Lao Bảo nhớ khổ, thương nghèo 

Nhớ khổ thương nghèo là một trong những thuộc tính đáng yêu của con người. Và đó cũng là một phần làm nên lịch sử. Với người Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) bây giờ, họ càng có cớ để mà nhớ, mà thương những ngày đầu từ dưới xuôi gồng gánh, dắt díu nhau lên chốn rừng thiêng nước độc ngày ấy để lập nghiệp.

Lịch sử hành chính của thị trấn Lao Bảo chính thức được nhắc đến vào thời nhà Nguyễn, với việc triều đình cho xây dựng nơi đây một đồn trấn thủ ở ải biên thùy, trấn giữ một phần bờ cõi phía Tây của lãnh thổ Đại Nam. Thực chất, ngoài yếu tố biên cương, đồn trấn ải này còn là một “địa chỉ sân sau” của triều đình.

Bởi vùng phên dậu này là nơi khai thác và trao đổi hàng hóa ngược xuôi tấp nập với tài nguyên dồi dào của “bên mình” và xứ Ai Lao bên kia biên giới. Vậy nên không phải ngẫu nhiên mà ngày Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào nam, ông đã chọn Ái Tử ở phía hạ nguồn để làm chốn dừng chân đầu tiên.

Lao Bảo sau đó nổi tiếng với một nhà đày do người Pháp xây dựng năm 1908 trên một khu đất rộng chừng 10ha, hoàn toàn biệt lập với các khu vực khác để giam giữ các "Quốc Sự Phạm" miền Trung – phần lớn là những người yêu nước chống Pháp theo các phong trào Cần Vương, Văn Thân... Và sau 1929-1930, nhà đày được mở rộng để giam tù cộng sản.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Lao Bảo là căn cứ địa cách mạng, góp phần quan trọng vào chiến thắng Khe Sanh – giải phóng Hướng Hóa vào 9.7.1968.

Những cơn ác mộng

Và lịch sử của vùng đất Lao Bảo được “viết lại” từ sau năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, cùng đó là chủ trương di dân lên các vùng kinh tế mới. “Cả thị trấn Lao Bảo ngày ấy là những cánh rừng bạt ngàn và chỉ có một vài con đường đất. Giao thông thì gần như tách biệt với dưới xuôi” - ông Nguyễn Vũ Ái, 64 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Công an xã Tân Phước ngày ấy (thị trấn Lao Bảo bây giờ) nhớ lại. Và mọi chuyện thay đổi bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 10 năm 1975. Với việc có hơn 337 hộ/1.740 người dân ở 10 làng thuộc xã Triệu Phước (huyện Triệu Phong) gồng gánh, dìu dắt nhau lên Lao Bảo lập nghiệp, hình thành nên xã Tân Phước.

Tân Phước ngày ấy có 7 thôn là người đồng bằng gắn với 7 tập đoàn sản xuất là Duy Tân, Cao Việt, An Hà, Xuân Phước, Vĩnh Hoa, Tân Kim 1, Tân Kim 2 và 2 bản người đồng bào thiểu số là Ka Túp (xã Thuận) và bản Lệt (xã Hướng Tân). Đến tháng 8.1980, Tân Phước nhập thêm bản Ka Tăng (xã Hướng Tân), năm 1992 hình thành thêm bản Khe Đá.

Bản làng của đồng bào thiểu số ở Lao Bảo đã khác xưa nhiều, người dân không còn cảnh thiếu đói, nhà cửa khang trang. Ảnh: HVM.

Bản làng của đồng bào thiểu số ở Lao Bảo đã khác xưa nhiều, người dân không còn cảnh thiếu đói, nhà cửa khang trang. Ảnh: Hưng Thơ.

Năm ấy ông Nguyễn Vũ Ái mới ngoài 20 tuổi, nhưng đã là Bí thư xã đoàn của xã Triệu Phước (huyện Triệu Phong) dưới xuôi. Nên ông Ái được chọn là một trong những cán bộ nòng cốt dẫn người dân đi kinh tế mới. “Thời điểm đó, mỗi gia đình chỉ mang theo vài tấm tôn, mấy tấm  bạt để che trại, làm lán. Ở như vậy khoảng 1 tháng, tạm ổn định thì ra rừng chặt tre dựng trại. Và mãi hơn năm sau mới dựng được một cái nhà hai mái lợp tranh dựng phên tre. Đồng bào dân tộc, lúc đó cũng chỉ có 2 bản với khoảng 20 hộ dân, đời sống lạc hậu và nghèo nàn. Dân là thế, quân cũng chẳng hơn gì khi ngay cả Đồn biên phòng Lao Bảo ngày đó, cũng chỉ là hai túp lều tranh đúng nghĩa”, ông Ái nhớ lại. 

