Nhiều hộ dân ở thôn Nà Lạn, xã Sơn Phú, Na Hang tìm hướng thoát nghèo
bằng nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang
Từ sự chủ động của các địa phương…
Ở vùng DTTS và miền núi, một số địa phương có điều kiện kinh tế khá phát triển, có khả năng cân đối, bố trí ngân sách để đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn. Quảng Ninh là một điển hình. Bà Vũ Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã ban hành Quyết định số 196/QĐ-UBND ngày 17/01/2017 phê duyệt Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh (Đề án 196).
Quan điểm chỉ đạo của Quảng Ninh khi thực hiện Đề án 196 là: Tỉnh tập trung hỗ trợ, hướng dẫn; huyện trực tiếp chỉ đạo; cấp xã trực tiếp thực hiện; thôn bản đoàn kết, đồng lòng; người dân tích cực sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại và phải thực sự là chủ thể của Đề án; cấp ủy, chính quyền, đoàn thể không làm thay người dân mà hỗ trợ, hướng dẫn theo hướng cầm tay chỉ việc, coi trọng hiệu quả thực tiễn.
Thực hiện Đề án này, tỉnh Quảng Ninh bố trí và xác định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 số vốn gần 1.309 tỷ đồng, bình quân khoảng 14 tỷ đồng/xã/năm. Đến hết năm 2018, Quảng Ninh đã có thêm 5 xã, 40 thôn đạt tiêu chí hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK và 12 xã, 8 thôn đăng ký ra khỏi diện ĐBKK năm 2019. Như vậy, đến hết năm 2019, tỉnh Quảng Ninh sẽ cơ bản không còn xã, thôn bản ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135 sớm hơn so với Đề án được phê duyệt.
Đặc biệt, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), hộ nghèo, cận nghèo tại xã, thôn ĐBKK đã có chuyển biến tích cực về ý thức vươn lên thoát nghèo, chủ động đăng ký lộ trình, phấn đấu thoát nghèo. Cả tỉnh đã có trên 500 hộ tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo khi đủ điều kiện, là điểm sáng điển hình trong công tác giảm nghèo tại địa bàn ĐBKK của tỉnh.
Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, hiện nay, có khoảng 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành chính sách riêng để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS.
Tỉnh Bắc Giang có chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng định mức 1,5 tỷ đồng/thôn, bản đối với 36 thôn, bản ĐBKK nhất tỉnh, giai đoạn 2019 - 2021.
Tỉnh Đắk Nông có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với hộ gia đình DTTS tại chỗ vay vốn sử dụng vào các mục đích phục vụ nông nghiệp và các dịch vụ nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2015 - 2020. Tổng số tiền vay được hỗ trợ lãi suất trong hợp đồng tín dụng tối đa là 300 triệu đồng/hộ gia đình/năm; mức hỗ trợ lãi suất bằng 40% số tiền lãi suất và không quá 10 triệu đồng/hộ gia đình/năm.
Tỉnh Đồng Nai hỗ trợ cây, con giống và đào tạo nghề nông nghiệp cho đồng bào Hoa, Khmer, Chăm.
Tỉnh Quảng Ngãi có chính sách hỗ trợ, biểu dương khen thưởng đối với hộ gia đình, thôn, xã, huyện thoát nghèo ở miền núi giai đoạn 2016 - 2020. Hộ gia đình thoát nghèo đồng thời thoát cận nghèo được hỗ trợ một lần 10 triệu đồng bằng tiền mặt để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo ra thu nhập ổn định; thôn thoát khỏi tình trạng ĐBKK được thưởng 200 triệu đồng để đầu tư xây dựng công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống cho cộng đồng dân cư; xã thoát khỏi tình trạng ĐBKK được thưởng 01 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất và đời sống cho cộng đồng dân cư trên địa bàn...
