Lễ hội diễn ra từ ngày 28 đến 30/4 với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực. Điểm nhấn chính của lễ hội là chương trình đêm hoa đăng trên sông Thạch Hãn tri ân các anh hùng liệt sĩ từ 20 đến 21 giờ vào tối 29 /4.
Ông Văn Ngọc Lãm, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị cho biết hoạt động này nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, quảng bá thương hiệu của thị xã. Đây là hoạt động cụ thể hóa Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ Thị xã về phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Với lợi thế về lịch sử và tâm linh thì thị xã Quảng Trị chọn văn hoá làm kinh tế du lịch quả là rất đúng đắn. Hơn nữa, một khi phát triển kinh tế trên nền tảng văn hoá thì hình ảnh đẹp của thị xã được lan tỏa mạnh mẽ, có sức thu hút du khách.
Chương trình “Tuyến phố lễ hội ” chính thức diễn ra từ ngày 28 đến 30/4/2018(ngày 13 đến 15 tháng 3 âm lịch) tại đường Ngô Quyền nhằm tạo ra một tuyến phố đi bộ phục vụ du khách. Nội dung gồm có các hoạt động lễ hội, trao giải thưởng mỹ thuật thiếu nhi thị xã Quảng Trị; các hoạt động văn hóa ẩm thực với hình thức xã hội hóa, các gian hàng và hoạt động tại chợ đêm trên phố. Đặc biệt đến với ẩm thực của thị xã Quảng Trị du khách sẽ được thưởng thức các món ngon truyền thống như nem sãi, cháo lòng, cháo bột, bánh đúc, bắp nướng, chè bắp…. Các hoạt động trò chơi dân gian như đi cà kheo, võ thuật đường phố, ca nhạc đường phố, các hoạt động văn hóa, thể thao, múa lân, trống hôi…Đây là những hoạt động lần đầu tiên được tổ chức tại đường phố đi bộ.
|
Địa điểm diễn ra tuyến phố lễ hội từ ngày 28 đến 30/4 |
Theo ông Lê Ngọc Vũ, trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin của thị xã, điểm nhấn chính của lễ hội với chương trình đêm hoa đăng trên sông Thạch Hãn tri ân các anh hùng liệt sĩ từ 20 đến 21 giờ vào tối 29 /4. Địa điểm diễn ra tại Nhà hành lễ bến thả hoa ở bờ Nam- Bắc sông Thạch Hãn. Ngoài phần dâng đèn hoa đăng của Ban tổ chức lễ hội, vào các đêm 28, 29 và 30/4, du khách muốn dâng đèn hoa đăng cho các liệt sĩ thì Ban tổ chức lễ hội sẵn sàng phục vụ. Trước đây hằng năm, cứ vào dịp lễ 27/7, Thị xã Quảng Trị lại mở hội hoa đăng trên sông Thạch Hãn. Nhưng bây giờ thị xã muốn tổ chức nhiều đêm hoa đăng hơn để phục vụ nhu cầu của du khách. Đây là lễ hội của dòng sông và lễ hội của lòng người. Mỗi đêm lễ hội dâng đèn hoa đăng, đứng từ trên phía cầu Thạch Hãn nhìn về, những đèn hoa được thả trôi, rồi ánh lửa lan ra khắp mặt sông cứ lập lờ, lập lờ chạy chầm chậm …vào lòng người. Nghe như dưới đáy sông kia tiếng của các liệt sĩ đang hát khúc quân hành. Câu chuyện về lịch sử bi thương của chiến sĩ Thành cổ đến hôm nay vẫn luôn làm nhiều người xúc động.
Ngày 16/91972, để bảo toàn lực lượng cũng như sau khi hoàn thành nhệm vụ chốt giữ Thành cổ, bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định rút toàn bộ lực lượng bộ đội trấn giữ Thành cổ về phía bờ Bắc sông Thạch Hãn. Lúc này, sông Thạch Hãn đang vào mùa lũ lớn. Vì vậy, hàng ngàn chiến sĩ cùng thương binh của ta khi qua dòng sông này đã không còn đủ sức chống lại với dòng nước lũ đang chảy xiết. Sông Thạch Hãn trong những ngày ấy đã trở thành dòng sông máu, là nơi yên nghĩ vĩnh viễn của các chiến sĩ Thành cổ kiêu hùng.
Ông Văn Ngọc Lãm, Chủ tịch UBND Thị xã Quảng Trị cho biết sau lễ hội này, thị xã sẽ tổ chức lễ hội tiếp vào các dịp rằm tháng 7, ngày 2/9…cố gắng mỗi quý tổ chức lễ hội được một lần. Sau khi tiến đến lễ hội bài bản, chuyên nghiệp hơn sẽ tổ chức mỗi tháng một lần nhằm tạo ra một sản phẩm du lịch mang sác thái đặc trưng của thị xã để vừa quảng bá hình ảnh con người và mảnh đất Thị xã Quảng Trị nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung...
LÂM QUANG HUY