Dự hội nghị, có ông Hoàng Đức Thắng - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Trần Huy – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; các đồng chí Chủ tịch Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, CĐCS trực thuộc trong toàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Hoài Lê - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị điều hành hội nghị. Ảnh: Hưng Thơ.
Chủ trì hội nghị, ông Nguyễn Thế Lập – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh và bà Nguyễn Thị Hoài Lê - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, trong hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay, BLLĐ giữ một vị trí quan trọng. BLLĐ lần đầu được ban hành ngày 23.6.1994, có hiệu lực thi hành từ 01.01.1995, đã qua bốn lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012.
Tuy nhiên, sau nhiều năm áp dụng thực hiện, đã xuất hiện các yêu cầu đòi hỏi BLLĐ (năm 2012) cần được tiếp tục hoàn thiện.
Hội nghị lấy ý kiến tham gia dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi. Ảnh: Hưng Thơ.
Sau khi Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai về việc thực hiện các hoạt động tham gia xây dựng BLLĐ (sửa đổi), LĐLĐ tỉnh Quảng Trị đã có văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong CNVCLĐ và cán bộ công đoàn toàn tỉnh.
“Quan điểm của LĐLĐ tỉnh khi tham gia ý kiến sửa đổi BLLĐ (năm 2012) là phải đảm bảo các nguyên tắc như: Sửa đổi BLLĐ không làm suy giảm và mất đi các quyền lợi của người lao động đã được pháp luật khẳng định trong thực tiễn thi hành; tạo khung pháp lý thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của tổ chức Công đoàn trong quan hệ lao động; sửa đổi BLLĐ phải xác định người lao động là thế “yếu” để có những quy định cho phù hợp, thể hiện bản chất nhân văn tốt đẹp của chế độ XHCN ở nước ta”- bà Nguyễn Thị Hoài Lê - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị, nói.
Ông Hoàng Đức Thắng – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hưng Thơ.
Từ định hướng nói trên, các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận, đóng góp ý kiến, tập trung vào các vấn đề liên quan đến người lao động và hoạt động của tổ chức công đoàn như: Tiền lương, tiền công; Mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm; Về thương lượng tập thể, vai trò của tổ chức CĐCS trong thương lượng tập thể; Quyền đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; Về giải quyết tranh chấp lao động và đình công.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về các điều kiện đảm bảo hoạt động của tổ chức Công đoàn; Quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động và chính sách lao động nữ cùng nhiều nội dung liên quan khác...
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Đức Thắng - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao ý kiến của các đại biểu tại hội nghị đóng góp vào Dự thảo BLLĐ (sửa đổi). Ông Thắng. Và đề nghị ban tổ chức hội nghị tổng hợp những kiến nghị xác đáng nhất, có tính đại diện và gần gũi nhất với quyền lợi của người lao động, hoạt động của tổ chức Công đoàn để tham gia đóng góp ý kiến với các cơ quan cấp trên.