Một góc thôn Sín Lùng Chải B, xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai
Mỗi địa phương có một cách làm khác nhau, tùy thuộc vào khả năng ngân sách và tình hình thực tế trên địa bàn. Song với việc ngày càng có nhiều tỉnh, thành phố ban hành nghị quyết chuyên đề, chính sách hỗ trợ đặc thù cho công tác giảm nghèo vùng DTTS, miền núi nói chung, vùng ĐBKK nói riêng đã khẳng định sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp với quyết tâm tập trung đầu tư để tạo thành cuộc cách mạng kinh tế- xã hội tại các vùng ĐBKK.
… Đến niềm tin từ những mô hình truyền cảm hứng
Người dân 4 thôn ĐBKK: 5, 7A, 7B, 8A, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái hiện đang rất hào hứng với mô hình trồng xen canh cây khoai môn với cây lâm nghiệp trên diện tích nương đồi đất dốc và diện tích đất 1 vụ, bãi soi. Người truyền cảm hứng tới đồng bào các dân tộc nơi đây thực hiện mô hình là chị Lê Thị Hải ở thôn 5. Năm 2003, chị Hải được người quen ở vùng khác cho 6 mắt mầm khoai môn. Chị bỏ quên ở góc vườn chục năm không ngó đến. Nào ngờ một hôm nhà có cỗ, sực nhớ ra đào lên nấu canh. Sản phẩm được cả nhà và xóm giềng khen bở, thơm, ngon. Sau đó, chị Hải trồng hơn 1 sào khoai môn, mỗi năm thu được hơn 1 tấn củ, vừa cho con cháu, hàng xóm, vừa bán thu được 20 triệu đồng, lãi hơn trồng hai vụ lúa/năm.
Chị Nguyễn Thị Bích, dân tộc Tày ở cùng thôn, được chị Hải cho 1 bao củ giống, sau một vụ trồng, thu được hơn 3 triệu đồng tiền bán khoai.
Căn cứ nguyện vọng của đồng bào các dân tộc địa phương, từ năm 2018, Chương trình 135 đã sử dụng nguồn vốn các dự án mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã, thôn bản ĐBKK thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để hỗ trợ 28 hộ trồng 2,8 ha khoai môn.
Ông Hoàng Cao Khải - Bí thư Chi bộ thôn 7A nhận xét, các hộ tham gia dự án rất phấn khởi vì được hỗ trợ phân, giống, chuyển giao kỹ thuật. Cây khoai môn trồng xen kẽ với cây trồng khác nên không tốn diện tích.
Chị Lê Thị Hải là một người Kinh, năm nay 60 tuổi. Mơ ước của chị là xã Việt Cường xây dựng được vùng nguyên liệu khoai môn có sản lượng hàng trăm tấn, bởi theo chị, nếu chỉ có 1 kg khoai thì không bán được, 10 kg thì khó bán, từ 1.000 kg trở lên thì mới dễ bán. Bản thân chị sẵn sàng đứng lên thu mua để đưa khoai môn Việt Cường vào các siêu thị ở những đô thị lớn.
Anh Phùng Xuân Sơn, dân tộc Dao ở xã ĐBKK Sơn Phú, huyện Na Hang là trưởng nhóm hợp tác nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Từ năm 2010, anh Sơn tự làm lồng tre để nuôi cá. Dần dần có nhiều hộ khác học tập làm theo. Nhóm của anh Sơn hiện có 20 hộ nuôi cá lồng bè. Anh cho biết, hộ thu nhiều cũng được 70 - 80 triệu đồng/năm, hộ ít cũng được 45 - 50 triệu đồng/năm.
Ông Bàn Kim Thọ, một người mày mò nuôi cá lăng từ năm 2014 cho biết, sau 2 năm thả cá giống là có thể thu hoạch. Cá lăng đạt trọng lượng trên 2kg/con, giá bán tại lồng 90.000 đồng/kg. Mức lợi nhuận tốt hơn và các hộ nuôi cũng ít chịu rủi ro do rét đậm, rét hại thường xảy ra vào mùa đông ở các tỉnh miền núi phía Bắc so với chăn nuôi trâu, bò. Trong thời gian chờ thu hoạch, người nuôi tạo sinh kế bằng cách khai thác thủy sản tự nhiên và sản xuất nông, lâm nghiệp.
