Theo Kết quả điều tra khảo sát, lập phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phần diện tích đất 5.000 ha của Dự án, khái toán tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ khoảng hơn 23 nghìn tỷ đồng (tính theo đơn giá năm 2017), trong đó có 5.030 tỷ đồng để xây dựng khu tái định cư.

Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để thực hiện trước bảo đảm tiến độ của Dự án theo Nghị quyết 94 của Quốc hội, vì đặc thù công tác giải phóng mặt bằng thường phát sinh khó khăn, vướng mắc, phức tạp trong quá trình thực hiện và mất nhiều thời gian, tăng chi phí nếu quá trình thực hiện kéo dài. Nếu chờ đến khi Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án (dự kiến năm 2019), Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư Dự án, sau đó mới thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thì nhiều khả năng sẽ chậm tiến độ so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra khoảng 2-3 năm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Lấy đâu ra 23.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng?

Đại biểu Trần Văn Tuyến (tỉnh Vĩnh Phúc) và nhiều đại biểu khác băn khoăn về kinh phí giải phóng mặt bằng, khi kinh phí phân bổ theo kế hoạch trung hạn năm 2016-2020 là 5.000 tỷ đồng, trong khi tính toán sơ bộ phương án kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho tỉnh Đồng Nai là hơn 23.000 tỷ đồng, vậy tiền lấy ở đâu? Và xử lý như thế nào trong khi kế hoạch trung hạn từ nay đến năm 2020 đã được phân bổ hết. Đề nghị phải làm rõ phương án huy động nguồn kinh phí để bảo đảm tính khả thi của Dự án.

Về tiến độ của Dự án, đại biểu Trần Văn Tuyến bày tỏ, UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng phương án dự kiến giải phóng mặt bằng phục vụ các công trình hàng không là 3 năm với tổng diện tích thu hồi dự kiến hơn 5.600 ha, gồm 5.000 ha đất xây dựng Cảng hàng không và 614,65 ha đất xây dựng các khu tái định cư và nghĩa trang, và tổng số hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất là 4.730 hộ gia đình, cá nhân với khoảng 15.000 nhân khẩu và 26 tổ chức. Vấn đề đặt ra, khi có nguồn kinh phí thì tính khả thi về tiến độ giải phóng mặt bằng của Dự án có đảm bảo không? Vì nếu kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xây dựng, tăng kinh phí giải phóng mặt bằng và các vấn đề xã hội phát sinh khác.

Tiến hành giải phóng mặt bằng khi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành chưa được thông qua là cần thiết. Nhưng đặt giả thiết, trường hợp có thể xảy ra là, nếu Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành lập có tính khả thi thấp, không được phê duyệt hoặc được phê duyệt nhưng chậm, hoặc tính khả thi cao, nhưng vì một lý do nào đó được thực hiện chậm, thì sẽ xử lý thế nào?

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) cho rằng bài toán khó khăn nhất hiện nay là kinh phí, là việc giải phóng mặt bằng. Đồng tình giải phóng mặt bằng một lần, vì xuất phát từ thực tiễn cho thấy, nếu nhiều lần mỗi lần giá cả khác nhau, dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo. Tuy vậy, đại biểu vẫn cho rằng, Dự án giải phóng mặt bằng này là không khả thi vì tiền giải phóng mặt bằng là tiền của Chính phủ. Vốn trung hạn đã thông qua là 5.000 tỷ đồng, giờ phải cần hơn 23.000 tỷ đồng, trong điều kiện kinh tế đang gặp khó khăn, nợ công tăng cao, nếu thực hiện Chính phủ cần có giải trình rõ hơn các phương án huy động ngân sách lấy ở đâu ra?

Mặt khác, thu hồi đất rồi mà Dự án mới chỉ triển khai giai đoạn 1.Theo lộ trình giai đoạn 2 nhanh phải 5-10 năm nữa, chậm là 10-15 năm, như vậy đất thu hồi có lãng phí không? Liệu có ngăn chặn được sự tái lấn chiếm hay không? Chưa nói đến việc di dời 4.700 hộ gia đình đến nơi mới với yêu cầu nơi mới phải cao hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Nếu chúng ta không lường trước được những khó khăn vướng mắc thì Nghị quyết ban hành sẽ là lực cản của tiến độ, đồng thời gây lãng phí, phản ứng của người dân.

Tiết kiệm chi thường xuyên 2 năm đủ tiền giải phóng mặt bằng

Trước băn khoăn của nhiều đại biểu về vấn đề lấy đâu ra 23.000 tỷ đồng đề giải phóng mặt bằng, đại biểu Phạm Minh Chính (tỉnh Quảng Ninh) cho hay, có 2 giải pháp có tính khả thi và hiệu quả. Một là, Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội cơ chế đặc biệt cho giải phóng mặt bằng tái định cư. Thứ 2 là tiết kiệm chi thường xuyên trên phạm vi cả nước.

"Sau 2 năm triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị thì biên chế của chúng ta không giảm mà còn tăng, chi tiêu thường xuyên tăng lên con số tương đối là 62,3% năm 2015 và 65,7% năm 2016. Dự kiến năm 2017 là 64,9%, tăng con số tuyệt đối năm 2016 so với 2015 là trên 50.000 tỷ đồng, năm 2017 tăng so với 2015 là 114.000 tỷ đồng.

Như vậy riêng 2017, ta tiết kiệm chi 1% thôi là có trên 10.000 tỷ đồng, năm 2018 tiết kiệm chi 1% thì có trên 10.000 tỷ đồng nữa. Như vậy chúng ta có trên 20.000 tỷ. Muốn làm vậy chúng ta phải giảm đầu mối, giảm biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị là có thể giải quyết được việc này", đại biểu Phạm Minh Chính chia sẻ.

"Chúng ta cứ loay hoay nhưng chính chúng ta cùng giảm biên chế, giảm đầu mối theo tinh thần Nghị quyết 39, chỉ cần 2 năm thì giải quyết được việc này" – đại biểu Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

* Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 với 89% đại biểu tán thành./.

Mỹ Anh