễn phí, lắp máy quét thân nhiệt để đo thân nhiệt cho cán bộ, nhân viên, tăng ni, phật tử, du khách... Đồng thời, bố trí khu vực cách ly và phối hợp với sở, ngành và các đơn vị liên quan để trực tiếp theo dõi, có biện pháp xử lý kịp thời.

Di tích đền Cửa Ông - Cặp Tiên đã tổ chức phát 6.500 khẩu trang y tế cho du khách và nhân dân; xây dựng 5 cụm pano tuyên truyền; hệ thống loa phát thanh của đền liên tục tuyên truyền đến nhân dân và du khách về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do virus corona.

Đại diện BQL Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử chia sẻ, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh nên từ đầu mùa, lượng khách đến với Yên Tử đã sụt giảm, không có cảnh chen lấn, xếp hàng dài lên cáp treo như mọi năm. Vắng vẻ nên hàng quán cũng rất ế ẩm, bãi xe rộng thênh thang… Những ngày này, du khách đến Yên Tử hành lễ không còn phải vội vã, hầu hết đều mang khẩu trang và thực hiện nghiêm túc các biện pháp chống dịch do BQL hướng dẫn.

Cuối tuần qua, đoàn kiểm tra của Bộ VHTTDL đã kiểm tra thực tế việc dừng tổ chức lễ hội, triển khai phòng, chống dịch bệnh do virus corona tại các di tích đền Ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên) và đền Cờn (thị xã Hoàng Mai) trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cụ thể, UBND thị xã Hoàng Mai đã ra thông báo dừng tổ chức lễ hội đền Cờn và hoạt động khai trương du lịch thị xã năm 2020; UBND thị xã Cửa Lò đã tạm dừng tổ chức lễ hội Vạn Lộc năm 2020; UBND huyện Nam Đàn dừng tổ chức lễ hội Đền Vua Mai 2020…

Theo nhận định của đoàn kiểm tra, tại đền Cờn, BQL di tích đã nghiêm túc triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch. Theo đó, đã dán các khuyến cáo về tình hình dịch bệnh; hướng dẫn du khách cách khử trùng, diệt khuẩn, rửa tay… UBND thị xã Hoàng Mai đã thực hiện việc khử trùng tại đền thường xuyên; treo băng rôn tuyên truyền tại những nơi tập trung đông người, phát 50 ngàn khẩu trang miễn phí cho du khách; công tác thanh kiểm tra được tiến hành thường xuyên.

Còn tại đền Ông Hoàng Mười, theo đoàn kiểm tra, việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh do virus corona vẫn chưa được triển khai nghiêm túc. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, hệ thống bảng biển, băng rôn, pano tuyên truyền phòng, chống dịch chưa có; việc tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh tại di tích chưa thường xuyên… Đây là những vấn đề cần sớm điều chỉnh, nhất là trước diễn biến phức tạp của dịch nCoV.

Người dân lễ chùa đeo khẩu trang phòng, chống dịch nCoV. Ảnh: TTXVN

Giáo hội Phật giáo vào cuộc tích cực

Tại cuộc làm việc sáng 11/2, giữa Bộ VHTTDL, Ban Tôn giáo Chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, chiều 31/1, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự đã có văn bản gửi Ban Trị sự các tỉnh, thành phố về việc phòng, chống dịch nCoV và các chùa đã vào cuộc rất nghiêm. Ngay sau đó, các lễ hội lớn của quốc gia đã tạm hoãn không tổ chức như lễ hội Yên Tử, Tam Chúc. Các lễ hội đã khai mạc trước đó cũng giảm quy mô, cắt giảm chương trình. Các khóa tu, lớp học thông thường đã hủy.

Đặc biệt, Giáo hội đã chỉ đạo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Tam Đảo - nơi tâm dịch, tạm dừng các hoạt động, kể cả lễ giỗ Tổ, khuyến cáo người dân đến chùa đeo khẩu trang. Nhiều chùa đã phát khẩu trang miễn phí cho nhân dân, sớm nhất là chùa Vĩnh Nghiêm, ngay chiều 1/2 đã dành 5.000 khẩu trang phát cho người dân, có chùa đã phát hàng vạn khẩu trang. Các Phật tử Việt kiều cũng gửi khẩu trang và nước rửa tay từ nước ngoài về.

Giáo hội sẽ tiếp tục có văn bản hướng dẫn các Ban Trị sự, các chùa, tự viện, không chủ quan trong việc này, cùng với đó, chú trọng đến hoạt động phật sự ở Vĩnh Phúc, sớm chấn chỉnh, không để xảy ra những vấn đề đáng tiếc.

Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng đề nghị Giáo hội quán triệt các khuyến cáo của ngành y tế, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho các tăng, ni, Phật tử nhận thức rõ tác hại và ý thức được trách nhiệm của bản thân, gia đình, đạo tràng, cơ sở tự viện của mình; biên tập tài liệu bài giảng cho các khóa lễ có khuyến cáo về phòng, chống dịch. Các cơ sở khám chữa bệnh, phòng mạch của Giáo hội cùng tham gia với ngành y tế và chính quyền địa phương trong công cuộc phòng, chống dịch.

Ông cũng đề nghị Giáo hội tiếp tục ban hành các văn hướng dẫn theo khuyến cáo của Bộ Y tế, thành lập các tổ, ban thiện nguyện, tình nguyện hỗ trợ tại các tự viện, nhất là những chùa lớn đang có lễ hội, để tuyên truyền, kiểm soát, kiểm tra, chấn chỉnh, hướng dẫn, nhắc nhở người dân cách thức phòng, chống dịch, thực hành các nghi lễ.

MK

244 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 732
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 732
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87028037