Lấy ý kiến đóng góp về Chiến lược phát triển nuôi biển. (Ảnh: Thành Trung)

Theo ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, với chiều dài bờ biển hơn 3.260 km, có nhiều đảo lớn nhỏ, vùng vịnh kín... Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi biển. Đặc biệt là các vùng biển khu vực phía Tây (ít chịu gió bão), khu vực biển miền Trung có lợi thế về độ sâu, áp dụng công nghệ tiến tiến, đảm bảo phát triển nuôi các loài cá biển công nghiệp có quy mô lớn.

Tuy nhiên, nghề nuôi biển tại Việt Nam hiện vẫn còn manh mún, phát triển nhỏ lẻ nên chưa tận dụng, khai thác hết tiềm năng và lợi thế mà thiên nhiên ban tặng. Trong chiến lược nuôi biển đã đề ra nhiều mục tiêu đối với tất cả các khâu như: quy hoạch lại cơ sở sản xuất giống, quy trình nuôi, vùng nuôi và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm... đây là cơ sở cho hoạch định chiến lược phát triển nuôi biển sau này.

Ông Trần Đình Luân hy vọng, thời gian tới sẽ có cơ chế chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này để phát huy được hiệu quả kinh tế cũng như phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản.

TS. Patrick White -  Hội đồng xuất khẩu đậu nành Hoa Kỳ (USSEC) - có hoạt động trong lĩnh vực nuôi xa bờ và kỹ thuật thuỷ sản đánh giá, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nghề nuôi biển. Và nếu có cơ chế chính sách để phát triển thì các khu vực có tiềm năng, lợi thế sẽ tận dụng tối ưu hoá được nguồn tài nguyên này.

Theo Vụ Nuôi trồng thuỷ sản (Tổng cục Thuỷ sản), mục tiêu của dự thảo Chiến lược nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển công nghiệp nuôi biển thành ngành sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn, bền vững, tạo sản phẩm hàng hoá đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng cao, có thương hiệu, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành thuỷ sản và Chiến lược biển Việt Nam.

Cụ thể, đến năm 2020, xây dựng được và áp dụng thí điểm các chính sách khuyến khích doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp. Hình thành mới và tăng số doanh nghiệp lớn tham gia nuôi biển công nghiệp xa bờ tại các tỉnh trọng điểm như Kiên Giang, Phú Yên, Khánh Hoà, Quảng Ninh, Hải Phòng... và một số địa phương có nhiều lợi thế.

Diện tích nuôi biển đạt 270.000 ha; trong đó, vùng biển xa bờ 6.000 ha; ven bờ, ven đảo 14.000 ha; nuôi bãi triều và trong đất liền là 250.000 ha; thể tích lồng nuôi đạt 8 triệu m3. Sản lượng đạt 810.000 tấn; trong đó, cá biển 200.000 tấn, nhuyễn thể 400.000 tấn, rong biển 150.000 tấn. Giá trị xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD.

Đến năm 2030, xây dựng ngành công nghiệp nuôi biển tập trung, đồng bộ, hiện đại, đa dạng sản phẩm, năng suất cao, cơ cấu và tổ chức sản xuất hợp lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập; gắn với bảo vệ môi trường. Xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị cho từng nhóm sản phẩm, được truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng, gắn kết doanh nghiệp, hợp tác xã và ngư dân từ sản xuất giống hải sản, thức ăn, công nghiệp phụ trợ... Diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha; sản lượng 1,75 triệu tấn; giá trị xuất khẩu đạt từ 5-8 tỷ USD.

Đến năm 2050, Việt Nam có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến, phát triển bền vững, với công nghệ hiện đại và phương thức quản lý khoa học. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận chính của kinh tế biển, đóng góp 2-3% GDP.

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hàng đầu về công nghiệp nuôi biển trong khối ASEAN và châu Á, đứng top 5 trên thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu hải sản nuôi. Sản lượng nuôi biển đạt 3 triệu tấn/năm; giá trị thương mại và xuất khẩu trên 10 tỷ USD./.

Thành Trung/TTXVN