Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: LV)
Tham gia đóng góp, thảo luận tại hội thảo có đại diện các cơ quan giám sát của Quốc hội; các cơ quan quản lý như Văn phòng chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước; các cơ quan, đơn vị sử dụng nợ công, các cơ quan cho vay lại và nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính.
Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2017 tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14 là một bước cải cách trong công tác quản lý nợ công. Việc ban hành Luật quản lý nợ công thay thế Luật quản lý nợ công năm 2009.
Hội thảo lần này, Bộ Tài chính phối hợp với ADB tổ chức xin ý kiến đối với 4 dự thảo các Nghị định liên quan đến nghiệp vụ quản lý nợ công; sử dụng và quản lý Quỹ Tích lũy trả nợ; cấp và quản lý bảo lãnh của Chính phủ; cho vay lại nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Phát biểu khai mạc, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết: Luật này ra đời nhằm tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013, thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách đầu tư mới được ban hành; khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 8 năm triển khai thi hành Luật Quản lý nợ công như các tồn tại liên quan đến quy định về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ, vay nợ của chính quyền địa phương; quản lý rủi ro; thống kê, kế toán, kiểm tra, giám sát nợ công, nâng cao và gắn trách nhiệm giải trình với chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công của các cơ quan có liên quan.
Ông Long đánh giá, việc ban hành Luật cũng đáp ứng yêu cầu quản lý nợ bền vững, an toàn, hiệu quả phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới, đặc biệt khi Việt Nam đã chuyển thành quốc gia có thu nhập trung bình thì nguồn vốn ODA trong thời gian tới sẽ giám dần và kết thúc, thay vào đó là các nguồn vốn vay với điều kiện gần với điều kiện thị trường.
Đại diện Bộ Tài chính cho hay, việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công đã cụ thể hóa chủ trương đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật của nhà nước đáp ứng yêu cầu quản lý đặt ra trong tình hình mới, cụ thể là thực hiện chủ trương tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn bền vững tại Nghị quyết 07-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Để hướng dẫn Luật quản lý nợ công, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng dự thảo 6 Nghị định, hướng dẫn chi tiết các nội dung về: nghiệp vụ quản lý nợ công; trái phiếu Chính phủ; cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, cấp và quản lý bảo lãnh của Chính phủ; quản lý Quỹ tích lũy trả nợ và quản lý nợ của chính quyền địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng 1 Nghị định liên quan tới quản lý vốn ODA, vay ưu đãi.
Đến nay, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng Ban soạn thảo để dự thảo nội dung các Nghị định, gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan. Dự thảo các Nghị định cũng đã được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính để lấy ý kiến rộng rãi.
Được biết, trong quá trình soạn thảo Nghị định, Bộ Tài chính cũng tham vấn ý kiến của các chuyên gia quốc tế của Ngân hàng Thế giới (WB), ADB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các chuyên gia độc lập trong nước về kinh nghiệm tốt đối với quản lý nợ công. Bộ Tài chính cũng đã tổ chức Hội thảo về nội dung phát hành trái phiếu Chính phủ và quản lý nợ của chính quyền địa phương.
Tại hội thảo, đại diện Ngân hàng ADB, ông Aaron Batten - Chuyên gia kinh tế cao cấp đánh giá cao sự kiện lần này. Ông cho rằng đây là bằng chứng cho thấy sự tham gia sâu rộng của tất cả các bên vào quá trình xây dựng chính sách của Chính phủ.
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để thay đổi quá trình quản lý nợ công tại Việt Nam theo hướng tăng cường vai trò quản lý, đặc biệt là trong xây dựng các hệ thống cơ quan của Chính phủ để tăng cường sự minh bạch hơn nữa. Rõ ràng, các địa phương cũng có vai trò ngày càng quan trọng hơn trong quá trình cho vay lại và trả nợ, đảm bảo tính bền vững của nợ cũng như tăng cường mối quan hệ với các đối tác quốc tế.
“Đó là sự đổi mới rất tham vọng của Chính phủ Việt Nam. ADB hi vọng có thể hỗ trợ hết mức để Chính phủ Việt Nam thực hiện những đổi mới này”, Ông Aaron Batten chia sẻ.
Đại diện ADB cho rằng quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn cũng chính là cơ hội nâng cao năng lực cho các cơ quan tham gia triển khai Luật tới đây. Chính phủ không thể đảm bảo các cơ quan liên quan cũng như địa phương đủ năng lực để hấp thu các quy định mới, do đó, để giảm bớt rủi ro, cần phải kết hợp quá trình tham vấn với các hoạt động nâng cao năng lực cho các bên tham gia.
Hội thảo dự kiến diễn ra trong ngày 22 và 23/3/2018./.
M.P