Ảnh minh họa (Nguồn:wordpress.com)

Các trạm này sẽ thu thập dữ liệu chất lượng cao về bức xạ mặt trời và nâng cao tính chính xác của việc ước tính nguồn năng lượng mặt trời. Các dữ liệu sẽ được công bố và cung cấp trực tuyến miễn phí và dự kiến sẽ khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư quan tâm đến việc xây dựng nhà máy điện mặt trời.

Chiến dịch đo năng lượng mặt trời là bước tiếp nối sau khi Ngân hàng Thế giới công bố các bản đồ năng lượng mới cập nhật cho Việt Nam cho thấy tiềm năng trung bình của tài nguyên năng lượng mặt trời ở độ phân giải 1km. Dữ liệu và bản đồ có thể được truy cập thông qua trang bản đồ năng lượng mặt trời toàn cầu (Global Solar Atlas). Sau hai năm đo lường, bản đồ năng lượng mặt trời của Việt Nam sẽ được kiểm chứng đầy đủ với chất lượng tốt đủ đáp ứng cho việc lập kế hoạch và thăm dò.

Cũng theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện năng của đất nước với các giải pháp tái tạo bền vững như: phát triển thủy điện, tiết kiệm năng lượng hơn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và tăng tính hiệu quả của lưới điện trong truyền tải và phân phối. Sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới về đo đạc và lập bản đồ năng lượng mặt trời là một phần trong dự án do Chương trình Hỗ trợ quản lý năng lượng ESMAP hỗ trợ. Dự án cũng đang tiến hành đánh giá và lập bản đồ tiềm năng sinh khối, thủy điện nhỏ và năng lượng gió.

Trạm đo được công bố tại Sông Bình, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận là một phần trong gói hỗ trợ toàn diện năng lượng tái tạo của Ngân hàng Thế giới, bao gồm cả hỗ trợ tư vấn cho các dự án điện mặt trời lớn đang tìm kiếm nguồn tài trợ thương mại./.

K.D