Học phương pháp làm ăn của anh Sơn và những người đi trước, 15 hộ DTTS sống trên địa bàn thôn Nà Lạn, xã Sơn Phú đã chọn cách giảm nghèo bằng nuôi cá lăng lồng bè trong lòng hồ. Họ là những người có ít đất sản xuất, hạ sơn xuống vùng ven hồ tìm kế sinh nhai. Ông Triệu Tiến Phin - Chủ tịch UBND xã Sơn Phú cho biết, các hộ tham gia mô hình phải là hộ nghèo, qua vòng bình chọn công khai ở thôn và phải ký cam kết thoát nghèo sau thời gian thực hiện mô hình. Các hộ dân được hỗ trợ cá giống, thức ăn, được đào tạo kỹ thuật nuôi cá. Nhóm này đã mời anh Sơn tham gia để hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cách làm lồng, lưới để hạn chế rủi ro vào mùa nước lên, cách phòng trừ bệnh hại trên cá…
Trong định hướng xây dựng chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Ủy ban Dân tộc đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: giảm ít nhất 40% số xã ĐBKK, 60% các thôn, bản ĐBKK, giảm ít nhất 25 huyện nghèo (theo Nghị quyết 30a). Đến năm 2030, tức là sau 32 năm thực hiện Chương trình 135, không còn xã ĐBKK, giảm ít nhất 75% số thôn, bản ĐBKK và không còn huyện nghèo nhất nước theo tiêu chí hiện nay.
Nếu không có quyết tâm đạt được những mục tiêu này, ông Ksor Phước - nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cảnh báo, các thôn bản ĐBKK sẽ là “cái rốn” cuối cùng của nghèo nàn, lạc hậu trong vùng DTTS. Một số dân tộc “bị bỏ lại ngày càng xa phía sau” và nước ta lại phải tiếp tục cuộc “kháng chiến trường kỳ” xóa đói giảm nghèo chưa biết đến bao giờ mới kết thúc ở một số vùng DTTS.
Theo nhiều chuyên gia trong nước và các tổ chức quốc tế là đối tác phát triển của Ủy ban Dân tộc, nếu coi vùng DTTS là “lõi nghèo” của cả nước thì vùng ĐBKK là “lõi” của “vùng lõi”. Ở những thôn bản khó khăn nhất thì các hộ nghèo cũng chính là đối tượng khó thoát nghèo nhất. Do vậy, chính sách xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS ở vùng ĐBKK cần ưu tiên cho nhóm yếu thế nhất, dễ bị tổn thương nhất.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ xây dựng những mô hình sản xuất hỗn hợp có tính chất truyền cảm hứng ở thôn bản. Trong mô hình có sự tham gia của cả người nghèo và người đã thoát nghèo, nhằm gia tăng sự gắn kết cộng đồng và phát huy vai trò tích cực của những người tiên phong đã tìm được hướng thoát nghèo.
20 năm trước, Chương trình 135 ra đời là kết quả của sự đổi mới tư duy của Đảng, Nhà nước ta, chuyển từ cách thức đầu tư “dễ làm trước, khó làm sau” sang đầu tư, hỗ trợ thẳng tới địa bàn nghèo nhất, khó khăn nhất. Sứ mệnh ngày nay và các giai đoạn tiếp theo của Chương trình 135 cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là phải giúp các thôn bản, các hộ dân khó khăn nhất thoát nghèo bền vững. Giải pháp đột phá thực hiện sứ mệnh đó là phải lấy người dân làm trung tâm; phát hiện, nâng đỡ kịp thời những mô hình tạo sinh kế bền vững cho đồng bào tăng thu nhập ngay từ thôn, bản./.
Phương Liên