“Lúc đó mỗi nhân khẩu lên đây chỉ được Nhà nước cấp đúng 5kg gạo nên thời gian đầu đói vàng mắt. Ở dưới xuôi, cha ông mình bao đời chuyên trồng lúa nước, rứa mà lên đây lại phải đi học đồng bào dân tộc cách trồng lúa rẫy, trồng sắn để kiếm cái ăn qua ngày” - ông Nguyễn Văn Dĩ, 66 tuổi, người gốc Triệu Phước (Triệu Phong) kể. “Những năm đó nếu không có đồng bào dân tộc, đặc biệt là người Lào ở bên kia biên giới thì dân mình e chết hết vì đói” – lời ông Dĩ. Nhờ thế nào? Ông Dĩ bảo “bằng cách trao đổi hàng hóa, mình có muối, đặc biệt là ruốc và mắm cá chuồn từ dưới xuôi đưa lên không biết làm chi cho hết, người Lào họ lại thừa gạo nếp, thế là chúng tôi lén mang mọi thứ họ cần vượt biên trao đổi.

“Đói nhưng vẫn chưa phải là vấn đề. Điều khủng khiếp nhất mà dân mình phải chịu đựng lúc đó là sốt rét. Cứ đến mùa mưa là gần như cả làng cùng sốt, người nằm la liệt” – lời ông Ái. Ông Dĩ, bỗng rùng mình khi nghe nhắc đến chuyện sốt. “Như những cơn ác mộng. Cơ thể tui suy kiệt vì sốt không ngủ được. Nhưng khủng khiếp nhất là da tui lúc đó dày quá, kim đâm không vô để chích thuốc nên sau một hồi đâm thọc, y tá nói eng đợi chút, rồi chạy xuống suối ngồi mài kim trên đá…”

“Khó khăn, đói ăn, bệnh tật… đã khiến người dân hoang mang và gần một phần hai di dân lên đây đã trốn chạy về quê cũ hoặc vào nam” – lời ông Ái. Trốn chạy là từ chính xác bởi họ sẽ bị bắt lại nếu chính quyền phát hiện. Nhưng họ vẫn trốn bằng nhiều cách. Ông Nguyễn Văn Dĩ kể chuyện bạn mình, một trong những người bỏ trốn thành công: “Đêm tối đen, hắn ăn cau trầu rồi khạc nhổ, vu lên là mình ho ra máu. Hoảng hồn, trong làng cử ra ba người thay nhau dùng võng gánh hắn xuống trạm xá điều trị. Đến nơi, hắn trốn về Đông Hà rồi từ Đông Hà trốn vô tận Bình Phước”.

Đến năm 1979, theo thống kê của UBND thị trấn Lao Bảo bây giờ thì còn khoảng hơn 1.000 người di dân kiên quyết bám trụ lại Lao Bảo với mong muốn tên xóm, tên làng mà họ mang theo sẽ gắn bó với mảnh đất này. “Điều gì khiến ông, một chàng trai mới ngoài 20 tuổi không những không bỏ cuộc như nhiều người khác mà còn trở thành một thủ lĩnh, một cán bộ lãnh đạo gương mẫu cho đến tận bây giờ?”. Ông Nguyễn Vũ Ái trầm ngâm: “Những năm trước giải phóng, bạn học của tui bị bên quốc gia bắt lính và chết nhiều đến mức cứ đêm đến nhắm mắt là tui nghĩ sẽ đến lượt mình. Thế nên giải phóng, được cử lên đây xây dựng kinh tế mới, với tui là thiên đường nên hăng hái và lạc quan cách mạng vô cùng…”.  

“Người Lao Bảo” là một thương hiệu!

“Nhưng mà mấy đứa có tin những gì chú đang kể không?”. Bất ngờ ông Ái đặt câu hỏi. Rồi ông tự trả lời: “Vì có khi tui còn không tin được những gì đã xảy ra với mình. Như sáng nay khi đánh ôtô tới đây uống càphê với mấy chú, tui vẫn không hình dung được vì sao, bằng cách nào mà từ những khu rừng, Lao Bảo có thể biến thành một “đô thị vàng” như hiện nay đúng như tiên liệu của nhà thơ Ngô Kha. Và mần răng, mà ngày đó, tui có thể từ đây đi xe đạp xuống tận… Vĩnh Linh với khoảng cách gần 150 km để dự họp rồi quay về?”. 

Những người đầu tiên lên Lao Bảo lập nghiệp thường có những cuộc gặp gỡ, chuyện trò về cuộc sống khó khăn ngày xưa. Ảnh: HVM.

Những người đầu tiên lên Lao Bảo lập nghiệp thường có những cuộc gặp gỡ, chuyện trò về cuộc sống khó khăn ngày xưa. Ảnh: Hưng Thơ.

