Theo phản ánh của người dân, trước đó, vào cuối tháng 4/2020, một số hộ dân khi đi thăm đồng đã phát hiện nhiều cọc sắt nhọn cắm trên khắp ruộng lúa của mình. Những cọc sắt này dài 80 - 90cm, đường kính 8mm, một đầu uốn hình móc câu, được cắm xuống đất xen lẫn trong lúa rải khắp cánh đồng đang chờ gặt hái.
Do đợt mưa lớn kèm gió mạnh vừa rồi khiến nhiều diện tích lúa đổ rạp nên mới để lộ ra các cọc sắt, nhờ vậy mà mọi người mới phát hiện được sự việc.
Trước thực trạng trên, nông dân đã trình báo vụ việc lên chính quyền xã, đồng thời tổ chức tìm kiếm và thu gom được 42 cọc sắt nhọn. Tuy nhiên, vì các cọc sắt này được cắm thấp hơn ngọn lúa, đồng thời lại có màu gần giống với phần lá già khô nên rất khó nhìn thấy.
Ông Nguyễn Văn Hồng, chủ một máy gặt trú tại xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cho biết, đây là lần đầu tiên ông đưa máy về gặt tại đội 7, thôn Nại Cửu. Trước đó, ngày 8/4, ông ký hợp đồng thu hoạch lúa với HTX Nại Cửu hai vụ lúa đông xuân và hè thu năm 2020 với giá 90.000 đồng/sào Trung bộ (500m2).
“Mặc dù HTX cũng như các hộ dân đã trình bày vụ việc và khi sắp gặt, sào lúa nào chúng tôi cũng phân công thành viên kiểm tra trước xem còn cọc sắt nào lẫn sót trong lúa không, rồi mới cho máy xuống gặt. Tuy nhiên, trong quá trình cắt lúa, máy vẫn nhiều lần cắt trúng cọc sắt, dẫn đến dàn lưỡi cắt bị mẻ và gãy răng, phải dừng hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc tốn tiền sửa chữa và làm chậm quá trình thu hoạch lúa cho bà con”, ông Hồng buồn bã nói.
|
Khu vực cánh đồng - nơi xảy ra vụ việc. |
Ông Hoàng Văn Hiễn, thành viên HTX Nại Cửu (SN 1968, trú thôn Nại Cửu), cho hay, toàn bộ cánh đồng lúa ở đội 7 có tổng diện tích 22ha, nếu thời tiết thuận lợi thì máy chỉ gặt trong khoảng 1 tuần là xong. Tuy nhiên, vụ lúa năm nay, tiến độ thu hoạch bị chậm hơn nhiều vì vừa gặt mọi người vừa kiểm tra và tìm kiếm các cọc sắt do kẻ xấu cắm giấu lẫn trong các bụi lúa.
“Khi đưa máy vào gặt mà “xén” trúng những thanh sắt này, nhẹ thì máy bị mẻ hoặc gãy răng, còn nặng thì hư luôn dàn lưỡi cắt. Không chỉ thế, nếu thanh sắt bị máy gặt cắt ngang thì vô cùng nguy hiểm, bởi khi người dân xuống ruộng vác lúa, gom rơm rạ dễ dẫm phải”, ông Hiễn nói.
|
Các cọc sắt được cắm thấp hơn ngọn lúa, đồng thời lại có màu gần giống với phần lá già khô nên rất khó nhìn thấy. |
“Thực trạng này nếu còn tiếp diễn thì các vụ lúa tới sẽ không có chủ máy gặt nào dám hợp đồng đưa máy về gặt nữa. Vì vậy, bà con chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm tìm ra thủ phạm, để đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn và để mọi người yên tâm thu hoạch mùa màng”, lời ông Hiễn.
Cũng từ lúc xuống vụ gặt đến giờ, ngày nào ông Hiễn cũng có mặt tại cánh đồng giữa trời nóng bức để theo sát máy gặt và đôn đốc các hộ dân kiểm tra kỹ từng ruộng lúa. Kết thúc những buổi gặt, ông lại xách về vài cọc sắt nhọn.
Liên quan đến sự việc trên, một lãnh đạo UBND xã Triệu Thành cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, công an xã đã xuống hiện trường kiểm tra, lập biên bản, giữ tang chứng là các cọc sắt để điều tra và truy tìm kẻ xấu. Đây cũng là lần đầu tiên ở địa phương xảy ra trường hợp này.
Đồng thời, xã cũng khuyến cáo bà con thường xuyên kiểm tra ruộng lúa nhà mình để đề phòng kẻ xấu cắm cọc sắt vào ruộng.