Lấy ý kiến về hợp nhất 3 văn phòng tham mưu cấp tỉnh 

(Chinhphu.vn) - Ngày 27/7, tại Đà Nẵng, Văn phòng Quốc hội tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh.

Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc thí điểm hợp nhất 3 văn phòng nhằm giảm đầu mối, giảm biên chế và nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ ở khối văn phòng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thiết lập bộ máy giúp việc chung cho đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan này trong giai đoạn hiện nay.

Kết quả của việc thí điểm hợp nhất các văn phòng tại một số địa phương trong cả nước sẽ là cơ sở để sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của văn phòng chung; cơ cấu, tổ chức, biên chế của văn phòng chung; phương thức hoạt động và mối quan hệ công tác của văn phòng chung; các điều kiện đảm bảo hoạt động; thời gian thực hiện thí điểm; nguyên tắc lựa chọn, đề xuất cơ cấu, số lượng địa phương tham gia thí điểm và những điểm cần lưu ý khi thực hiện hợp nhất 3 văn phòng.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng cho biết về cơ bản thống nhất với các nội dung trong dự thảo Đề án. Tuy nhiên, việc hợp nhất 3 văn phòng cần xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn hiện nay và phải bảo đảm được việc nâng cao tính hiệu quả trong công tác tham mưu, phục vụ của văn phòng chứ không chỉ đơn thuần là giảm biên chế, giảm đầu mối, giảm cơ sở vật chất.

Phó Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Lê Minh Trung cho hay Đà Nẵng thống nhất chủ trương hợp nhất 3 văn phòng thành văn phòng chung, nhưng việc hợp nhất không phải là sáp nhập một cách cơ học.

Bên cạnh đó cần làm rõ về chức năng, nhiệm vụ của chánh văn phòng chung và các phó chánh văn phòng sau khi hợp nhất để các chức danh này vừa phục vụ được đoàn đại biểu Quốc hội vừa phục vụ được UBND và cả lãnh đạo HĐND.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Thị Ái Vân cho rằng việc triển khai thí điểm sáp nhập các văn phòng phải chú trọng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công viện và không gián đoạn công tác tham mưu, phục vụ.

Bà Vân đề nghị trước mắt nên sáp nhập văn phòng HĐND và văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội vì đây là 2 văn phòng có chung vai trò, chức năng, nhiệm vụ. Sau khi hợp nhất 2 văn phòng này thì sẽ tính đến sát nhập văn phòng UBND và sau đó, từng bước sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Thế Phong

1128 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1098
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1098
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77213861