Thuộc lớp người sinh sau, khi lớn lên Lao Bảo đã thành hình của một phố núi, nhưng ông Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo lại có những góc nhìn khác về quê hương thứ hai của mình qua những con số rất thú vị: Khoảng thời gian từ 1984 đến 1986, Lao Bảo có 50% nhà ngói, sân gạch. Hay đến năm 1989, trường phổ thông tại Lao Bảo đã phát triển lên 22 lớp học. Và bây giờ, tổng giá trị sản xuất của Lao Bảo đạt hơn 7.500 tỉ đồng...

“Để làm được điều đó, ngày trước nơi này là địa phương sớm nhất trong huyện Hướng Hóa mạnh dạn xóa bỏ hình thái hợp tác xã để xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình. Gần như 100% hộ nghèo đói ở thời gian đầu, đến nay chỉ còn chưa đến 200 hộ nghèo; từ  0 đồng thu nhập, đến năm 2017 bình quân đầu người tại Lao Bảo đã hơn 36 triệu đồng; từ 100% nhà tranh vách nứa, nay Lao Bảo có trên 20% nhà cao tầng và biệt thự, 70% nhà kiên cố; từ 4 lớp học vách đất và có chưa tới 5 học sinh đi học cấp 3, thì nay Lao Bảo có đến 9 trường học với gần 100 lớp học kiên cố, đáp ứng nhu cầu cho gần 3.000 em thuộc mọi lứa tuổi… Sẽ là một cái gì đó rất lớn lao, xa xôi nếu nhìn Lao Bảo từ ngày đầu lập nghiệp đến Lao Bảo bây giờ” – ông Nguyễn Hữu Dũng, nói.

Hôm đó ngồi bên quán nước ở hồ công viên thị trấn Lao Bảo, ngắm nhìn từng đoàn xe ôtô, môtô xuôi ngược quốc lộ 9, ông Ái, ông Dĩ, ông Tư cùng rất nhiều “bạn càphê hàng ngày” thuộc thế hệ đầu tiên lên khai hoang Lao Bảo lâu lâu lại nói với nhau rằng mấy chục năm trước, có nằm mơ cũng không tưởng tượng ra được có ngày Lao Bảo lại có hình hài như này. Ông Tư kể mỗi tháng có khi vài bận, ông về quê, sau cốp xe ôtô sẽ là những mặt hàng Lào, Thái Lan hoặc chuối, hoặc càphê… để đưa về cho bà con ở dưới quê. “Ngày trước, cứ đói là về quê ngửa tay xin gạo, bây giờ vẫn về quê, nhưng không còn cảnh đó nữa. Rất nhiều con em ở quê đã lên đây, được thế hệ đi trước dìu dắt, lập nghiệp và giàu có ở tại đất Lao Bảo. Giàu có rồi, họ lại về quê, nên bây giờ dưới quê có việc gì cũng đỡ khó khăn, vì có bà con trên này cáng đáng” – ông nói.

Lao Bảo bây giờ. Ảnh: Hưng Thơ.

Lao Bảo bây giờ. Ảnh: Hưng Thơ.

Sáng sớm ở Lao Bảo, từng đoàn xe ôtô khách xuất phát từ các vùng quê ở Triệu Phong đã có mặt ở khu chợ cũ của thị trấn. Những con cá, tôm, cua còn tươi rói, đựng trong các thùng xốp vừa đánh bắt lúc rạng sáng ở quê nhà được đưa lên đây. Đôi lúc, trên các chuyến xe đó, còn có những bon nước được lấy ở vùng quê Triệu Phước – thứ nước thơm ngon mang kỷ niệm quê nhà được chuyển lên Lao Bảo để nấu nước xáo bò, bún bò và nhiều món ăn khác; “vì nước ở đây chế biến không thể ngon bằng nước ở quê…” như lời ông Nguyễn Vũ Ái. Còn khi những chiếc xe khách lăn bánh trở về, đổi lại con cá, con tôm ban sáng, là những bó chè xanh, những buồng chuối mật mốc, hoặc cũng có thể là những bắp chuối rừng… mang hương vị của vùng biên.

Thậm chí lâu lâu, như người đàn ông trong nhóm “bạn càphê hàng ngày” không chịu cho biết tên, đã rất khó khăn khi nhớ lại chính xác cụm từ “kinh tế mới” vì “lâu lắm chẳng còn nghe ai nhắc chuyện cũ…”. Ông bảo “ngày xưa lên Lao Bảo đồng nghĩa với việc đi đày dù kinh tế mới hay cũ. Còn giờ thì “người Lao Bảo” là một thương hiệu!

HOÀNG VĂN MINH

1256 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 967
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 967
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87212555