GS.TSKH Nguyễn Quang Thái trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ. Ảnh: VGP/ Lê Sơn
Giáo sư đánh giá thế nào về việc Chính phủ đã kịp thời có những giải pháp mạnh và kiên quyết đối với những sai phạm trong hoạt động giao dịch chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, vừa xử lý những sai phạm nhưng cũng giúp khôi phục và củng cố lòng tin của thị trường và nhà đầu tư, hạn chế tổn thất cho doanh nghiệp?
GS Nguyễn Quang Thái: Những giải pháp rất kịp thời và kiên quyết của Chính phủ vừa qua đã được sự ủng hộ rộng rãi của xã hội và các nhà đầu tư chân chính; giúp khôi phục và củng cố lòng tin, kiềm chế một phần các tổn thất cho cộng đồng doanh nghiệp.
Đây cũng là cơ hội để chúng ta rà soát hệ thống cơ chế, chính sách, phát hiện những điều còn sơ hở, chưa chuẩn, dễ tạo thành "bẫy" và dễ bị "lách", hoặc những điểm xung đột chính sách để thay đổi, hoàn thiện, chứ không chỉ là trừng phạt các hành vi và cá nhân sai phạm.
Có thể thấy, các biện pháp xử lý vừa qua của cơ quan quản lý nhà nước đã được cân nhắc kỹ đối với một số vụ việc trọng điểm.
Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp đã có cả chục năm hoạt động, không thể coi là "mới mẻ" để "châm chước" cho các hành vi sai phạm, thao túng thị trương, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Pháp luật chặt chẽ, nghiêm minh và đồng bộ sẽ giúp xử lý vấn đề này, cùng với sự tham gia, giám sát của người dân, doanh nghiệp, báo chí và toàn xã hội.
Đồng thời, trong quá trình xử lý cũng cần đánh giá tác động của các giải pháp trong dài hạn và ngắn hạn, vừa trừng trị hành động sai trái, nhưng bảo vệ tài sản doanh nghiệp, đó cũng là nguồn lực của đất nước, tránh để xảy ra việc "hình sự hóa" các quan hệ dân sự, kinh tế. Điều đó cũng có tác động "lành mạnh hóa thị trường" để doanh nghiệp không lo lắng, bất an, góp phần đưa đất nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ sau đại dịch như Chương trình Khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội Chính phủ vừa ban hành.
Theo giáo sư, đâu là các nhân tố tích cực cần được phát huy khi xử lý sai phạm "đúng người, đúng tội, đúng pháp luật", nhưng làm thế nào để bảo vệ tài sản doanh nghiệp, đó cũng là nguồn lực của đất nước, không "hình sự hóa" các quan hệ dân sự, kinh tế để doanh nghiệp khác không lo lắng, bất an?
GS Nguyễn Quang Thái: Phương cách xử lý các vụ việc ở Tập đoàn FLC hay Tân Hoàng Minh có thể xem là điển hình để các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cùng rút kinh nghiệm trong việc hoàn thiện cơ chế phân công và phối hợp, phát huy đúng chức năng của mỗi cơ quan, không "dẫm chân" mà cũng không chia cắt, hành động riêng lẻ.
Như vậy, việc xử lý sẽ đạt lý, thấu tình, làm rõ động cơ, thời điểm và hành vi phạm tội, xử lý sai phạm "đúng người, đúng tội, đúng pháp luật".
Từ đó vừa làm "lành mạnh hóa thị trường",đồng thời doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng yên tâm, tích cực đóng góp hoạt động vào Chương trình khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội vừa được Chính phủ ban hành.
Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, lĩnh vực mới trong hệ thống huy động nguồn lực cho phát triển, cần được quan tâm hoàn thiện không ngừng với tư duy, tầm nhìn mới như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực trong nền kinh tế thị trường hội nhập.
Tôi cho rằng, hoàn thiện hệ thống thị trường mang tính toàn cầu hóa ở nước ta cần đúc rút kinh nghiệm không ngừng, trong đó rất cần lưu ý tính nhạy cảm, phức tạp, không ngừng phát triển của các thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng và của hệ thống pháp luật liên quan.
Trong quá trình xử lý các hành vi sai phạm cũng cần đánh giá tác động trước mắt và dài hạn, tránh để xảy ra việc "hình sự hóa" các quan hệ dân sự, kinh tế để bảo vệ tài sản doanh nghiệp, là nguồn lực của đất nước.
Tới đây Chính phủ, doanh nghiệp, người dân và xã hội cần có ứng xử thế nào, khi thị trường còn tiếp tục "rung lắc" do nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, thưa giáo sư?
GS Nguyễn Quang Thái: Phát triển kinh tế thị trường, trong đó có thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp là cần thiết trong nền kinh tế thị trường hội nhập và đang trở thành kênh huy động vốn dài hạn cùng với kênh tín dụng ngân hàng cung ứng vay ngắn hạn cho nền kinh tế như thông lệ các nước.
Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng ngân hàng… lành mạnh sẽ góp phần vào việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với ổn định chính trị là điều kiện quan trọng nhất của phát triển trong mọi tình huống.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, cũng như các thị trường hàng hóa khác, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ không tránh khỏi những đợt rung lắc theo các biên độ khác nhau, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp, khó dự báo. Nếu chúng ta xử lý không tốt có thể dẫn đến các hiệu ứng xấu lan rộng. Do đó, cần xử lý vấn đề "rung lắc" thị trường bằng các điều chỉnh thông minh, thích ứng.
Các cơ quan quản lý cần chuẩn bị một số "kịch bản" ứng phó có phối hợp, với tầm nhìn xa, thấy trước, với giải pháp đồng bộ. chặt chẽ và mang tính hệ thống, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, báo chí và toàn xã hội. Có như vậy chứng ta mới ứng xử bài bản, quản ý chặt chẽ thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, tương ứng với bản chất của một loại thị trường hiện đại, hội nhập, bám sát thực tiễn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, tận dụng hết tiềm năng, lợi thế của đất nước trong thời kỳ mới.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Lê Sơn (thực hiện)