Lấy ý kiến Nhân dân về Luật đất đai (sửa đổi): Cần phát huy dân chủ, trí tuệ, thực chất 

Ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thời gian lấy ý kiến là từ ngày 3/01/2023 đến hết ngày 15/3/2023. Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); các nội dung trọng tâm do Chính phủ xác định phù hợp với từng nhóm đối tượng lấy ý kiến.

Có thể thấy, Luật Đất đai (sửa đổi) là một đạo luật rất quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật khác. Đây cũng là luật tác động đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, tổ chức và người dân. Theo kết quả rà soát cho thấy, có 22 trong tổng số 112 luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật Đất đai 2013, nên công việc nảy sinh sẽ kéo theo việc sửa đổi nhiều luật nữa rất cần thu thập ý kiến.  

Việc lấy ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho thấy Nhà nước muốn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, phát huy quyền làm chủ, trí tuệ của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng các quy định pháp luật đất đai, góp phần xây dựng Luật sẽ có sức sống lâu dài, mang “hơi thở” của xã hội.

Do đó, việc lấy ý kiến nhân dân là cần thiết, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tế; bảo đảm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân trong việc góp ý vào nội dung dự thảo Luật, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi). Vì vậy, để đạt được mục đích, yêu cầu và hiệu quả, thì việc lấy ý kiến cần nên thực hiện theo nhiều đợt, nhiều kênh để bảo đảm việc lấy ý kiến trung thực, khách quan; tập trung vào những vấn đề trọng tâm như các quy định liên quan đến quyền và lợi ích của người dân về đất đai trong đó đặc biệt các quy định liên quan đến chính sách sử dụng đất; chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; việc thu hồi đất để thực hiện các dự án; quy định về giá đất, khung giá đất…

Đồng thời, đối tượng lấy ý kiến cũng khá rộng, bao gồm các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học. Việc lấy ý kiến được tổ chức dưới nhiều hình thức như: Góp ý trực tiếp bằng văn bản; Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; Thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, các hình thức phù hợp khác.

Có thể khẳng định rằng, thời gian qua tranh chấp, khiếu kiện chủ yếu liên quan đến đất đai với các quy định còn chưa rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn, không thống nhất, chưa theo kịp cơ chế kinh tế thị trường đã gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng và bức xúc trong xã hội. Vì vậy, thông qua việc lấy ý kiến sẽ giúp người dân được thể hiện quan điểm, đóng góp ý kiến xác đáng của mình, đồng thời hiểu rõ hơn các quy định pháp luật và chấp hành đúng pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, ý kiến đóng góp của Nhân dân cần phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác; nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc, tránh hình thức để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng và hợp pháp của Nhân dân.

Thực tế cho thấy, đây không phải lần đầu tiên tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với các dự án luật, trước đây chúng ta đã thực hiện đối với một số dự án Luật lớn như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự… Vì vậy, trong thời gian tới, để việc lấy ý kiến nhân dân đạt được hiệu quả cao, các cấp, các ngành, các địa phương cần xác định đây là nội dung công việc đặc biệt quan trọng, do đó, cần phải nâng cao nhận thức, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, của các của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc tổ chức tham gia lấy ý kiến.

Bên cạnh đó, tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan Quốc hội để việc lấy ý kiến thực chất, tiết kiệm, hiệu quả, huy động trí tuệ của Nhân dân, tạo sự đồng thuận, công khai, minh bạch, bảo đảm tính khả thi của Luật khi áp dụng. Đồng thời, đáp ứng được kỳ vọng, phát huy được nguồn lực, giá trị của đất đai đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội nói chung.

Mặt khác, tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến; kiên quyết đấu tranh với thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thiết nghĩ, việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân vào các dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), là việc làm cần thiết, quan trọng và phù hợp với tính tình hình thực tế đất nước trong giai đoạn hiện nay góp phần quan trọng để đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào đời sống một cách thiết thực, hiệu quả, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Hải Đăng

351 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 854
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 855
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76814782